Khó khăn trong xây dựng sản phẩm OCOP

Sau gần 5 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thành phố Lào Cai có 5 sản phẩm của 8 xã, phường đạt từ 3 sao cấp tỉnh, 4 sản phẩm đạt từ 3 sao cấp thành phố trở lên. Bên cạnh những địa phương đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP, vẫn có những nơi đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng.

Quả chuối tiêu hồng xã vạn hòa đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Câu chuyện xây dựng sản phẩm OCOP ở xã Cốc San được Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Dương chia sẻ với chúng tôi rằng: Đặc thù của xã với nhiều thành phần dân tộc sinh sống, lập nghiệp theo kiểu “chín người mười làng”. Chính vì thế, sản xuất nông nghiệp cũng theo kiểu mỗi gia đình một thế mạnh, quê ai quen trồng cấy cây gì thì khi đến đây lập nghiệp sẽ canh tác cây đó. Nhìn ra cánh đồng, hoa, rau, lúa, mía, khoai... thứ gì cũng có nhưng để thống kê xem có sản phẩm nông nghiệp nào đặc hữu, có quy mô lớn thì không. Tính kỹ ra hiện trên địa bàn có hơn 1,5 ha cam, sản lượng đạt khoảng 15 tấn/năm là quy mô lớn nhất. Tuy nhiên, theo khảo sát, đánh giá của ngành chức năng, đây không phải là sản phẩm đặc hữu của địa phương nên chưa thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Ngoài ra, diện tích manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài. Để có thể xây dựng thành công quả cam thành sản phẩm OCOP, thời gian tới, xã sẽ vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất, thành lập tổ hợp tác liên kết đưa sản phẩm ra thị trường.

Tương tự, xã Hợp Thành đã xác định một số sản phẩm như cốm, vịt bầu để xây dựng sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện gặp nhiều trở ngại. Đơn cử như cốm, hiện tại mỗi năm người dân chỉ sản xuất vào vụ hè thu với sản lượng nhỏ, không có tem nhãn sản phẩm, cũng không áp dụng công nghệ đóng gói bảo quản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Phạm Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Trên địa bàn hiện có khoảng 30 hộ chế biến cốm, diện tích đất trồng lúa nếp chừng 5 - 6 ha. Sản phẩm này gặp khó bởi đây là món ăn tươi, mùa vụ ngắn, khó bảo quản khi đưa đi tiêu thụ và chưa thể duy trì hoạt động xuyên suốt để cung cấp ra thị trường liên tục.

Theo ông Trần Đình Ngọc, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lào Cai, sản phẩm OCOP cần đáp ứng một số điều kiện như sản xuất xuyên suốt, có sự tham gia của nhiều hộ, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và mang đặc trưng vùng, miền. Do vậy, để xây dựng sản phẩm OCOP, các địa phương phải dựa vào thực tế, xác định sản phẩm nào là chủ lực và đã được quy hoạch trong vùng sản xuất hay chưa.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Lào Cai đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết, có những khó khăn mang tính chất chủ quan, đó là quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sự hiểu biết của một số cán bộ địa phương và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung vẫn phụ thuộc vào tư vấn. Một số sản phẩm chủ lực gặp khó trong công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị, kéo dài thời gian tiêu thụ...

Về mặt khách quan, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng bị thu hẹp nên việc phát triển sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn OCOP về diện tích, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài là rất khó. Hiện tại, các cơ sở kinh doanh, chế biến còn rất ít, nhỏ lẻ, người dân chủ yếu bán các sản phẩm thô. Bên cạnh đó, người dân, tổ chức kinh tế phần lớn là nông dân, trình độ hạn chế, do vậy, việc tiếp cận công nghệ và cải tiến, áp dụng công nghệ còn yếu.

Trong thời gian tới, thành phố Lào Cai đẩy mạnh tuyên truyền đến các chủ thể kinh tế và người dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, chủ thể thực hiện chương trình; xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện Chương trình OCOP; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm.

https://baolaocai.vn/bai-viet/351111-kho-khan-trong-xay-dung-san-pham-ocop

theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai đa dạng hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP

Trong 2 năm 2024 - 2025, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai xây dựng, nhân rộng và phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, sản phẩm là đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu...

Lào Cai có 6 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024

Đây là những sản phẩm nổi trội, đại diện cho các nhóm, ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu, có lợi thế của các địa phương, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước...

Lào Cai: 104 doanh nghiệp/HTX tham gia cấp mã QRCODE cho dòng nông sản an toàn

Tính đến hết quý I/2024, toàn tỉnh có 104 doanh nghiệp/HTX tham gia với 328 dòng nông sản an toàn được cấp mã QRCODE; 201 doanh nghiệp/ HTX tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá với 350 dòng sản phẩm tham gia; 100% sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử và trang thông tin xúc tiến thương mại; 17 sản phẩm lên Phiên...

Đặc sản Lào Cai tại Lễ hội đền Thượng năm 2024

Lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, địa lý đã giúp Lào Cai sở hữu nhiều sản phẩm nông sản chất lượng, hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Đến với Lễ hội đền Thượng năm 2024, du khách có cơ hội được thưởng thức những đặc sản nổi tiếng do chính tay đồng bào các dân tộc Lào Cai tạo ra.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn từ OCOP

Sau 6 năm triển khai, Chương trình OCOP đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bát Xát chú trọng phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững

Trong 163 sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai thì huyện Bát Xát có 12 sản phẩm. Đến nay, 12/12 sản phẩm đã được giới thiệu lên Sàn Thương mại điện tử của tỉnh và trong nước.