Lào Cai - Nhiều chính sách nâng cao chất lượng giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số
Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, có 25 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 66,2% dân số toàn tỉnh. Trong những năm qua, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng dân số, thì mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục cho đông bào các dân tộc thiểu số rất ít người cũng được Lào Cai đặc biệt quan tâm, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.Năm 2016, Lào Cai đã triển khai Đề án "Xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ" giai đoạn 2015 – 2020, trong đó bao gồm cả đối tượng người dân tộc thiểu số rất ít người. Chỉ sau 3 năm (2016 – 2019) triển khai, tất cả các chỉ tiêu đều đạt so với kế hoạch. Hiệu quả của đề án này góp phần thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào vùng cao, đáp ứng nhu cầu được biết chữ, tiếp nhận văn hóa của một bộ phận người dân.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã tổ chức 28 lớp dạy tiếng dân tộc bằng hình thức truyền khẩu với sự tham gia của 1.400 học viên là người dân tộc Phù Lá (Xá Phó) và Bố Y là 2 dân tộc thiểu số rất ít người tại Lào Cai. Các lớp học được tổ chức chia làm 2 đợt, mỗi đợt bao gồm 12 lớp dạy tiếng dân tộc Phù Lá (Xá Phó) và 2 lớp dạy tiếng dân tộc Bố Y.
Việc tổ chức triển khai mở các lớp dạy tiếng truyền khẩu tại thôn, bản cho người dân tộc thiểu số rất ít người đã góp phần tích cực giữ gìn và phát huy tốt hơn bản sắc văn hoá của các dân tộc rất ít người trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của tỉnh đề ra.
Nâng cao chất lượng giáo dục góp phần thay đổi nhận thức của người dân.
Tại huyện Mường Khương hiện nay có dân tộc Bố Y thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người với 428 hộ, tương đương 1635 nhân khẩu, sinh sống tại 14/16 xã, thị trấn trong huyện. Trong đó có 88/428 hộ nghèo chiếm 20.6%; 57/428 hộ cận nghèo chiếm 13.3%. Những năm qua, thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ cho dân tộc thiểu số rất ít người, hàng năm các xã, thị trấn thường xuyên mở các lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người; Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh trong việc giáo dục học sinh; huy động học sinh đến trường cùng với việc duy trì sĩ số; Đổi mới phương pháp dạy học theo đối tượng, vùng miền; Tăng cường rèn luyện tiếng Việt và các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh; Chuyển giao khoa học kỹ thuật, chính sách, hiệu quả của chính sách, đối tượng thụ hưởng; tạo được sự đồng thuận của nhân dân…
Năm học 2020-2021 toàn huyện có 584 học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người Bố Y được hỗ trợ chế độ theo Nghị định 57/2017 của Chính phủ về chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người. Trong đó có 180 học sinh mầm non, 279 học sinh tiểu học, 125 học sinh THCS. Phòng GD&ĐT huyện chi trả hỗ trợ cho học sinh trong ba đợt (tháng 12, tháng 5, tháng 8 hàng năm). Các đơn vị trường THPT, PTDTNT THCS&THPT chi trả theo từng tháng trong năm. Phương thức chi trả bằng tiền mặt theo quy định. Trong năm 2020 huyện Mường Khương đã xóa toàn bộ phòng học tạm và xây dựng nhà công vụ, nhà bán trú đảm bảo công tác dạy và học cho giáo viên và học sinh.
Nhờ có chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập theo Nghị định 57, đối tượng người học là dân tộc thiểu số rất ít người có cơ hội đến trường, được hỗ trợ học tập nên có điều kiện yên tâm học tập trong các cơ sở giáo dục. Hàng năm các học sinh thuộc đối tượng trên đều hoàn thành chương trình học tập theo lớp học, bậc học. Bên cạnh đó, Mường Khương còn có đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc Bố Y có trình độ đại học trở lên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị của huyện, chiếm tỷ lệ khá cao, với tổng số 15 người.
Có thể thấy, từ những giải pháp mà huyện Mường Khương nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung đã và đang thực hiện, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, mà cả trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, đã góp phần tạo nên đời sống mới cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người. Các chính sách này sẽ là giải pháp thúc đẩy sự phát triển đồng đều, rút ngắn khoảng cách giữa các dân tộc, qua đó củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước./.