Liên hợp quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Với 188 phiếu thuận, 2 phiếu chống, 3 phiếu trắng, ngày 29/10, Đại Hội đồng Liên hợp quốc nhất trí thông qua nghị quyết lên án lệnh bao vây cấm vận kinh tế mà Mỹ áp đặt chống Cuba trong suốt hơn 50 năm qua. Đây là lần thứ 22 liên tiếp, Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết về vấn đề này.
 
Theo Trung tâm Thông tin của Liên hợp quốc (UN News Centre), 2 thành viên bỏ phiếu chống là Mỹ và Israel; 3 phiếu trắng gồm các thành viên quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Palau.

Phát biểu trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez Parrilla cho biết, sau khi Cách mạng Cuba thành công vào năm 1959, Mỹ bắt đầu áp dụng lệnh cấm vận Cuba (năm 1962). Sau hơn 50 năm, chính sách của Mỹ gây thiệt hại hơn 1.157 tỷ USD cho nền kinh tế Cuba và đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đại diện của hầu hết các nước trên thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Cuba cũng nhấn mạnh, dù Mỹ đã nới lỏng hạn chế đi lại với Cuba, song các biện pháp trừng phạt vẫn còn nguyên và chúng đang được thực thi một cách triệt để.

Năm 2012, Mỹ nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với người Cuba và Chính phủ Cuba cũng đã tạo điều kiện đi lại dễ dàng hơn đối với các công dân của mình. Theo số liệu chính thức, người Cuba đã thực hiện hơn 180.000 chuyến đi nước ngoài trong năm 2013. Cơ quan đại diện cho lợi ích của Mỹ tại La Havana đã cấp 16.767 thị thực cho người dân Cuba trong nửa đầu năm 2013, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm 2012.

Bên cạnh đó, mặc dù là đối tượng của lệnh trừng phạt kinh tế, ở Cuba vẫn tràn ngập hàng hoá và tiền của Mỹ. Đó là kết quả của việc Cuba thay đổi chính sách và xu thế toàn cầu hoá kinh tế thế giới. Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Cuba đã bắt đầu thúc đẩy du lịch quốc tế, chào đón người Mỹ gốc Cuba, mở cửa cho thương mại và đầu tư phương Tây, công nhận đồng USD. Mục tiêu của các biện pháp đó là nhằm huy động tiền để nhập khẩu dầu, thực phẩm và những sản phẩm khác.

Trên thực tế, do cuộc cách mạng về thông tin và toàn cầu hóa kinh tế thế giới, các biện pháp cấm vận của Mỹ cũng phần nào bị vô hiệu hoá. Chính phủ Mỹ cấm đoán hầu hết công dân của Mỹ tới Cuba, nhưng trong năm 2012 có khoảng 200.000 người Mỹ vẫn tới du lịch quốc đảo này, đưa lượng du khách Mỹ vào Cuba lớn thứ ba sau Canada và Đức.

Hằng năm số tiền của người Mỹ gốc Cuba chuyển về cho người thân khiến thu nhập ngoại hối của Cuba tăng thêm tới 800 triệu USD. Các công ty và ngân hàng nước ngoài đang tham gia vào hơn 400 liên doanh với Cuba và đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào đất nước này. Các tổ chức tài chính nước ngoài cũng cung cấp cho Cuba hàng tỷ USD mỗi năm dưới hình thức tài trợ hay cấp tín dụng thương mại. Hơn thế, rất nhiều công ty và công dân Mỹ đã đầu tư vào các công ty làm ăn ở Cuba. Hầu hết các tổ chức tài chính và ngân hàng đầu tư Mỹ đều cung cấp dịch vụ cho những công ty có hoạt động thương mại ở Cuba.

Hiện tại, lệnh cấm vận các doanh nghiệp Mỹ tiến hành kinh doanh với Cuba vẫn còn hiệu lực và là lệnh cấm vận thương mại lâu dài nhất trong lịch sử hiện đại. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu lớn thứ 5 vào Cuba (6,6% hàng hóa nhập khẩu của Cuba là từ Mỹ).

Vì thế, khi nói về các biện pháp cấm vận của Mỹ, một nhà ngoại giao phương Tây cho rằng toàn cầu hoá khiến cho lệnh cấm vận trở nên lạc lõng. Về cơ bản, Cuba vẫn có bất cứ thứ gì họ muốn./.
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.