Một bầu không khí sạch, đó là tương lai mà chúng ta mong muốn

Vào ngày 16/9 hằng năm, cộng đồng quốc tế cùng kỷ niệm Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone nhằm nêu bật vai trò của tầng ozone cũng như sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế để hạn chế các nguy cơ mà hoạt động của con người có thể gây ra cho Trái đất.

Bảo vệ tầng ozone chính là bảo vệ sự sống trên
Trái đất. (Ảnh: UNEP)
Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 16/9, ngày ký kết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone (16/9/1987), để kỷ niệm Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone. Nghị định thư Montreal yêu cầu hạn chế và cuối cùng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng và sản xuất các hợp chất cácbon của clo và flo (CFC – chlorofluorocacbons) cũng như các chất hóa học gây suy giảm tầng ozone khác như tetraclorit cácbon, các hợp chất của brôm (halon) và methylchloroform.

Nghị định thư mang tính lịch sử này đã được thông qua tại thành phố Montreal (Canada) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/1989. Nghị định thư Montreal áp đặt các biện pháp và nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn sản xuất và sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone đối với các nước thành viên.

Nhân ngày kỷ niệm này, Liên hợp quốc mong muốn kêu gọi tất cả các nước thành viên tăng cường các hoạt động phù hợp với những mục tiêu của Nghị định thư Montreal và các điểm sửa đổi bổ sung. Ngoài ra, Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tầng ozone trong việc lọc ánh sáng mặt trời, ngăn ngừa tác hại của tia cực tím đến được bề mặt trái đất và do đó bảo vệ sự sống trên hành tinh của chúng ta.

Năm nay, chủ đề kỷ niệm Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone được Liên hợp quốc lựa chọn là: “Một bầu không khí sạch, đó là tương lai mà chúng ta mong muốn”. Theo Liên hợp quốc, việc dần dần loại bỏ sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone và hạn chế các chất này không chỉ giúp bảo vệ tầng ozone cho các thế hệ hiện tại và tương lai, mà còn góp phần không nhỏ vào những nỗ lực được cộng đồng quốc tế triển khai để ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc loại bỏ các chất này giúp bảo vệ sức khỏe con người và các hệ sinh thái bằng cách hạn chế bức xạ cực tím có hại đến Trái đất.

Trong thông điệp được gửi đi nhân Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone 2013, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Đối với những thách thức lớn, cần có các biện pháp lớn. Các quốc gia trên thế giới đã nhất trí thông qua các biện pháp dứt khoát để bảo vệ tầng ozone, vận động một tiến trình liên chính phủ mở ra những con đường mới”.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, “vào thời điểm chúng ta áp dụng các kết quả của Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững, sự thành công đáng chú ý của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone là một tia hy vọng. Nghị định thư này bảo đảm việc bảo vệ tầng ozone, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nhắc nhở chúng ta rằng, phải đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu, các quốc gia trên thế giới có thể hợp tác vì lợi ích chung”.

Nhân dịp này, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng bày tỏ “hy vọng thành công này sẽ là một nguồn thông tin và nguồn cảm hứng cho cộng đồng quốc tế để xác định một tầm nhìn mới và một khuôn khổ chiến lược cho giai đoạn sau năm 2015, thời hạn dự kiến đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc “hoan nghênh tất cả những ai đã làm cho Nghị định thư Montreal trở thành một hình mẫu đáng chú ý của sự hợp tác quốc tế” và “kêu gọi các Chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các đối tác cùng theo đuổi hình mẫu này để giải quyết những thách thức lớn khác của thời đại chúng ta trong lĩnh vực môi trường và phát triển”./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.