Xuân mới, nhân lên khát vọng phát triển

Chào Xuân mới, Xuân Quý Mão, toàn thể Nhân dân các dân tộc Lào Cai cùng người dân cả nước được vui Tết, đón Xuân trong niềm vui, hạnh phúc “bình thường mới”. Những khó khăn, bức bối, cảm giác sợ hãi, âu lo trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành đã cho chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn về những giá trị tưởng như lẽ tự nhiên, đó là nhu cầu được lao động, được sinh hoạt bình thường, được giao tiếp, hòa đồng với xã hội, được hít thở bầu không khí trong lành… Và cũng chính từ những nhu cầu, mong muốn, cảm nhận bình dị như thế về niềm vui, hạnh phúc của mỗi người đã củng cố thêm về hướng đi, về tư duy và tầm nhìn chiến lược của tỉnh trong chặng đường phát triển mới. Ở đó, yếu tố chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống, sự bình yên, hạnh phúc của Nhân dân là cốt lõi, được đặt lên trên hết, trước hết, vượt cao hơn so với những con số tăng trưởng thuần túy.

Tiến sĩ ĐẶNG XUÂN PHONG

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Hơn 3 thập niên kể từ thời điểm tái lập tỉnh (ngày 1/10/1991), Lào Cai đã trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, thành công nhiều, khó khăn, tồn tại cũng không ít. Nhưng tựu trung thì đó là quãng thời gian rất đáng tự hào, được tạo dựng bởi tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt khó, năng lực sáng tạo và trên hết là khát vọng phát triển luôn bừng cháy trong mỗi người dân Lào Cai và trong cả hệ thống chính trị của tỉnh.

Thực tiễn hơn 30 năm tái lập tỉnh đã cho chúng ta cái nhìn sinh động về 3 giai đoạn phát triển rất rõ ràng. 10 năm đầu tiên (1991 - 2000) là giai đoạn tái thiết, dựng xây lại quê hương từ đổ nát sau những biến cố lịch sử; 10 năm tiếp theo (2001 - 2010) là giai đoạn tạo dựng nền móng, hình thành hướng đi và hơn 10 năm gần đây (2011 đến nay) là giai đoạn đột phá, tăng tốc phát triển.

Những ngày đầu tái lập, tỉnh Lào Cai đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Bằng sự lựa chọn phù hợp, khoa học về mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn, xác định đúng, tận dụng tối đa các tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển, Lào Cai đã tạo ra những dấu ấn trong lịch sử. Từ chỗ là 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước, giờ đây Lào Cai đã trở thành những tỉnh phát triển nhất của vùng Tây Bắc và đứng trong Top đầu các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc; từ vị trí “cuối đường” trở thành đầu cầu hội nhập và phát triển của đất nước; từ gần 55% hộ thuộc diện đói, nghèo, 60% trẻ trong độ tuổi không được đến trường… trở thành tỉnh có GRDP bình quân đầu người cao hơn so với bình quân cả nước, đồng thời được ghi nhận là địa phương rất thành công trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của Lào Cai trong hơn 30 năm tái lập tỉnh đạt gần 10%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt 10.389 tỷ đồng, đó là những con số rất ấn tượng.

Hôm nay, Lào Cai đã khoác trên mình tấm áo mới, hiện đại và to đẹp hơn.

Tuy nhiên, nếu đi sâu vào phân tích chất lượng thì chúng ta sẽ thấy vẫn còn đó nhiều việc phải làm để tiếp tục đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Trong suốt một thời gian dài, kinh tế địa phương phụ thuộc nhiều vào những nguồn tài nguyên hữu hạn như khoáng sản, đất đai... Kim ngạch xuất, nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào chính sách biên mậu của Trung Quốc. Giá trị sản xuất công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế địa phương, nguồn thu từ đất vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thu ngân sách của tỉnh. Quá trình phát triển những năm qua cũng phát sinh nhiều vấn đề về xã hội và môi trường cần giải quyết; trong đó, điều đáng suy nghĩ nhất là đời sống của một bộ phận Nhân dân vẫn còn khó khăn.

Lào Cai “sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh”, nhiều tiềm năng khác biệt, nguồn lực phong phú, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, hội tụ đủ các điều kiện để phát triển thành một cực tăng trưởng ở phía Bắc, là trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc - đó là một trong những nội dung phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh diễn ra vào tháng 8/2022. Người đứng đầu Chính phủ đặt niềm tin và sự ủng hộ đối với chiến lược phát triển của Lào Cai trong giai đoạn mới, nhưng đồng thời cũng yêu cầu chúng ta phải quan tâm nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển đổi xanh, đặt mình trong tương quan phát triển của vùng và tổng thể phát triển quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Chính phủ đã đồng ý xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng trong tương lai.

Như vậy, mục tiêu của Trung ương, thông điệp của người đứng đầu Chính phủ là phát triển Lào Cai trở thành một cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Nhưng mục tiêu đó phải được thực hiện ở yêu cầu cấp độ cao, đó là phát triển xanh, bền vững và toàn diện.

Để phát triển xanh và bền vững đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số; thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao góp phần phát triển kinh tế xanh.

Để phát triển toàn diện, Lào Cai phải lấy người dân làm trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Theo đuổi mô hình phát triển đảm bảo sự bình đẳng không chỉ trong thụ hưởng các thành tựu, mà còn cả trong cơ hội tham gia của tất cả mọi người vào quá trình phát triển, qua đó thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội.

Cùng với đó, với vị trí “sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh”, Lào Cai còn có thêm trọng trách đó là “giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ Nhân dân, giữ biên giới” để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của vùng và cả nước.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, xu hướng vận động, phát triển của xã hội và cả những vấn đề nội tại của địa phương, việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, mà cụ thể là quá trình chuyển đổi mục tiêu phát triển từ lượng sang chất, trong đó chú trọng tới cả 3 thành tố là kinh tế, xã hội và môi trường đang trở thành yêu cầu bức thiết đối với Lào Cai trong giai đoạn phát triển mới. Bước chuyển này là tất yếu, bởi các nguồn lực hữu hạn như tài nguyên, khoáng sản sẽ ngày càng cạn kiệt, nguồn lực đất đai có hạn, cần được khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả, đồng thời từng bước giảm sự lệ thuộc tăng trưởng vào các nguồn lực này. Thay vào đó, tỉnh chủ trương phát huy mạnh mẽ những nguồn tài nguyên vô hạn hoặc có tính bền vững cao như vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, hoặc các giá trị văn hóa truyền thống và nguồn lực con người.

Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng đảm bảo lãnh đạo toàn diện để địa phương phát triển.

Việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao là cần thiết nhằm cải thiện quy mô kinh tế địa phương. Nhưng động lực của tăng trưởng trong giai đoạn mới phải là cơ chế, chính sách, tầm nhìn quy hoạch, kết cấu hạ tầng, chuyển đổi số, cải cách hành chính, chất lượng nguồn nhân lực… nói khác đi là những động lực do con người tạo ra chứ không phải từ tự nhiên ban tặng. Về quy hoạch tổng thể không gian phát triển gắn với phát triển vùng, cả nước, Lào Cai xác định 1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột tăng trưởng, 5 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện. Trong đó các trụ cột tăng trưởng vẫn là những lĩnh vực chúng ta đã bền bỉ phát triển trong nhiều năm qua, nhưng cách thức tiếp cận, khai thác, thu hút đầu tư sẽ có nhiều khác biệt. Cụ thể là phát triển công nghiệp sẽ đặc biệt quan tâm đến yếu tố công nghệ và bảo vệ môi trường, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Kinh tế cửa khẩu sẽ tập trung phát triển mạnh dịch vụ logistics, đồng thời quan tâm đến việc Lào Cai sẽ có những gì để tham gia thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản, bởi đó mới là vấn đề cốt lõi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Kinh tế du lịch và nông - lâm nghiệp cũng có nhiều thay đổi. Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành các nghị quyết chuyên đề để phát triển những ngành kinh tế quan trọng này, trong đó du lịch được định hướng khai thác các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, huy động sự tham gia trực tiếp của người dân; nông nghiệp sẽ hướng tới sản xuất hàng hóa lớn, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn.

Các tiềm năng, lợi thế được khai thác hợp lý trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện được bước chuyển quan trọng về chất trong tăng trưởng, cấp ủy, chính quyền tỉnh đang tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, điểm không thuận lợi trong thu hút đầu tư phát triển, trong đó có những yếu tố rất cơ bản như kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Tỉnh xác định phát triển kết cấu hạ tầng, mà trọng tâm là hạ tầng giao thông và hạ tầng số là 1 trong 2 đột phá của cả nhiệm kỳ, qua đó kéo gần khoảng cách với các trung tâm kinh tế, chính trị lớn, tạo ra một “thế giới phẳng” trong cạnh tranh, thu hút đầu tư. Khi hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thuận lợi, cùng với tiềm năng sẵn có và tâm thế “đồng hành” của cả hệ thống chính trị, chúng ta kỳ vọng sẽ đón nhận được những làn sóng đầu tư mới chất lượng hơn trong tương lai.

Về nguồn nhân lực, với quy mô dân số nhỏ, hiện chỉ chưa tới 750 nghìn người, chúng ta gặp khó khăn cả về lượng và chất trong việc tạo ra một lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu của giai đoạn phát triển mới. Tỉnh chủ trương gỡ bài toán quy mô dân số nhỏ, lực lượng lao động thiếu, nhất là lao động có tay nghề cao bằng việc xây dựng địa phương thành một trung tâm đào tạo nghề của khu vực và cả nước. Trong đó, trọng tâm là xây dựng Trường Cao đẳng Lào Cai thành trường trọng điểm trong hệ thống đào tạo nghề quốc gia, thu hút lượng lớn sinh viên từ các tỉnh lân cận về đây học nghề, sau đó ở lại làm việc, gắn bó với Lào Cai.

Nguồn lực con người luôn được tỉnh quan tâm, là chìa khóa tạo ra sự đổi mới.

Nâng cao chất lượng tăng trưởng vừa là mục tiêu, nhưng đồng thời cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhất của tỉnh nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, như chất lượng dân số, nguồn nhân lực; lao động, việc làm, giảm nghèo; giáo dục, y tế; đạo đức và văn hóa; đảm bảo môi trường, an ninh, an toàn xã hội… những vấn đề hiện còn nhiều khó khăn, bất cập hoặc thiếu tính bền vững, cần được quan tâm giải quyết trong tiến trình phát triển.

Một minh chứng sinh động là trong những năm qua, tốc độ giảm nghèo của tỉnh luôn nằm trong nhóm đạt cao của cả nước, đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí của giai đoạn 2016 - 2020) chỉ còn khoảng 5,3% tổng số hộ. Vậy nhưng tính bền vững không cao, khi có sự thay đổi về tiêu chí, hoặc gặp những biến cố, khó khăn như đại dịch Covid-19 vừa qua thì tỷ lệ này lập tức thay đổi rất nhanh, tăng lên khoảng trên 19% vào cuối năm 2022 (tiêu chí mới). Chúng ta đã chứng kiến một “làn sóng” mất việc làm, nhiều lao động của tỉnh đang làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh phải trở về địa phương, cuộc sống khó khăn và kéo theo nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng này, nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài phải tính đến việc ổn định việc làm và thu nhập cho Nhân dân. Nhìn ở phương diện này thì việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 10 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời có chính sách thu hút đầu tư, đưa các nhà máy chế biến nông sản về nông thôn và đào tạo nghề cho người lao động chính là giải pháp lâu dài, để bà con có thể “ly nông, bất ly hương”, tạo dựng cuộc sống ấm no ngay tại quê hương mình. Đó chính là quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế một cách bền vững với giải quyết các vấn đề xã hội.

Một mùa Xuân mới đã về trên quê hương Lào Cai thân yêu, với rất nhiều niềm vui, niềm tin và kỳ vọng. Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Tỉnh Lào Cai xác định chủ đề công tác của năm, cũng là những giá trị tinh túy nhất được đúc rút từ truyền thống là “Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hành động - phát triển”. Việc thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ lớn đề ra trong năm bản lề này sẽ là cơ sở quan trọng để Lào Cai sớm trở thành một cực tăng trưởng của đất nước, là cầu nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Đến năm 2030 sẽ đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có GRDP đầu người cao trong cả nước; đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển, người dân thực sự có cuộc sống khá giả và hạnh phúc.

Lào Cai đang đổi thay mạnh mẽ, sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển, bứt tốc mới.

Mục tiêu càng lớn, khó khăn, thách thức càng nhiều. Nhưng đó là lựa chọn mang tính lịch sử trong chặng đường phát triển tiếp theo của vùng đất biên cương. Xuân mới với niềm tin và hy vọng mãnh liệt, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào Cai nguyện đồng tâm, đồng sức, đồng lòng với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, sáng tạo nhiều hơn, sớm hiện thực hóa khát vọng đưa Lào Cai trở thành tỉnh hạnh phúc và phát triển.

https://baolaocai.vn/bai-viet/364074-xuan-moi-nhan-len-khat-vong-phat-trien

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa

Sau hơn 10 năm triển khai phong trào, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì gần 5.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh 65 năm xây dựng và phát triển

Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh trong sự phát triển chung của tỉnh

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh (10/5/1959 - 10/5/2024), Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy về những kết quả đạt được trong thời gian qua và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng bộ Khối trong tình hình mới.

Tinh thần khởi nghiệp của chàng trai "9x" dân tộc Nùng

Không nản chí, không sợ thất bại, luôn cần cù, chịu khó học hỏi là những đức tính để anh Lương Văn Xuân, sinh năm 1990, dân tộc Nùng ở thôn Trang Nùng, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) phát triển kinh tế, thành công với mô hình gia công cơ khí và ươm giống cây nông nghiệp.

Họp Ban Chỉ đạo Dự án GREAT 2 Lào Cai

Sáng 8/5, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Đại sứ quán Ô-xtrây-li-a tại Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại Lào Cai (Dự án GREAT 2 Lào Cai).