Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Hạn hán đe dọa nghiêm trọng an ninh lương thực ở Zimbabwe. (Ảnh TÂN HOA XÃ)

Từ châu Âu, châu Mỹ cho đến châu Phi, nhiều quốc gia đang chật vật tìm cách ứng phó hạn hán. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ cung cấp khoản hỗ trợ tài chính trị giá 340 triệu USD cho người dân Ethiopia sống ở vùng đất thấp bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo WB, trong ba năm qua, vùng đồng bằng của Ethiopia liên tiếp phải hứng chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng, dẫn đến thiệt hại đáng kể về vật nuôi, ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người dân.

Zimbabwe cũng vừa ban bố tình trạng thảm họa vì hạn hán do hiện tượng El Nino gây ra, khiến hầu hết các tỉnh ở quốc gia châu Phi này bị mất mùa. Giới chức Zimbabwe cho biết, nước này có hơn 2,7 triệu người nguy cơ bị đói trong năm nay và cần hơn 2 tỷ USD để triển khai các biện pháp ứng phó.

Còn tại Mexico, gần 60% diện tích đang hứng chịu tình trạng hạn hán từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng. Theo Cơ quan Khí tượng Thủy văn Mexico, phần lớn đập, hồ thủy lợi đang có mực nước dưới mức tiêu chuẩn, nhất là tại hai bang phía tây bắc là Sonora và Sinaloa.

Tình trạng thiếu nước cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực nông nghiệp và gây gia tăng ô nhiễm ở các quốc gia châu Âu. Hồi tháng 2/2024, chính quyền vùng Catalonia của Tây Ban Nha phải ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán tại Barcelona và vùng lân cận.

Người đứng đầu vùng Catalonia Pere Aragones khẳng định, khu vực này đang hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 50 năm qua. Ở Italia, tình trạng thiếu mưa khiến mực nước hồ chứa ở vùng Sicily giảm 23% so với mức trung bình ghi nhận trong 14 năm qua.

Việc cung cấp nước cho các vườn cây cũng bị ảnh hưởng, làm giảm đáng kể sản lượng rượu vang ở vùng Piedmont. Thiếu mưa còn gia tăng mức độ ô nhiễm. Vùng công nghiệp ở miền bắc Italia đã ghi nhận tình trạng ô nhiễm không khí ở mức cao, gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân.

Theo báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), có khoảng một nửa dân số thế giới đối mặt tình trạng “căng thẳng cao” về nước trong ít nhất một tháng mỗi năm. Báo cáo cũng chỉ rõ, Nam Á có hơn 74% dân số phải sống trong cảnh thiếu nước nghiêm trọng, nhưng khu vực này vẫn đứng sau Trung Đông và Bắc Phi, nơi có đến 83% dân số bị ảnh hưởng.

Thực tế này cho thấy thế giới đang đi chệch hướng trong tiến trình đạt được Mục tiêu phát triển bền vững về bảo đảm nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng.

Nhằm khẳng định tầm quan trọng của nước đối với tương lai nhân loại, Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề “Nước cho hòa bình” trong Ngày Nước thế giới năm nay. Liên hợp quốc khẳng định, hợp tác về nguồn nước giữa các quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và ngăn ngừa xung đột.

Theo Thư ký Công ước Liên hợp quốc về nước, bà Sonja Koeppel, hơn 60% nguồn nước ngọt là tài nguyên chung giữa hai hoặc nhiều quốc gia, bao gồm các con sông lớn như sông Rhine và sông Danube ở châu Âu, sông Mê Công ở châu Á, sông Nile ở châu Phi, vì vậy, hợp tác về các nguồn nước chung đóng vai trò rất quan trọng cho hòa bình.

Tuy các nước đang thúc đẩy chống biến đổi khí hậu và quản lý hiệu quả nguồn nước nhưng cần nhiều nỗ lực hợp tác quốc tế hơn nữa để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, hiện có 153 quốc gia trên thế giới chia sẻ tài nguyên nước chung, nhưng chỉ có 24 quốc gia đã ký các thỏa thuận hợp tác về các nguồn nước chung này.

Nếu thiếu sự chung tay hành động, tình trạng khan hiếm nước không chỉ đe dọa trực tiếp cuộc sống người dân mà còn có thể là nguyên nhân làm bùng phát căng thẳng, thậm chí châm ngòi cho xung đột.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng hòa bình toàn thế giới

Được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, lãnh đạo các Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản trên thế giới, các Đảng đối tác, các tổ chức quốc tế đã gửi các điện/thư chia buồn đến Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng...

Bảo vệ giới trẻ trước tác hại của thuốc lá

Thế giới có khoảng 37 triệu trẻ em, từ 13 đến 15 tuổi, hút thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các chính phủ nhanh chóng hành động để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.

2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử

Với việc nhiệt độ trung bình thế giới tháng 6 vừa qua đã phá kỷ lục cao nhất mọi thời đại, các nhà khí tượng học cho rằng, năm 2024 sẽ có thể trở thành năm nóng nhất lịch sử thế giới.

Thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine

Tăng cường khả năng châu Phi tự sản xuất vaccine là chủ đề được tập trung thảo luận tại Diễn đàn toàn cầu về chủ quyền vaccine và đổi mới, vừa diễn ra ở Paris (Pháp). Để bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine, ngoài việc các nước giàu chia sẻ vaccine, các hãng dược thực hiện đầy đủ cam kết phân...

Cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ người tị nạn

Gần 120 triệu người trên thế giới phải rời bỏ mái ấm để trốn chạy khỏi các cuộc xung đột, bạo lực... Con số nhức nhối này là hồi chuông cảnh báo và cũng thúc giục cộng đồng quốc tế dang rộng vòng tay đón nhận và hỗ trợ người tị nạn, để tránh những thảm kịch tồi tệ.

Xu hướng tích cực trên thị trường năng lượng

Báo cáo Đầu tư Năng lượng thế giới hằng năm của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi mức dành cho nhiên liệu hóa thạch. Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển...