Phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực

Các Bộ trưởng chia sẻ nhận định chung về tình hình bất ổn, phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay, trong đó, nổi trội là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề an ninh xuyên biên giới cùng diễn biến phức tạp tại nhiều điểm nóng. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng hơn cả với ASEAN là giữ vững đoàn kết, tích cực tham vấn để tìm kiếm phương thức ứng xử phù hợp, và duy trì cách tiếp cận cân bằng, hài hòa trong quan hệ đối ngoại.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tham dự phiên họp hẹp AMM-56

Ngày 12/7/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tham dự phiên họp hẹp AMM-56. Với tinh thần thẳng thắn và xây dựng, các Bộ trưởng đã có phiên thảo luận thực chất, đánh giá các chuyển động chiến lược trong môi trường khu vực, quốc tế và những tác động đặt ra cho ASEAN; trao đổi định hướng nhằm phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực.

Các Bộ trưởng chia sẻ nhận định chung về tình hình bất ổn, phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay, trong đó, nổi trội là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề an ninh xuyên biên giới cùng diễn biến phức tạp tại nhiều điểm nóng. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng hơn cả với ASEAN là giữ vững đoàn kết, tích cực tham vấn để tìm kiếm phương thức ứng xử phù hợp, và duy trì cách tiếp cận cân bằng, hài hòa trong quan hệ đối ngoại. Các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và giá trị chung được nêu trong các văn kiện như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á,Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).

Hội nghị cũng thảo luận hướng củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm xứng tầm với mục tiêu hình thành ban đầu và tiềm năng phát triển trong tương lai. Các Bộ trưởng khẳng định mong muốn của ASEAN về mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, đồng thời nhấn mạnh sự tham gia của các đối tác tại khu vực phải trên cơ sở tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi và cùng đóng góp xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật lệ.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, các Bộ trưởng chia sẻ quan ngại về tình hình phức tạp tiếp diễn tại Mi-an-ma, nhấn mạnh ASEAN cần giữ vững đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm trong hỗ trợ Mi-an-ma, bảo đảm hình ảnh và uy tín của ASEAN. Các Bộ trưởng khẳng định Đồng thuận 5 điểm và Quyết định năm 2022 của Lãnh đạo cấp cao về triển khai Đồng thuận 5 điểm còn nguyên giá trị và vẫn là các văn bản định hướng cho nỗ lực của ASEAN, bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Chủ tịch và Đặc phái viên, tiếp tục đối thoại xây dựng với Mi-an-ma, kiên trì hỗ trợ Mi-an-ma tìm giải pháp khả thi, bền vững. Các Bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tích cực tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Mi-an-ma, đặc biệt phát huy vai trò của Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo của ASEAN (AHA) trong huy động và triển khai hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này.

Các Bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Hội nghị cũng kêu gọi các đối tác tôn trọng vai trò trung tâm và lập trường của ASEAN, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại phiên họp hẹp AMM-56 

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ tính cấp thiết của việc phát huy vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) trong bối cảnh hiện nay. ASEAN cần đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc cũng như tính mở và bao trùm của các cơ chế trên cơ sở tiếp cận cân bằng, khách quan, đáp ứng quan tâm chính đáng của tất cả các bên.

Bộ trưởng ủng hộ ASEAN tăng cường quan hệ với các đối tác, khuyến khích sự tham gia và đóng góp của các đối tác tại khu vực, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và cùng ứng phó các thách thức chung. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các đối tác cần tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN cả bằng lời nói và hành động, cùng ASEAN xây dựng lòng tin, thu hẹp khác biệt, cùng thúc đẩy đối thoại và hợp tác thực tâm.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ lập trường nguyên tắc của ASEAN trong các vấn đề quốc tế, khu vực. Bộ trưởng ủng hộ ASEAN hỗ trợ Mi-an-ma tìm kiếm giải pháp, khẳng định giá trị của Đồng thuận 5 điểm, đánh giá cao nỗ lực của Chủ tịch và Đặc phái viên; đồng thời nhấn mạnh giải pháp cho vấn đề Myanmar phải do Mi-an-ma quyết định. Về Biển Đông, Bộ trưởng nhấn mạnh cần bảo đảm môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, đề nghị ASEAN cần kiên trì với lập trường nguyên tắc, đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, cùng hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình và hợp tác.

A-rập Xê-út ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á  

Ngay sau phiên họp, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã chứng kiến việc A-rập Xê-út ký kết văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), trở thành bên thứ 51 tham gia TAC./.

https://dangcongsan.vn/thoi-su/phat-huy-vai-tro-dong-gop-cua-asean-cho-hoa-binh-an-ninh-on-dinh-o-khu-vuc-641687.html

Theo Mạnh Hùng/Dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...