Khuyến công Lào Cai: Phát huy vai trò cầu nối hiệu quả của sản xuất
Theo Sở Công thương, sản xuất tiểu thủ công nghiệp năm 2013 đạt 364 tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch và tăng 35% so với năm 2012. Đó là kết quả sau nhiều nỗ lực của ngành trong công tác thực hiện chính sách khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.Dệt thổ cẩm (Ảnh: Lê Hựu)
Hiện nay, toàn tỉnh có 6.300 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Trong đó có 120 doanh nghiệp, 91 hợp tác xã và 6.089 hộ cá thể. Năm 2013, Lào Cai đã huy động gần 3 tỷ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia và của địa phương để tập trung cho các đề án, dự án trọng điểm. Nổi bật là các chương trình: đào tạo nghề và truyền nghề; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; chương trình nâng cao năng lực quản lý. Qua đó, đã đào tạo 300 lao động ngành nghề chế biến chè và 120 lao động ngành chế biến và bảo quản dược liệu. Mở 04 lớp quản trị doanh nghiệp cho 200 học viên là cán bộ thuộc các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Nội dung hoạt động khuyến công của địa phương ngày càng đa dạng và phong phú. Quy mô và chất lượng các đề án khuyến công được nâng cao. Đã mở lớp tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và phổ biến chính sách khuyến công cho 130 học viên là chủ các cơ sở sản xuất thực phẩm thủ công nghiệp tại huyện Bát Xát, Sa Pa và thành phố Lào Cai. Thực hiện tổ chức, hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc lần thứ IV; tham gia Hội chợ Hùng Vương năm 2013; hội chợ Công thương khu vực Tây Bắc; tham gia Hội chợ thương mại quốc tế Việt- Trung (Hà Giang) năm 2013. Hướng dẫn, tư vấn giúp 13 cơ sở hoàn thiện hồ sơ thủ tục xin hỗ trợ máy móc, thiết bị mới phục vụ sản xuất. Tổ chức một lớp truyền nghề dệt thêu thổ cẩm cho 35 học viên tại xã Tả Phìn, huyện Sa Pa.
Đến nay, công tác giải ngân các nguồn vốn khuyến công đã hoàn thành 100% kế hoạch được giao. Hoạt động khuyến công đã thực sự khuyến khích doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất không ngừng áp dụng những tiến bộ khoa học, nâng cao giá trị sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Do đó, đã có tác động tích cực và rõ nét đến hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn của địa phương./.