Lào Cai: Biến di sản thành tài sản

Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai, giai đoạn 2011-2015, với sáng kiến “Biến di sản thành tài sản”, tỉnh Lào Cai đã tập trung trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các di sản văn hóa thành các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Đến nay 100% các di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh của Lào Cai đã được trùng tu tôn tạo. Tiêu biểu như: Cụm di tích Đền Bảo Hà và Đền Cô Tân An - “Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy”, là địa chỉ du lịch tâm linh của hàng vạn lượt du khách mỗi năm trong hành trình “Du lịch về cội nguồn”. Cụm di tích Đền Thượng - Đền Mẫu - Đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai) thu hút du khách thập phương, nhất là dịp lễ hội đầu xuân. Nguồn thu của các di tích tiêu biểu tỉnh Lào Cai mỗi năm đạt khoảng từ 25 đến 30 tỷ đồng.

Chương trình “Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất có 1 đặc sản mang dấu ấn văn hoá tộc người” cũng được Lào Cai thực hiện hiệu qủa. Tỉnh đã lựa chọn danh sách 11 cây, con đặc sản lựa chọn để bảo tồn, đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Nhờ vậy, các nông, thổ sản của Lào Cai gắn với di sản văn hóa của các dân tộc sinh sống ở Lào Cai có giá trị kinh tế rất cao như: Rượu San Lùng, gạo nếp hoa vàng (huyện Bát Xát); thổ cẩm người Xá Phó; thêu sáp ong người Mông, thuốc tắm người Dao (Sa Pa); mận tam hoa, rượu ngô, gà đen (Bắc Hà); gạo Séng cù, lợn đen, tương ớt (Mường Khương).



Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà đã trở thành một thương hiệu văn hóa
của Lào Cai. (Ảnh: Phạm Sơn)

Một số giá trị văn hóa đã dần trở thành thương hiệu của riêng Lào Cai như: Chảo thắng cố Bắc Hà được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Lễ hội trên mây Sa Pa,…Các giá trị văn hoá trên đã được nghiên cứu tổng kết và nâng cao tạo thành các sản phẩm gây được sự chú ý của du khách trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần các sản phẩm cùng loại, cải thiện đời sống cho người dân và tạo môi trường bảo tồn các di sản văn hoá.

Đặc biệt ở Sa Pa đã nghiên cứu cuộc sống hằng ngày của nhân dân để xây dựng các sản phẩm của du lịch như “Một ngày làm nông dân người Dao”, “Một ngày làm cô dâu người Mông”. Ở các làng du lịch cộng đồng từ văn hóa ẩm thực đến các nghề thủ công, thêu thổ cẩm và lời ca tiếng hát,… đều trở thành tài sản, hàng hóa trao đổi với du khách. Tỷ lệ xóa hộ đói nghèo ở các làng du lịch cộng đồng nhanh gấp 2 đến 3 lần các làng không tham gia hoạt động du lịch.

Kết quả và hiệu quả của sáng kiến “biến di sản thành tài sản” tại Lào Cai đã chứng minh rằng các dân tộc, các vùng đất với đặc trưng di sản văn hóa khác nhau có thể phát triển kinh tế từ những lợi thế về giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình. Di sản văn hóa gắn với các nông thổ sản, sản phẩm đặc trưng hoàn toàn có thể tạo ra giá trị kinh tế cao, tạo ra nguồn lực vật chất, nguồn lực tài chính để nâng mức sống của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Lào Cai./.
Hải Nam

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai