Nhật Bản hỗ trợ nền kinh tế “vượt bão”

Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua gói kích thích kinh tế trị giá hơn 700 tỷ USD. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đe dọa tiếp tục hãm phanh con tàu kinh tế lớn thứ ba thế giới, gói kích thích được kỳ vọng là liều thuốc bổ, tiếp sức cho nền kinh tế Nhật Bản sớm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Một siêu thị ở tỉnh Chi-ba, Nhật Bản. Ảnh ROI-TƠ

Nền kinh tế Nhật Bản vừa đón nhận thông tin tích cực. Trong quý III năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế tăng 22,9% so cùng kỳ năm 2019 và 5,3% so quý trước đó. Ðây là lần đầu trong bốn quý vừa qua, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại. Ðáng chú ý, chi tiêu tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP, tăng 4,7% so quý trước đó, sau khi giảm mạnh trong quý II do tác động của việc ban bố tình trạng khẩn cấp để khống chế dịch Covid-19. Mặc dù bức tranh kinh tế "xứ sở hoa anh đào" đã có thêm gam màu sáng sau nhiều tháng ảm đạm, song đà phục hồi kinh tế được dự báo có nguy cơ bị chậm lại trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu trong nước vẫn thấp, trong khi tình hình đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều chuyên gia phân tích dự báo, nền kinh tế Nhật Bản có thể phải mất nhiều năm nữa để đưa GDP quay trở lại mức tăng trưởng trước khi xảy ra đại dịch.

Trước nguy cơ đà tăng trưởng bị đảo chiều, việc công bố gói kích thích kinh tế nêu trên được xem là liều thuốc cần thiết để chữa lành những vết thương do đại dịch gây ra. Theo truyền thông Nhật Bản, gói kích thích kinh tế trị giá hơn 700 tỷ USD cùng lúc hướng tới ba mục tiêu là chống dịch Covid-19, chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế và củng cố sức mạnh của đất nước. Dự kiến, một phần gói kích thích sẽ được sử dụng để giúp các doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi định hướng kinh doanh và hỗ trợ các cửa hàng phải cắt giảm thời gian hoạt động để chống dịch. Bên cạnh đó, Chính phủ Thủ tướng Xư-ga Y-ô-si-hi-đê ưu tiên đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, như chế tạo pin thế hệ mới và tái chế các-bon, nhằm giúp nước này hiện thực hóa mục tiêu trung hòa khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Các cơ sở y tế cũng được cung cấp tài chính để bổ sung thêm giường bệnh, cũng như chuẩn bị cho việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Ngoài ra, gói kích thích kinh tế cũng bao gồm các khoản chi để gia hạn chương trình kích cầu du lịch và tiêu dùng trong nước, thúc đẩy quá trình số hóa…

Kinh phí cho gói kích thích kinh tế nêu trên sẽ được trích từ ngân sách bổ sung thứ ba của tài khóa năm 2020 (kết thúc vào tháng 3-2021) và ngân sách ban đầu của tài khóa năm 2021. Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ thông qua các dự thảo ngân sách vào cuối tháng này. Thủ tướng Xư-ga Y-ô-si-hi-đê khẳng định, gói biện pháp nêu trên sẽ giúp duy trì việc làm, hoạt động kinh doanh, vực dậy nền kinh tế, đồng thời mở ra những hướng tăng trưởng mới trong lĩnh vực kỹ thuật số và tăng trưởng xanh, nhằm bảo vệ cuộc sống và việc làm của người dân. Theo Chính phủ Nhật Bản, gói kích thích kinh tế mới có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 3,6% trong những năm tới, hạn chế tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp và người lao động nước này.

Đây là lần thứ ba trong tài khóa năm 2020, Tô-ki-ô đưa ra gói kích thích để hỗ trợ nền kinh tế vượt bão Covid-19. Hai gói cứu trợ trước đó có tổng giá trị lên đến 2.200 tỷ USD, tập trung vào ứng phó những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp. Giới phân tích nhận định, thời gian qua, trong nỗ lực vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp quyết liệt chưa từng có, khi liên tục trình lên Quốc hội các dự thảo ngân sách khổng lồ để tài trợ các gói biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Gói kích thích kinh tế mới nhất này được kỳ vọng sẽ là liều thuốc hữu hiệu, giúp Nhật Bản thực hiện được mục tiêu kép vừa ứng phó dịch Covid-19, vừa khôi phục nền kinh tế.

https://nhandan.org.vn/tin-tuc-the-gioi/nhat-ban-ho-tro-nen-kinh-te-vuot-bao-627960/

 

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Pháp công bố thành phần nội các mới

Ngày 21/9, sau khi Tổng thống Emmanuel Macron phê duyệt, thành phần nội các mới của Pháp đã được công bố với một số thay đổi quan trọng, trong đó có các bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao, Nội vụ, Kinh tế và Tài chính, Tư pháp.

“Bộ tứ” tăng hội tụ chiến lược

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản vừa họp Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư của nhóm “Bộ tứ kim cương”, tại thành phố Wilmington, bang Delaware của Mỹ. Tuyên bố chung sau hội nghị đề cập một loạt sáng kiến trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh, cơ sở hạ tầng hàng hải đến ứng phó thảm...

Trường đại học Nga tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Việt Nam

Ngày 21/9, tại Viện các nước châu Á và châu Phi thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU) đã diễn ra cuộc thi tìm hiểu về Việt Nam với sự tham gia của nhiều sinh viên Nga theo hình thức thi trắc nghiệm đa phương tiện.

Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79: Hành động vì tương lai tốt đẹp hơn

Căng thẳng địa chính trị, xung đột, đói nghèo, dịch bệnh, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu… là những thách thức khiến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) có nguy cơ dần xa tầm với. Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, với điểm nhấn là Phiên thảo luận chung cấp cao và Hội nghị Thượng đỉnh Tương...

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...