Phong phú nghề thủ công truyền thống

Lào Cai là vùng đất có nhiều dân tộc sinh sống. Mỗi dân tộc đều có ít nhất một nghề thủ công truyền thống chứa đựng bản sắc văn hóa và những giá trị tinh thần riêng biệt.
 
Nghề trồng bông, lanh, dệt vải

Đa số đồng bào các dân tộc ở Lào Cai đều trồng bông, lanh và dệt vải nhưng nghề này phát triển nhất là ở nhóm cư dân Tày, Giáy và họ làm ra những sản phẩm hoàn hảo hơn.

Tại các làng dân tộc Tày phổ biến là những khung dệt khổ hẹp từ 20 - 40cm, bên cạnh đó còn có loại khung dệt khổ rộng 0,7m. Loại khung dệt vải hẹp sử dụng lượt “phùm” (nén sợi) để tạo ra loại vải khổ hẹp từ 20 - 30cm dệt áo trẻ em và “phùm” 400 sợi dệt vải khổ phổ thông 40 cm để may áo cho người lớn.
 


Khung cửi của người Xa Phó. (Ảnh: Gia Chiến)

Người Xá Phó có kiểu dệt khá đơn giản. Thay vì dùng khung, họ buộc sợi dọc vào đầu cột nhà, sợi ngang buộc vào khúc tre ngắn. Còn một loại khung dệt vừa có tác dụng đan, vừa có tác dụng chèn các sợi ngang sát lại với nhau thay cho dụng cụ tên là “go”. Người Tày ở Nghĩa Đô (Bảo Yên) còn biết dệt thổ cẩm. Nhờ kỹ thuật “cài go”, nhuộm màu các sợi, người thợ đã dệt được loại thổ cẩm nhiều màu sắc.

Gắn liền với nghề dệt là nghề nhuộm, trong đó phổ biến là kỹ thuật nhuộm chàm. Hầu hết các dân tộc đều nhuộm vải nhiều lần với cao chàm và nước tro. Nổi tiếng nhuộm chàm cầu kỳ là người Nùng Dín và người Mông Đen. Sau khi nhuộm vải 10 nước đầu thì người Nùng Dín còn ngâm vào nước keo da trâu loãng để hãm màu, tiếp đó lại nhuộm thêm 10 lần nữa. Sau khi nhuộm vải xong còn đánh bóng bằng cách mài mặt vải vào đá cuội.
 


Phổ biến trong nghề nhuộm là kỹ thuật nhuộm chàm. (Ảnh: Phúc Thạnh)
 
Người Mông Hoa ở Bắc Hà thì luộc vải lanh trắng với tro “tống quá sủ”, ngâm nhuộm nhiều lần trong nước cao tràm và củ nâu để màu chàm thêm sẫm. Muốn vải bóng mịn, họ miết lên vải một lớp sáp ong rồi phơi lên phiến đá phẳng và lấy vồ gỗ đập. Sau khi nhuộm chàm, trang phục của họ còn được ngâm vào nước có pha lòng trắng trứng để mặt vải thực sự bóng đẹp.

Nghề rèn đúc

Nghề rèn đúc có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống đồng bào các dân tộc Lào Cai. Tuy nhiên, nghề rèn đúc kén người nên nó chỉ thực sự nổi tiếng qua đôi tay tài nghệ của đồng bào dân tộc Mông với các sản phẩm lưỡi cày, dao, cuốc bướm. Bằng phương pháp rèn đúc đã đạt đến trình độ cao, thể hiện qua bí quyết quan sát màu thép trước khi đưa vào nung mà người Mông đã làm ra nhiều công cụ có giá trị. Lưỡi cày của người Mông khỏe, có thể dùng cắt rễ cây to, cỏ tranh, cày đất khô với độ sâu từ 10 - 15cm. Dao của người Mông được coi là công cụ quý vì độ sắc và bền gấp nhiều lần so với các loại dao khác.
 


Nghề rèn của đồng bào các dân tộc Lào Cai tạo ra nhiều công cụ có giá trị. (Ảnh: Minh Được)

Bên cạnh nghề rèn của người Mông, nghề rèn của người Dao, người Nùng và người Hà Nhì Đen cũng làm ra nhiều sản phẩm có giá trị, phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày và giúp cho công việc canh tác trở nên đơn giản hơn.

Nghề đan lát

Nguyên liệu chủ yếu được dùng đan lát là mây, tre và những nguyên liệu khác sẵn có trong thiên nhiên. Những chiếc mâm, ghế, gùi thực sự là những mặt hàng thủ công tinh xảo, giàu giá trị thẩm mĩ và hữu ích đối với đời sống. Tuy nhiên, mỗi dân tộc ở mỗi vùng lại có kỹ thuật đan lát và trang trí họa tiết riêng biệt. Các sản phẩm của người Tày thường có hình vuông với họa tiết hoa lá. Người Dao thường uốn khum xen với những đường đan tô màu. Để bảo quản đồ đan lát, họ thường gác chúng lên gác bếp, được khói hun sẽ bền hơn. Nghề đan lát tương đối phát triển, nhất là ở nhóm cư dân Phù Lá, Hà Nhì.
 


Những chiếc gùi được đan lát tỉ mỉ, công phu. (Ảnh: Phúc Thạnh)
 
Nghề mộc

Đồng bào các dân tộc Lào Cai rất coi trọng nghề mộc. Công cụ làm mộc của họ khá đơn giản gồm có rìu và dao. Trong nghề mộc, đồng bào không sử dụng các loại đinh và chủ yếu dựa vào phương pháp ghép mộng – một phương pháp đòi hỏi sự khéo léo và chính xác cao. Một số dân tộc làm thuyền các loại để chở người, chở hàng,…Người Mông, Dao thì nổi tiếng trong việc đóng thùng đựng nước, làm cày, chậu, muôi, thìa gỗ...
 

Chọn mua cày ở chợ phiên. (Ảnh: Tuấn Lợi)

Nghề làm đồ trang sức

Đồ trang sức là vật dụng không thể thiếu, là vật bất ly thân của phụ nữ các dân tộc Lào Cai. Nghề làm đồ trang sức có từ bao giờ thì không ai nhớ rõ, chỉ biết rằng, ở vùng biên giới huyện Mường Khương nghề làm đồ trang sức bằng bạc vẫn được duy trì và khá nổi tiếng. Khác với nghề thủ công khác, nghề làm bạc mang tính chất gia truyền. Sản phẩm trang sức là vòng cổ, vòng tay, dây xà ích, nhẫn, vòng tai,…Các trang sức này thường được đục tinh tế với nhiều kiểu dáng khác nhau và được trạm trổ hoa văn khá tinh xảo. 

Nghề làm nhang

Thông thường, mỗi nhóm dân tộc đều chế ra một loại nhang phù hợp với thói quen, thể hiện quan điểm về tín ngưỡng của dân tộc mình. Người Tày ở Văn Bàn dùng bột vỏ cây quế để tạo ra loại hương màu nâu, mùi thơm đậm đà chỉ ngửi cũng cảm thấy vị ngọt. Người Pa Dí - Mường Khương lại chế tạo ra loại hương thơm màu xanh nhạt, có mùi hăng làm từ nhiều loại lá cây cỏ dại trong rừng. Người Mông ở Bắc Hà thì thu lượm vỏ cây để tạo ra loại hương thơm màu đỏ son, mùi thơm hắc.

Hiện nay, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc Lào Cai được bảo tồn và phát triển thành các làng nghề, gắn kết với du lịch nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo./.
Hải Nam

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai