Mùa xuân nói chuyện khèn Mông

Ở bản người Mông (H’mông), mùa xuân về không thể thiếu tiếng khèn. Nói về người Mông là nói tới cây khèn. Nhiều dân tộc có khèn nhưng khèn Mông có nét độc đáo riêng biệt góp phần quan trọng làm nên bản sắc Mông.

Khèn Mông cấu tạo gồm một bầu chứa hơi được gọt tiện bằng gỗ thông và 6 ống trúc dài ngắn tùy theo cung bậc âm thanh, mỗi ống trúc dùi một lỗ bấm âm thanh và quan trọng nhất là mỗi ống sáo gắn một lưỡi lam đồng. Âm thanh cao, thấp, trầm, bổng khác nhau chính là từ việc chế tác ra những lưỡi lam như lưỡi gà có độ rung cao thấp gắn vào ống trúc lắp trong bầu hơi. Khi thổi hơi vào hoặc hít hơi ra, tần suất rung của lưỡi lam được cộng hưởng trong hợp âm của bầu hơi tạo ra âm thanh. Khèn Mông ẩn chứa cả dấu tích lịch sử tộc người Mông nên được chế tác ngày càng tinh xảo theo thời gian đảm bảo độ chuẩn mực, được bảo lưu, gìn giữ bền vững, cũng vì thế nên chỉ có nghệ nhân mới chế tác được khèn. Khèn Mông thể hiện rõ bản tính giàu tình cảm, cũng bộc lộ tính cách mạnh mẽ, bất khuất, quật cường nhưng lại hài hòa với thiên nhiên.

Biểu diễn khèn Mông.

Sự tích kể rằng, xửa xưa trong một gia đình có 6 anh em đều giỏi thổi sáo và anh nào thổi cũng hay nên trong jào (làng) hay ngoài đ-rồng (vùng, mường) ai cũng thích nghe. Những ngày hội, ngày lễ người ta thường mời cả 6 anh em đến thổi nhưng không phải lúc nào cũng có đủ mặt cả 6 người. Người em út sáng trí hơn, mới bảo cả 6 anh em hợp chung lại những cây sáo trong một bầu, mỗi người có thể mang một bầu đi thổi tỏa rộng nhiều nơi. Thế nên cây khèn ra đời.

Cũng chuyện như thế nhưng tình tiết có khác: Gia đình nọ sinh ra 6 người con trai, do cuộc sống nghèo khó nên bố mẹ lần lượt qua đời. Nhớ thương bố mẹ, 6 anh em làm 6 cây sáo thay cho tiếng khóc nhưng sáo thì chỉ người dương gian nghe được. Zở Sâu (zơưv Sâuz - ông Tiên) thương tình, mới mách bảo 6 anh em lấy 6 cây sáo gộp lại trong một bầu gỗ thông. Quả nhiên, tiếng khèn ngân lên không những người dương gian nao lòng mà còn thấu xuống âm phủ, thấu lên trời xanh. Cũng từ đó, lời khèn được tách ra thành nhiều đề tài, là khèn vui chơi, khèn tâm tình, khèn lễ cưới và khèn tang ma.

Khèn Mông thường có 3 loại to, vừa và nhỏ. Khèn đại: Âm trầm chuyên dùng trong đám tang ma; khèn trung: Âm thanh vừa thường dùng khi tâm tình hoặc đám cưới; khèn tiểu: Âm sắc dùng khi vui chơi và nhảy múa đơn hoặc múa tập thể.

Vũ điệu múa khèn thể hiện rất rõ 3 loại hình: Múa võ, múa chọi và múa tài tử. Loại hình múa võ có thể thấy ở những động tác một tay bấm nốt khèn, một tay vỗ bàn chân; hay rạp người thấp xuống rồi dùng chân gạt đối thủ; hoặc phóng chân đá vào mặt đối thủ. Loại hình chọi điển hình ở những động tác ngồi xổm, hai chân đảo nhau đá về phía trước, nhảy cao đá chân về phía sau hay hai người đạp bàn chân vào nhau. Loại hình tài tử điển hình như đi thăng bằng trên dây, nhảy múa trên cọc, nhảy trên miệng chảo lửa đang cháy, nước đang sôi, trồng cây chuối, dùng đầu làm điểm tựa rồi cong người nhào lộn vòng tròn, dùng đầu làm điểm tựa rồi bật tung người về phía trước hay bật ngửa về phía sau, thậm chí lăn hoặc lộn qua đống lửa. Tất cả động tác dù phức tạp nhưng tiếng khèn vẫn không dứt, đòi hỏi người nghệ sỹ phải có sức khỏe, tinh nhanh, nhạy bén, dũng khí can trường.

Với người Mông, thường ngày cần mẫn trên ruộng bậc thang, trên nương đá nhưng khi ngơi tay là cầm ngay cây khèn lên để tâm tình với mình, thủ thỉ với người yêu hoặc dùng tiếng khèn chuyện trò với bạn bè và trổ tài trong đám đông như ngày hội xuân, ngày chợ phiên. Qua ngày mồng 1 tết, nếu gia đình nào đứng chính chủ mở hội Gầu tào (grâuk taox) thì cũng phải mời thầy khèn thổi bài Khai hội, sau đó mới tổ chức các trò chơi.

Tuyệt kỹ khèn là báu vật sáng tạo của cộng đồng người Mông, là biểu trưng văn hóa tiêu biểu truyền lại. Dù ở đâu, người Mông vẫn luôn bảo tồn và gìn giữ cây khèn và tiếng khèn trong đời sống văn hóa của họ.

https://baolaocai.vn/bai-viet/364198-mua-xuan-noi-chuyen-khen-mong

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.