Lào Cai: Lễ “ăn cơm mới” của người Tày Bắc Hà

Đã thành thông lệ, cứ độ cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch hằng năm, khi những cánh đồng tràn ngập một màu vàng óng của lúa chín, khắp các bản làng của người Tày, Bắc Hà lại rộn rã tiếng giã gạo làm cốm, làm khẩu rang chuẩn bị cho lễ “ăn cơm mới” - một nghi lễ nông nghiệp truyền thống, một nét văn hóa độc đáo của người Tày Bắc Hà.
 
Ngay sau khi thu hoạch vụ lúa mùa, khi ngô, lúa đã chất đầy bồ thì đó cũng là thời điểm để bà con người dân tộc Tày (Bắc Hà) bước vào mùa Tết “cơm mới” với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà tổ tiên đã khuất.

Theo phong tục truyền thống của người Tày, gia đình nào có “ma nhà”, có cối hương thờ cúng cha mẹ, ông bà thì hằng năm đều phải tổ chức lễ cúng “cơm mới”. Mặt khác, Tết “cơm mới” còn là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của mỗi gia đình người Tày nên được bà con chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng.

Ngay từ sáng, mỗi người trong gia đình dậy sớm để chuẩn bị các đồ lễ cúng. Đồ lễ cúng trong mâm là những sản vật do người dân tự chăn nuôi, trồng cấy được như gà, vịt, ngô, gạo... được làm chín, bày trên cỗ lá. Ngoài ra, mâm cỗ cúng cần có đầy đủ khoai lang, khoai sọ, mía và quả cọ. Đặc biệt, trong mâm lễ cúng không thể thiếu được hai món ăn truyền thống của người Tày trong lễ “ăn cơm mới” là cốm và khẩu rang. Cốm được làm từ thóc nếp non sau khi thu hoạch về có thể luộc hoặc rang vừa chín tới, sau đó để nguội rồi đem giã, sàng sẩy để loại bớt vỏ trấu rồi đem bỏ vào cối giã, tiếp sau đó đem đồ lên ăn có vị dẻo và thơm.

Lễ cúng “cơm mới” của người dân tộc Tày Bắc Hà thường được tổ chức vào cuối buổi chiều và vai trò của thầy mo là rất quan trọng. Thầy mo phải là người chủ của gia đình, hoặc là những người cao tuổi, có kinh nghiệm, được chủ nhà và bà con trong bản tín nhiệm. Bài mo “cơm mới” có nội dung, tuần tự, ý nghĩa riêng. Các bài mo thường kéo dài nhiều giờ trước sự chứng kiến của cả gia đình và hàng xóm láng giềng. Thầy mo mặc quần áo truyền thống của người dân tộc Tày và sử dụng một chiếc quạt khi mo.

Mâm cỗ được dọn ra, gia chủ cùng họ hàng, làng xóm nâng cao chén rượu tổng kết một năm thành công và rộn rã những lời chúc tụng và cùng cầu chúc bước sang năm sản xuất mới gặp nhiều may mắn mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu./.
(Theo lehoi.cinet.vn)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai