Khúc giao mùa

Cuối tháng Tư, cơn gió mùa đông bắc mang theo nỗi nhớ của nàng Bân vẫn còn lưu luyến ở lại. Những chiếc áo rét mẹ đã giặt sạch, gấp gọn gàng toan cất vào tủ được mang ra mặc lại trong ngày se lạnh. Đâu đó hoa xoan đã nở tưng bừng rụng tím lối đi, vậy mà dường như mùa xuân vẫn chưa muốn tạm biệt để nhường chỗ cho anh chàng mùa hè rực rỡ và sôi động.
Ruộng bậc thang Bát Xát mùa nước đổ.

Sau đợt rét cuối mùa, trời bỗng chuyển mưa dông. Bao giờ cũng vậy, bắt đầu bằng vài cơn gió mạnh, những đám mây đen vần vũ làm trời đất tối sầm, rồi sấm ùng oàng với những tia chớp sáng lòa rạch ngang dọc trên nền trời. Năm nay mạn miền núi Tây Bắc mưa đá nhiều. Mưa đá trở thành nỗi ám ảnh. Lộp bộp! Lộp bộp! Nghe những tiếng mưa trên mái tôn rõ dần, nét mặt ai cũng hoang mang, mọi người nín thở nhìn nhau lo lắng.

Lại mưa đá nữa sao? Xin ông trời đừng mưa đá nữa, bao nhiêu mái nhà, vườn rau, vườn quả đã tan hoang hết cả rồi. May quá! Ai cũng thở phào nhẹ nhõm khi trận mưa to ào ạt đổ xuống không có viên đá nào. Mưa rào làm cho đất trời tươi mát, đổ nước cho những cánh đồng ruộng bậc thang đang vào mùa cày cấy. Người dân vùng cao gặp cơn mưa vàng, mưa bạc mà vui như thấy thóc lúa đã trĩu hạt đầy đồng.

Mưa rào đến nhanh rồi lại đi nhanh, như nỗi hờn giận của em gái tuổi đang yêu. Mưa tạnh, nắng bỗng bừng lên rạng rỡ. Tiết trời không còn lạnh nữa mà chuyển sang ấm dần. Trong những góc tối chân tường, bụi cây đã nghe tiếng vo ve của bầy muỗi. Tiếng chim chào mào hót loách choách gọi nhau cắp rác xây tổ trên vòm nhãn sau nhà vui quá. Ven đồi, tiếng Cù…uốc! Cù…uốc! Quốc! Quốc! cứ dồn dập, vồn vã, da diết của chú chim quốc trống đang đứng gọi bạn tình. Chẳng biết bạn nó ở đâu có nghe thấy không, mà tiếng gọi ấy khiến những người xa quê nhớ nhà, nhớ quê hương như vậy.

Nếu như mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi, nảy lộc, thì mùa hè mới là mùa của sự viên mãn, sinh sôi, của tình yêu khi mùa xuân đã “chín”. Tháng Tư vào mùa hoa loa kèn rực rỡ. Tôi yêu hoa loa kèn đỏ dân dã mà vẫn kiêu sa, rực rỡ như ngọn lửa đầy đam mê, khát vọng. Tôi yêu hoa loa kèn trắng tinh khôi, thoang thoảng hương thơm mỗi đêm, dịu dàng e ấp như thiếu nữ tuổi trăng tròn. Năm nào cũng vậy, tôi luôn tặng cho ngôi nhà nhỏ của mình một bình hoa ấy bởi nó mang lại những xúc cảm dịu dàng, sâu lắng mà lặng lẽ của tình yêu, mà không một thứ ngôn từ nào có thể diễn tả hết được.

Vậy là mùa hè đã đến. Năm nay có cảm giác mùa hè đến sớm hơn. Mùa hè đến thật rồi sao mà mấy cô bạn khoe mua được cả rổ đào má hồng của Bắc Hà về làm quà. Thứ đào vùng cao đồng bào Mông vẫn trồng trên sườn núi quả không to lắm, nhưng khi chín lấm chấm đỏ thì chỉ cần lau bớt lớp lông mịn, ăn giòn giòn, chua chua, ngòn ngọt, chỉ nghe nói nước miếng đã đầy miệng thòm thèm. Rồi những quả mơ, quả mai xanh mướt, quả táo mèo xanh non bằng đầu ngón tay nữa chứ, quả chua lắm, đem chấm với muối ớt cay xè, cắn một miếng ngập chân răng, chua lắc đầu lè lưỡi mà sướng thế. Mùa này lên vùng cao cũng là mùa những chùm quả mâm xôi chín mọng. Quả mâm xôi màu vàng, màu đỏ, ăn vào ngòn ngọt, mát lịm, gắn với bao kỷ niệm tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên ở núi rừng.

Một buổi chiều hè êm ả, tôi đi dọc ven bờ sông Hồng bỗng giật mình thấy những cánh diều bay lượn trên bầu trời xanh ngăn ngắt. Chao ôi! Những cánh diều của tuổi thơ hồn nhiên nay gặp lại trong phút giây mà làm lòng ta xao xuyến. Hãy một lần nằm trên bờ cỏ, ngắm những cánh diều vô tư bay trên bầu trời và thả hồn mình theo gió. Anh bạn tôi bảo nếu mỗi người không quá bươn chải và bon chen, tham vọng thì sẽ thấy tâm hồn lúc nào cũng nhẹ nhàng. Sao người ta cứ phải tranh giành, gian dối, lừa lọc nhau vì tiền tài, hoặc vì công danh, địa vị? Hãy vứt bỏ những ích kỷ trong lòng, quên đi những phiền lo để trở về bình yên, giống như những cánh diều kia vi vu bay trên bầu trời rộng lớn. Và tôi cứ nghĩ như vậy, trong khi chiều dần buông bên bờ sông Hồng lộng gió…

Theo Tuấn Ngọc/LCĐT (http://baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/khuc-giao-mua-z8n20200430161926842.htm)

Tin Liên Quan

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.