Chợ phiên của người Bắc Hà

Thị trấn Bắc Hà được bao bọc bởi một vùng núi non bồng bềnh mây trắng. Phiên chợ Bắc Hà họp vào ngày chủ nhật hằng tuần, nhộn nhịp, đầy màu sắc với những quán thắng cố nghi ngút khói, những bát rượu ngô nồng nàn, trái mận Tam hoa, mận Tả Van đỏ mọng thơm ngon, hấp dẫn.



Một góc chợ phiên Bắc Hà.

Chợ Bắc Hà - phiên chợ vùng cao đã níu giữ bước chân bao du khách và là điểm đến khó ai có thể bỏ qua nếu từng đặt chân tới mảnh đất cao nguyên này. Chợ Bắc Hà vẫn giữ được nét đặc trưng, độc đáo, đầy màu sắc của người vùng cao. Theo quan niệm của người dân địa phương, đi chợ cũng đồng nghĩa là đi chơi. Bởi, chợ không chỉ đơn giản là nơi mua, bán trao đổi hàng hóa, mà còn mang yếu tố văn hóa tinh thần, là nơi gặp gỡ, giao lưu, tâm tình.

Để đến với chợ phiên, người dân phải đi từ rất sớm, thậm chí phải đi từ ngày hôm trước đến trưa hôm sau mới đến được chợ. Đặc biệt, ghé mắt quan sát bất kỳ chiếc gùi nào của người đi chợ, bao giờ cũng có một bộ quần áo dân tộc mới nhất, đẹp nhất, đến gần chợ họ mới mặc vào rồi trang điểm, đeo lên cổ, lên tay những vòng, xuyến bằng bạc.

Trước đây, chợ Bắc Hà họp trên một quả đồi thoai thoải. Đồng bào các dân tộc mang đến chợ mang đủ thứ sản vật vùng cao: Chè Shan, hoa quả, mật ong, rượu, áo, váy thổ cẩm, đồ trang sức bạc, hoa phong lan, cây giống; hay dắt theo những con ngựa, bò, lợn hoặc khệ nệ vác những bao ngô, khoai. Những năm gần đây, để bắt kịp với nhu cầu giao lưu, mua, bán ngày càng lớn của người dân Bắc Hà và những vùng phụ cận, chợ Bắc Hà được đầu tư tôn tạo, xây dựng mở mang với diện tích lớn hơn. Chính quyền địa phương và ngành văn hoá đã có nhiều cố gắng để phiên chợ được bảo tồn nguyên vẹn.
 


Du khách mua thổ cẩm ở chợ phiên Bắc Hà.

Nét độc đáo riêng có của phiên chợ vùng cao Bắc Hà là đến đây bạn sẽ được thưởng thức thắng cố món ăn đặc trưng của vùng núi cao Tây Bắc. Thắng cố không lúc nào vơi trong chảo, cũng như rượu không lúc nào cạn trong bình. Rượu đặc sản của người Mông Bản Phố, được nhiều người biết đến với hương vị thơm ngon và rất đặc trưng. Mua bán xong ngựa, lợn, trâu, bò, đàn ông người dân tộc ở Bắc Hà cùng bạn hàng quây quần quanh những bàn thắng cố nghi ngút khói, những bát rượu ngô thơm nồng nàn, trong suốt.

Chợ phiên Bắc Hà mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc vùng cao Tây Bắc, lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo. Nơi đây, những điệu khèn, điệu xòe cùng tiếng hát lãng mạn mà da diết, vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, những con người chất phác mà bí ẩn luôn vẫy gọi du khách./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai