Khởi sắc nông thôn vùng cao

Nhiều năm trước, xã Cốc Ly (Bắc Hà) gặp vô vàn khó khăn, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, kinh tế chậm phát triển, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự đổi thay.

Có được kết quả đó là do Đảng bộ và chính quyền xã đã xác định hướng đi đúng, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước ưu tiên xây dựng hạ tầng thiết yếu như điện - đường - trường - trạm, thủy lợi… với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Ông Bàn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết: Xã đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và tạo thuận lợi nhất cho người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, xã Cốc Ly có 1.200 ha quế, duy trì gần 560 ha ngô 2 vụ và 284 ha lúa 2 vụ, gần 170 lồng cá nuôi trên lòng hồ thủy điện Bắc Hà. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn gần 30%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; gần 60% đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông.

Đón Tết trong căn nhà mới khang trang, anh Sùng Seo Xà, thôn Làng Sa 2 bộc bạch: Trước kia gia đình tôi rất khó khăn, nhiều năm liền nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Từ khi được chính quyền tạo điều kiện vay vốn ngân hàng và khuyến khích phát triển kinh tế, tôi đã đầu tư mở rộng diện tích trồng ngô hàng hóa, xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn thịt, trâu sinh sản và trồng quế, tổng thu nhập hằng năm đạt 200 triệu đồng.

Đến xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa), chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Lý Láo Lở phấn khởi: Nổi bật nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo ở Tả Phìn là sự thống nhất, đoàn kết cao, phát huy sức mạnh tập thể, lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tả Phìn đã hình thành rõ nét vùng kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao với vùng trồng hoa nổi tiếng của thị xã với địa lan, nhất chi mai, hồng...; vùng trồng dược liệu và nhiều mô hình du lịch cộng đồng.

Để “mục sở thị” sự đổi thay ở Tả Phìn, chúng tôi đến tìm hiểu mô hình trồng địa lan ở thôn Tả Chải và ngỡ ngàng bởi màu xanh của những vườn địa lan, cây cảnh bên những tuyến đường bê tông chạy dài tít tắp, những con ngõ dẫn vào nhà ở của người dân được vệ sinh sạch sẽ. Ông Lý Phù Chìu, Bí thư Chi bộ thôn Tả Chải cho biết: Thôn đã thành lập chi hội nghề nghiệp trồng hoa địa lan và xây dựng 2 vườn lan tập thể của chi bộ, chi hội cựu chiến binh. Từ những chính sách phát triển sản xuất cụ thể đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt hơn 40 triệu đồng/năm, thôn chỉ còn 2 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo.

Không chỉ tại Cốc Ly, Tả Phìn… mà hầu hết xã vùng cao của tỉnh đang từng ngày “thay da đổi thịt” khoác trên mình diện mạo nông thôn mới. Từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí, đưa chương trình này trở thành phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp.

Nhiều cây trồng mới được đưa vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 62/127 xã duy trì và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao (tăng 2 xã so với năm 2021); thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Bảo Thắng đạt chuẩn huyện nông thôn mới; bình quân đạt 15,73 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 237 thôn kiểu mẫu, 177 thôn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 31 triệu đồng/năm. Năm 2022, toàn tỉnh giảm 5,82% hộ nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 7%...

Một mùa xuân nữa lại về, không khí ngày tết cổ truyền của dân tộc đang tràn ngập khắp các thôn, bản. Đây không chỉ là mùa xuân của đất trời, mà còn là mùa xuân của lòng người, của sự đoàn kết, vượt qua khó khăn, đói nghèo để chuyển mình vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn.

https://baolaocai.vn/bai-viet/364217-khoi-sac-nong-thon-vung-cao

theo LCĐT

Tin Liên Quan

Cầu nối tinh thần đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới

Thôn Nam Hải, xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) có 217 hộ với hơn 800 khẩu. Đây là thôn điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới với hàng nghìn mét vuông đất được hiến, mô hình “Đường rộng - sáng điện - nhiều hoa” hình thành nhưng ít ai biết quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở...

Lào Cai triển khai 176 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất

Với mục tiêu phấn đấu ít nhất 80% các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng tham gia dự án thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá, giàu, trong năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ thực hiện 176 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, gồm 65 dự án liên kết (11 dự án cấp tỉnh, 54 dự án cấp...

Lào Cai quan tâm bảo tồn và phát triển làng nghề

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Lào Cai sẽ quan tâm phát triển 06 nhóm ngành nghề nông thôn với mục tiêu phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Rộn ràng Ngày hội đọc sách tại trường PTDTBT THCS Bản Khoang, xã Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa

Ngày 19/4/2024, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Ngày hội đọc sách tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bản Khoang (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa). Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 10,77% trở lên đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh

Đó là mục tiêu được tỉnh Lào Cai đặt ra đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh trong năm 2024.

3 dự án về nông nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư

Quý I/2024, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 3 dự án về nông nghiệp.