Mỹ, Anh và Australia thiết lập quan hệ đối tác an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ngày 15/9, Mỹ, Anh và Australia thông báo sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, có tên gọi là AUKUS, ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

 Tổng thống Biden họp trực tuyến cùng Thủ tướng Anh Johnson và Thủ tướng Australia Morrison. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu với các phóng viên, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết theo quy định của quan hệ đối tác mới được Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison công bố, Washington và London sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.

Trong thông báo, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đều nhận thấy sự cấp thiết của yêu cầu bảo đảm hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong dài hạn”. Trong khi đó, Thủ tướng Morrison cho biết các tàu ngầm sẽ được đóng tại Adelaide với sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ và Anh, đồng thời khẳng định Australia sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục tuân thủ tất cả các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân của Canberra.

Thủ tướng Johnson gọi đây là một quyết định quan trọng đối với Australia để có được công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân và thỏa thuận này sẽ làm cho thế giới trở nên an toàn hơn. Theo người đứng đầu Chính phủ Anh, đây sẽ là một trong những dự án phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật cao nhất trên thế giới.

Ông Johnson nhấn mạnh: “Australia là một trong những bạn bè lâu đời nhất của chúng tôi, một quốc gia gần gũi, một nền dân chủ cùng chí hướng và một đối tác tự nhiên trong công trình khổng lồ này”.

Giới chức Mỹ nhấn mạnh quyết định trên được đưa ra sẽ không liên quan đến hoạt động cung cấp vũ khí hạt nhân cho Australia. Các tàu ngầm sẽ không được triển khai với vũ khí hạt nhân, song sẽ cho phép hải quân Australia hoạt động một cách yên tĩnh hơn, trong thời gian dài hơn và đưa ra khả năng răn đe trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, mối quan hệ đối tác ba bên cũng sẽ bao gồm hợp tác trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và không gian mạng, nhưng không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Theo các quan chức Mỹ, đây là quyết định mang tính lịch sử, phản ánh quyết tâm của chính quyền Tổng thống Biden trong việc xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn để duy trì hòa bình và ổn định trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/my-anh-va-australia-thiet-lap-quan-he-doi-tac-an-ninh-o-an-do-duong-thai-binh-duong-665163/
Theo Báo Nhân Dân

Tin Liên Quan

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.