Hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ dựa trên cơ sở chân thành, tin cậy và trách nhiệm

Ngày 12/5 (giờ địa phương), tại thủ đô Washington D.C, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi gặp gỡ, làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) phối hợp tổ chức. Tham dự có đông đảo đại diện các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước các nhà đầu tư và doanh nghiệp Hoa Kỳ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại sự kiện này, ông Ted Osius, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ làm ăn thuận lợi tại Việt Nam.

Ông nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường chiến lược ưu tiên, đồng thời mong muốn đóng góp vào tăng trưởng và thịnh vượng cho Việt Nam.

Ông nêu rõ, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đang ở vị trí tối ưu để có thể giúp Việt Nam chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, phát triển y tế...

Số lượng đông đảo doanh nghiệp Hoa Kỳ tham gia sự kiện này là minh chứng rõ ràng cho mối quan hệ mà USSABC đặt niềm tin vào Việt Nam. Hoa Kỳ hiểu rõ hai nước quan trọng như thế nào đối với nhau. Điều quan trọng là lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Nhiều người ở đây dành cả sự nghiệp để xây dựng lòng tin giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Một trong những biện pháp chúng ta làm được là thông qua những chuyến thăm cấp cao. Cùng nhau, chúng ta có thể  thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, ASEAN-Hoa Kỳ mang tính trung tâm trong châu Á, Thái Bình Dương, Ấn  Độ Dương. 

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), bà Katherine Tai, phát biểu chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và làm việc; khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ và kim ngạch thương mại song phương luôn tăng trưởng cao. Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ để xây dựng các cơ chế, khuôn khổ nhằm tương tác với khu vực năng động trên thế giới, ứng phó các thách thức của thế kỷ 21, thúc đẩy bền vững chuỗi cung ứng, giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.

Một trong những mục tiêu của USTR là tạo ra hệ thống nông nghiệp bền vững dựa trên khoa học, cách quản lý hiệu quả, các chính sách thương mại mang tính tự do bình đẳng; tập trung vào kinh tế số mà sẽ tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong thị trường toàn cầu; cũng như mong muốn nền kinh tế số sẽ bảo vệ quyền của người lao động, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, USTR mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực này.

Hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ dựa trên cơ sở chân thành, tin cậy và trách nhiệm -0
Buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Thanh Giang)

Về phần mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đến nay, hai nước cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Đó là nhờ hai quốc gia đoàn kết quốc tế, cùng chung tay chống đại dịch. Chúng ta đã và đang có những động lực, cảm hứng cho sự phát triển của hai nước trong giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, hòa bình, hợp tác và phát triển cho khu vực và thế giới.

Thủ tướng cảm ơn những tình cảm mà các bạn Hoa Kỳ đã dành cho Việt Nam trong suốt những năm qua. Chúng ta cùng chia sẻ tầm nhìn, cơ hội hợp tác. Chính phủ Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ quý báu, kịp thời trong lúc khó khăn vì dịch bệnh. Đây là vấn đề toàn cầu và phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương để giải quyết vấn đề như dịch Covid-19. Nếu cùng giải quyết thì sẽ thành công bởi không một quốc gia nào có thể an toàn khi còn một quốc gia đang phải chống dịch.

Sau 27 năm bình thường hóa, quan hệ hai nước đạt mốc quan trọng, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu, là chính sách xuyên suốt. Các hoạt động hợp tác hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là đầu tư, tài chính. Doanh nghiệp hai nước đóng vai trò hết sức quan trọng. Hoa Kỳ luôn tuyên bố mong muốn Việt Nam phát triển mạnh mẽ, hùng cường, thịnh vượng. Tăng trưởng thương mại song phương ấn tượng những năm qua chứng tỏ không gian phát triển kinh tế rất lớn. Thương mại song phương năm 2021 đạt mức kỷ lục khoảng 112 tỷ USD mặc dù 2021 là năm khó khăn. Việt Nam là đối tác lớn thứ 9 của Hoa Kỳ, là đối tác lớn nhất về thương mại tại ASEAN. Hoa Kỳ là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam về thương mại... 

Việt Nam đang tập trung cho đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Hai nền kinh tế của chúng ta bổ sung cho nhau, không triệt tiêu. Nền tảng hai nước rất tốt đẹp. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp hai nước. Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn so với tiềm lực của Hoa Kỳ.

Do đó, Thủ tướng mong muốn những năm tới, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Thủ tướng cũng vui mừng kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) với việc phần lớn số doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá tích cực về triển vọng trung và dài hạn của Việt Nam. Sự năng động của doanh nghiệp hai nước, Việt Nam có những mặt hàng thế mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam những sản phẩm thế mạnh trong lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ cao. Chúng ta còn nhiều dư địa, khoảng trống mà phải phát huy. 

Thủ tướng cho biết, bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều biến động phức tạp, thời cơ, thuận lợi đan xen thách thức; trong khi đó, Việt Nam đang triển khai chương trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây là sự chuyển hướng đúng đắn. Nhờ đó, từ tăng trưởng âm quý III/2021, Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng dương, quý I/2022 tăng trưởng hơn 5% trong bối cảnh thế giới khó khăn, giá cả đầu vào tăng cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ giá, lãi suất, bảo đảm các cân đối lớn.

Thủ tướng nêu rõ, hiện nay, Việt Nam đang tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chiến lược liên quan giao thông, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, phòng, chống dịch, hạ tầng y tế, giáo dục; ưu tiên cho cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đạt nhiều bước tiến vượt bậc. Năm 2022, Việt Nam thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mở cửa nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam nhất quán đường lối này, nhưng độc lập, tự chủ không có nghĩa là tự cung tự cấp, bao vây mình. 

Muốn hội nhập quốc tế sâu rộng hiệu quả thì phải có nền kinh tế độc lập, tự chủ, muốn vậy lại phải có hội nhập quốc tế, hai mệnh đề này bổ sung cho nhau. Muốn vậy phải dựa vào con người, văn hóa, thiên nhiên, truyền thống lịch sử. Thủ tướng mong Hoa Kỳ và các đối tác quan trọng khác, đặc biệt các doanh nghiệp Hoa Kỳ ủng hộ tiến trình này của Việt Nam; mong các đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội làm ăn. Thủ tướng mong muốn hai bên hợp tác dựa trên tinh thần chân thành, tin cậy và trách nhiệm; lợi ích hài hòa, rủi ro phải chia sẻ. 

Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trả lời nhiều câu hỏi của các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ liên quan lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng; vấn đề liên quan y tế; tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam...

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là những vấn đề mang tính toàn cầu, do đó, phải có cách tiếp cận toàn cầu, đoàn kết toàn cầu, chung tay cùng làm; đồng thời phải có cách tiếp cận toàn dân vì tác động toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách hướng về người dân.

Chúng ta phải huy động sự tham gia của người dân để thực hiện các vấn đề mang tính toàn cầu trong chuyển đổi số, năng lượng, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, an ninh mạng mà nước nào cũng cần giải pháp, đề cao chủ nghĩa đa phương trong hợp tác. Thực tế chứng minh chúng ta đã chiến thắng, nhất là qua đại dịch Covid-19. 

https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/hop-tac-viet-nam-hoa-ky-dua-tren-co-so-chan-thanh-tin-cay-va-trach-nhiem-696904/

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...

Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ tổ chức "Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" từ ngày 24-30/4/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.