Thông điệp về sự cần thiết

Thế giới chuẩn bị bước sang năm thứ ba ứng phó đại dịch Covid-19. Nhấn mạnh rằng, thế giới đang có trong tay những công cụ mạnh mẽ để đẩy lùi dịch bệnh, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố nhân loại phải cùng nhau nỗ lực để chấm dứt đại dịch trong năm 2022.

Lau dọn thiết bị y tế tại khu điều trị bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron tại 1 bệnh viện ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 6/12/2021. (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia hàng đầu của WHO cho rằng, con người hoàn toàn có thể tránh kịch bản tồi tệ nhất của Covid-19. Từ dạng tiêm kiểu truyền thống tới các hình thức mới là uống hay xịt, các thế hệ vaccine ngừa Covid-19 liên tục được nghiên cứu, phát triển và cập nhật.

Ngay trước thềm năm 2022, WHO đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp loại vaccine thứ 10. Tổ chức lớn nhất về y tế toàn cầu tin rằng, với một loạt công cụ chống dịch mạnh mẽ, thế giới có thể giảm số người mắc bệnh, nhập viện, phải chăm sóc tích cực và cả tỷ lệ tử vong vì Covid-19.

Sau hai năm chống dịch, các nước đã bình tĩnh hơn, phản ứng linh hoạt hơn trước sự xuất hiện của Omicron, biến thể đáng lo ngại mới nhất của virus SARS-CoV-2. Phần lớn các nước chuyển hướng từ chiến lược “không ca mắc” sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Trong kế hoạch đối phó biến thể Omicron vừa công bố, Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) nhấn mạnh: Tất cả chúng ta đều lo lắng về Omicron, nhưng không được hoảng sợ… Chúng ta đã được chuẩn bị và hiểu biết hơn nhiều về cách thức chống dịch.

Omicron xuất hiện ở khoảng 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, dần trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo ở Mỹ, Anh, Đan Mạch, Bồ Đào Nha... Các nhà khoa học cho rằng, vẫn cần thêm thời gian để đánh giá mức độ nguy hiểm của biến thể mới, song hầu hết các nghiên cứu hiện nay đều chỉ ra điểm chung là Omicron lây lan rất nhanh, song gây triệu chứng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong cũng giảm so với các phiên bản trước đó của SARS-CoV-2.

Các nhà dịch tễ học dự báo, có thể loài người sẽ phải sử dụng hết bảng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho các biến thể mới. Biến thể Alpha xuất hiện và gần như xóa sổ chủng gốc gây Covid-19, nhưng sau đó lại bị biến thể Delta thay thế. Omicron đang dần thế chỗ Delta và không loại trừ khả năng biến thể mới tiếp tục xuất hiện, “soán ngôi” Omicron.

Những dấu hiệu cho thấy khả năng Omicron là “biến thể đáng lo ngại” cuối cùng đã được giới khoa học chỉ ra. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho rằng, vaccine ngừa Covid-19 có thể cần được tiêm nhắc lại hằng năm, tương tự vaccine phòng cúm. Nếu các biến thể mới liên tục xuất hiện, mũi tăng cường hằng năm có thể được điều chỉnh để chống lại bất kỳ “biến thể thống trị” nào.

Các chuyên gia kỳ vọng, năm 2022 sẽ là năm các nhà hoạch định chính sách tìm ra chiến lược hiệu quả nhất để thích ứng an toàn, hướng tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Những biện pháp như tiêm mũi tăng cường hằng năm, xét nghiệm thường xuyên và nhanh chóng hơn, thúc đẩy những tiến bộ mới nhất trong phương pháp điều trị bệnh, thiết lập các kế hoạch phòng dịch linh hoạt tại công sở, trường học… sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh.

Để đạt được miễn dịch cộng đồng phải có ít nhất 70% dân số thế giới được tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, tới nay chưa tới một nửa dân số thế giới được tiêm phòng đầy đủ. Điều quan trọng ngay thời điểm này là phải đẩy nhanh các chuyến vaccine đến các quốc gia chưa được cung ứng đầy đủ. Liên hợp quốc tiếp tục truyền đi thông điệp về sự cần thiết trong phối hợp để thoát khỏi đại dịch, với tất cả mọi người, ở mọi nơi. Nếu không đạt được sự bình đẳng trong tiếp cận các phương tiện chống dịch, việc giảm thiểu các ca mắc bệnh ở bất kỳ quốc gia nào cũng không thể được duy trì theo thời gian.

Khó hy vọng virus biến mất, song cách tiếp cận mang tính toàn cầu, cùng những công cụ phù hợp và sự thích ứng chủ động, linh hoạt của mỗi cá nhân, có thể giúp thế giới sớm khép lại giai đoạn tối về dịch bệnh .

https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/thong-diep-ve-su-can-thiet-680078/

Theo Báo Nhân Dân

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...