AEC sẽ là thành tựu tiêu biểu về hội nhập khu vực

Nếu thành công, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ là thành tựu có tính tiêu biểu cho sự hội nhập khu vực, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nền kinh tế thành viên.
 
Ảnh minh hoạ.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 45 (AEM - 45) vừa diễn ra tại Brunei, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirjawan cho biết: Đến nay, các đầu việc AEC đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng. Điều này phản ánh rằng mỗi nước thành viên cần nỗ lực hơn nữa trong vài năm tới, đồng thời con số này cũng cho thấy mức độ hiện thực hóa AEC vào năm 2015.

Trong Thông cáo chung của AEC-45, các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp ở mỗi nước nhằm xây dựng AEC vào năm 2015. Đặc biệt, các Bộ trưởng đã nhất trí danh sách các đầu việc ưu tiên trong năm 2013 và 2015 đã được các cơ quan của AEC đặt ra.

Trước đó, trong báo cáo thường niên 2012 - 2013 công bố cuối tháng 7, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết, đến cuối tháng 3/2013, ASEAN đã hoàn thành 80% các giải pháp được nêu trong kế hoạch xây dựng AEC trên tất cả các lĩnh vực. Giờ đây, Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN đã được triển khai đầy đủ; Hiệp định ASEAN về di chuyển con người ( MNP) đã được ký kết; việc triển khai thí điểm chương trình “Một cửa ASEAN” (Asean Single Window) nhằm cải thiện các điều kiện thuận lợi cho thương mại khu vực đang được đẩy mạnh; trong khi trên lĩnh vực giao thông vận tải đã có nhiều tiến bộ trong việc phê chuẩn hiệp định.

Theo báo cáo này, năm ngoái ASEAN đạt mức tăng trưởng GDP 5,6%, cao hơn mức 4,7% của năm 2011 nhờ nhu cầu tăng mạnh và các biện pháp hội nhập thương mại, kinh tế nội vùng. AEC là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2020 và được khẳng định lại trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN (Tuyên bố Bali II): Tạo dựng một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao, nơi có sự di chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, di chuyển tự do hơn của các luồng vốn, phát triển kinh tế đồng đều và giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về kinh tế - xã hội.

Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN một bộ phận của Lộ trình xây dựng Cộng đồng 2009 - 2015 đã xác định các biện pháp chính mà ASEAN sẽ thực hiện để xây dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất gồm: Dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại, hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm (hợp chuẩn) và quy chế, giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu, hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ, tạo thuận lợi cho dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN và tự do lưu chuyển hơn của dòng vốn, thuận lợi hóa di chuyển thể nhân...

Các biện pháp nói trên đều đã và đang được các nước thành viên ASEAN triển khai cụ thể thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (AIA) và Hiệp định Ðầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO), Lộ trình hội nhập tài chính và tiền tệ ASEAN,...

Thành tựu đáng kể nhất trong xây dựng AEC tới nay là ASEAN đã cơ bản giảm được thuế quan cho các mặt hàng trong danh sách giảm thuế về từ 0 - 5% từ năm 2010 đối với 6 nước thành viên ban đầu (Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Brunei) và vào năm 2015 với 4 nước thành viên mới (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar), hình thành nên một thị trường mở không còn các rào cản thuế quan đối với hàng hóa. Nói cách khác, AEC là mô hình liên kết kinh tế khu vực dựa trên nâng cao những cơ chế liên kết kinh tế hiện có của ASEAN, có bổ sung thêm hai nội dung mới là tự do di chuyển lao động và di chuyển vốn tự do hơn.

Nếu thành công AEC sẽ là thành tựu có tính tiêu biểu cho sự hòa nhập khu vực, sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nền kinh tế thành viên; ngược lại, nếu AEC không được khởi động suôn sẻ vào cuối năm 2015 thì cộng đồng thế giới sẽ giảm lòng tin vào sức mạnh thật sự và tiềm năng của ASEAN. Khoảng thời gian 2 năm tới là thời kỳ hết sức bận rộn và thú vị của ASEAN trên con đường trở thành một động lực quan trọng của kinh tế thế giới./.

(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...