Giữ điệu múa cổ truyền dân tộc Xa Phó

Từ trung tâm xã Gia Phú (Bảo Thắng), ngược dòng suối Bo, chúng tôi đến thôn An Thành. Nơi đây được mệnh danh là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc Xa Phó của huyện Bảo Thắng. Ngày ngày, vẫn có những người tâm huyết giữ gìn và truyền dạy các điệu múa, bài hát ru của dân tộc mình cho thế hệ mai sau.
 


Đội văn nghệ thôn An Thành tập múa khăn.

 
Bà Lù Thị Kha, sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất giàu truyền thống dân tộc Xa Phó. Ngay từ nhỏ, khi còn là cô bé theo mẹ lên nương, theo anh chị đi chơi hội làng, được xem người dân trong làng múa khăn, múa xe chỉ, múa hái lượm… thiếu nữ Lù Thị Kha bị cuốn hút. Những vũ điệu uyển chuyển, diễn tả khung cảnh sinh hoạt trong đời sống cộng đồng cứ thế in sâu trong bà. Mỗi lần trong thôn tổ chức hội hè, bà thường đi theo “học lỏm”. Nhờ sự thông minh, nên chẳng mấy chốc, bà thuộc hết các động tác cơ bản, biết kết hợp sự uyển chuyển, nhịp nhàng của đôi chân với sự khéo léo, mềm mại của đôi tay. Từ đó, trong các chương trình văn nghệ “cây nhà, lá vườn”, bà đều tham gia nhiệt tình, những tiết mục do bà biểu diễn luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Bà Lù Thị Kha không chỉ múa đẹp mà hát cũng rất hay. Do yêu thích nghệ thuật truyền thống, nên khi đến tuổi xây dựng gia đình, bà đã tìm cho mình người bạn đời cùng chung sở thích và được mẹ chồng dạy thêm cho một số vũ điệu múa, các bài hát ru cổ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Năm 1993, lần đầu tiên tham gia trên sân khấu lớn, bà Lù Thị Kha đạt giải nhất Liên hoan tiếng hát ru tỉnh Lào Cai lần thứ nhất. Năm 1994, tại liên hoan sơn ca toàn quốc bà đã giành Huy chương Vàng cho tiết mục hát ru lời cổ… Liên tục các năm tiếp theo, cứ có hội thi, hội diễn của tỉnh, của khu vực và Trung ương, ngành văn hóa đều chọn tiết mục của bà tham gia và lần nào cũng đạt thành tích xuất sắc, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả cả nước. Đối với bà, giải thưởng là vinh dự, nhưng quý hơn, qua hội thi, hội diễn, bà được góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau.

Gần 30 năm, với niềm say mê nghệ thuật truyền thống, bà tích lũy được nhiều kinh nghiệm và không ngần ngại truyền dạy cho lớp thanh niên trong thôn. Đội văn nghệ của thôn do bà Lù Thị Kha sáng lập có 10 chị, em. Dù bận mùa vụ, nhưng cứ rảnh rỗi, chị em lại có mặt tại nhà bà Kha để tập những điệu múa truyền thống, học những bài hát ru cổ và những bài hát mới do bà đặt lời. Nhiều cháu học sinh lúc đầu còn e ngại, được bà động viên, chỉ bảo từng động tác cơ bản trong từng điệu múa, lời ca trong bài hát ru cổ, đến nay các cháu đã là những thành viên chủ lực của đội văn nghệ thôn An Thành, thường xuyên tham gia các hội thi do huyện, tỉnh tổ chức.

Từ nhiều đời nay, trong cuộc sống sinh hoạt của người Xa Phó, những điệu múa, bài hát ru vẫn làm say đắm người xem. Động tác múa vui trong ngày hội mừng cơm mới, hội hoa chuối, hội mừng mưa hay các điệu múa diễn tả khung cảnh ngày hội ở bản làng, đêm trăng bên bờ suối, ngày hội văn hóa các dân tộc đều là điểm nhấn trong các cuộc vui.

Theo các nhà chuyên môn, múa Xa Phó là nghệ thuật múa dân gian truyền thống độc đáo, mang nhiều yếu tố hoang dã, không bị pha tạp yếu tố văn hóa của các dân tộc khác. Các điệu múa được lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua phương pháp truyền dạy. Mỗi thế hệ tiếp nhận đều trân trọng, giữ gìn nghiêm túc phong cách thể hiện. Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng cao, nhiều màu sắc. Mỗi động tác múa đều có một chủ đề nhất định, có thể là diễn tả những công việc lao động sản xuất hay ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa... được chắt lọc từ chính cuộc sống tình yêu, lao động, sinh hoạt của đồng bào. Chính vì lẽ đó, múa Xa Phó ngày càng có sức sống, tồn tại mãi mãi./.


 
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai