Chung tay bảo tồn đa dạng sinh học

Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cảnh báo, kể từ năm 1970 đến nay, các quần thể động vật hoang dã trên thế giới đã giảm gần 70% do nạn chặt phá rừng và ô nhiễm đại dương. Tình trạng đa dạng sinh học bị suy thoái nghiêm trọng như hiện nay đặt ra yêu cầu cấp bách cho các quốc gia phải hành động một cách có trách nhiệm với vấn đề "không của riêng ai" này.

Tình trạng ô nhiễm thủy ngân tại Bắc Cực đang ở mức đáng báo động. (Ảnh REUTERS)

Giám đốc phụ trách về bảo tồn và chính sách tại Hiệp hội Ðộng vật học London (ZSL) nhận định, thế giới tự nhiên đang dần biến mất. Nhận định này có cơ sở khi hàng loạt dữ liệu mới đây mà WWF công bố dựa trên việc khảo sát khoảng 32.000 quần thể động vật hoang dã đã gióng lên hồi chuông báo động về sự sụt giảm nghiêm trọng các quần thể động vật hoang dã.

Kể từ năm 1970 đến nay, nạn chặt phá rừng và ô nhiễm đại dương khiến các quần thể động vật hoang dã trên thế giới giảm gần 70%. Trong đó, quần thể động vật hoang dã ở Mỹ Latin và Caribe chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức giảm 94% trong vòng 50 năm qua. Loài khỉ đột Grauer ở Công viên quốc gia Kahuzi-Biega của CHDC Congo đã giảm khoảng 80% trong giai đoạn từ năm 1994 đến 2019 do hoạt động săn bắn của con người. Trong khi đó, số lượng loài cá heo hồng quý hiếm ở sông Amazon giảm 65% từ năm 1994 đến 2016.

Một báo cáo mới đây cho thấy, nồng độ thủy ngân trong khí quyển ở Vòng Bắc Cực đã tăng gấp 10 lần kể từ giữa những năm 1800 đến nay, gây ra rủi ro ngày càng lớn cho sức khỏe cộng đồng người bản địa và động vật hoang dã trong khu vực. Theo đó, các sinh vật sống dưới nước hấp thụ thủy ngân lơ lửng trong nước đại dương và truyền nó cho động vật ăn chúng. Các chất độc hại này có thể truyền sang cộng đồng người bản địa sinh kế bằng hình thức săn bắn động vật.

Nạn chặt phá rừng, khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu là nguồn cơn dẫn đến việc số lượng các loài động vật hoang dã bị thu hẹp trên quy mô lớn. Nhiều năm nay, bảo tồn đa dạng sinh học trở thành một vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu.

Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết, Trái đất đang trải qua thời kỳ đại tuyệt chủng lần thứ sáu mà thủ phạm không phải ai khác chính là con người.

Theo thống kê của WWF, trong 10 năm qua, hơn 43 triệu ha rừng đã biến mất. Các chuyên gia nhận định, khi rừng bị thu hẹp, các loài động vật hoang dã có xu hướng tìm kiếm không gian sinh tồn mới. Ðiều này làm tăng nguy cơ xuất hiện và lây lan các căn bệnh truyền nhiễm.

Hồi tháng 9 vừa qua, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã cam kết hỗ trợ tài chính để chống lại cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học toàn cầu, vốn khiến nhiều loài động vật, thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ðức là một trong những nước đi đầu về cam kết đóng góp tài chính khi nước này thông báo sẽ góp 1,5 tỷ euro/năm vào quỹ đa dạng sinh học quốc tế. Vấn đề huy động tài chính để chống lại cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học là một vấn đề khó khăn và cấp bách. Bởi các nhà kinh tế ước tính, để đảo ngược sự suy giảm đa dạng sinh học vào năm 2030, thế giới cần chi 967 tỷ USD hằng năm. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng khác là thúc đẩy các doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ rừng.

Theo một báo cáo của tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Global Canopy, nhiều công ty và tổ chức tài chính toàn cầu vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của họ trong kiềm chế nạn phá rừng. Cụ thể, Global Canopy tiến hành khảo sát 350 công ty chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc sản xuất, tiêu thụ hoặc kinh doanh các sản phẩm thúc đẩy nạn phá rừng, cùng 150 ngân hàng, công ty đầu tư và quỹ hưu trí lớn nhất trên toàn cầu cung cấp tài chính cho những doanh nghiệp này. Kết quả cho thấy, có tới một phần ba số công ty được khảo sát hoàn toàn không có cam kết bảo vệ rừng.

Cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học nghiêm trọng hiện nay đòi hỏi mỗi quốc gia có những hành động khẩn cấp để bảo vệ thiên nhiên, qua đó bảo đảm sự chung sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Bảo tồn đa dạng sinh học chính là bảo vệ môi trường sống và tương lai bền vững cho toàn nhân loại.

https://nhandan.vn/chung-tay-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-post722635.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.