Lưu giữ những kỷ vật của Người

Sự kiện Bác Hồ lên thăm Lào Cai vào ngày 23/9/1958 đã trở thành dấu mốc không thể nào quên với cán bộ, quân và dân các dân tộc Lào Cai. 65 năm đã đi qua, nhiều nhân chứng của sự kiện lịch sử ấy đã không còn nhưng những tư liệu, hình ảnh, hiện vật trở thành những kỷ vật thiêng liêng, quý giá đã và đang được các cấp, ngành, người dân Lào Cai trân trọng, cất giữ, bảo quản cẩn thận.

Thực hiện sứ mệnh của mình, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa nhằm lưu giữ trọn vẹn ký ức ngày đặc biệt ấy và hành trình giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

btt7.jpg
Trong thời gian diễn ra VTV Cup Ferroli 2023, Bảo tàng tỉnh đã tiếp đón nhiều đoàn vận động viên nước ngoài tới tìm hiểu về văn hóa các dân tộc.

Thực hiện phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lên thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2023), Bảo tàng tỉnh đã thực hiện tốt việc tham mưu và tổ chức thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, như xây dựng nội dung chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ tuyên truyền, giáo dục cho đối tượng học sinh đến tham quan tại bảo tàng; xây dựng nội dung trưng bày chuyên đề về Hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh (Việt Nam) - lịch sử và hợp tác phát triển; trưng bày, giới thiệu cảnh đẹp, sắc màu văn hóa và 120 năm – Hành trình từ trạm nghỉ dưỡng đến Khu Du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế (Sa Pa) tại sự kiện Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup Ferroli 2023 do Lào Cai đăng cai, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa, tự nhiên về đất và người Sa Pa nói riêng, Lào Cai nói chung tới bạn bè quốc tế.

btt2.jpg
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại phường Lào Cai, thành phố Lào Cai.

Đặc biệt, đơn vị đang gấp rút hoàn thành việc trưng bày trong Nhà lưu niệm Bác Hồ tại phường Lào Cai. Bảo tàng tỉnh đã nghiên cứu xây dựng đề cương, sưu tầm tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Người và sự kiện Bác Hồ thăm Lào Cai. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh thi công, hoàn thiện Nhà lưu niệm Bác Hồ để chào mừng sự kiện kỷ niệm 65 năm Bác Hồ lên thăm Lào Cai. Đơn vị cũng tích cực làm việc với các cơ quan liên quan tại Trung ương, các nhân chứng lịch sử liên quan đến sự kiện Bác Hồ lên thăm Lào Cai nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Lào Cai. Ngoài ra, cán bộ, nhân viên của Bảo tàng tỉnh cũng tích cực nghiên cứu, khảo sát, tham mưu xây dựng nội dung bia lưu niệm sự kiện Bác Hồ thăm và nói chuyện với công nhân thi công cầu Làng Giàng, năm 1958.

btt3.jpg
Cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh thống nhất nội dung và cách thức trưng bày ảnh tại Nhà lưu niệm Bác Hồ.

Trong đó, hoạt động ý nghĩa đang được Bảo tàng tỉnh tập trung thực hiện thời điểm này là trưng bày hình ảnh, tư liệu và hiện vật về Bác tại Trung tâm Hội nghị tỉnh và Nhà lưu niệm Bác Hồ tại phường Lào Cai, thành phố Lào Cai. Công trình Nhà lưu niệm Bác Hồ có tổng diện tích là 336 m2, hiện đang trong quá trình hoàn thành những phần việc cuối cùng để chuẩn bị cho lễ dâng hương, báo công lên Bác trước khi diễn ra Lễ kỷ niệm 65 năm Bác Hồ lên thăm Lào Cai.

bt them2.jpg
Những hình ảnh và hiện vật về Bác được trưng bày tại Nhà lưu niệm Bác Hồ.

Tại đây, cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh đã tích cực thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, phục chế, trưng bày và chuẩn bị nội dung thuyết trình. Các tư liệu, hình ảnh, hiện vật sẽ được trưng bày với 2 chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh với Lào Cai. Ở mỗi địa điểm trưng bày sẽ có 36 ảnh, 20 tư liệu, bài viết và 7 hiện vật được phục chế (gậy song, dép cao su, mũ cối, các loại huy hiệu) liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng, giải phóng dân tộc của Bác Hồ và sự kiện Bác Hồ lên thăm Lào Cai. Riêng đối với hoạt động trưng bày ở Trung tâm Hội nghị tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu, đề xuất bổ sung thêm 50 ảnh về văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, phù hợp với không gian tại đây.

 
btt4.jpg
Các thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh nghiên cứu tài liệu chuẩn bị cho việc thuyết minh tại lễ kỷ niệm.

Với sứ mệnh của mình, chúng tôi hy vọng rằng không gian trưng bày tại Nhà lưu niệm Bác Hồ sẽ giúp người dân Lào Cai có cái nhìn sâu sắc, toàn vẹn, cũng như sống lại những ký ức không thể nào quên của ngày đặc biệt ấy – ngày Bác Hồ lên thăm Lào Cai. Để có được những hình ảnh, tư liệu và hiện vật liên quan tới các chủ đề đã chọn, chúng tôi đã làm việc với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Trung tâm Lưu trữ quốc gia, nhằm đảm bảo các hiện vật hay hình ảnh được phục chế đúng, chính xác và chân thực nhất. Ngoài ra, đơn vị còn cử 4 cán bộ, nhân viên đi tập huấn về công tác thuyết minh cho sự kiện này tại Bảo tàng Hồ Chí Minh từ đầu tháng 8.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh

btt5.jpg
Thuyết minh viên Bùi Thu Giang gắn chú thích ảnh tại khu trưng bày hình ảnh đặc sắc về văn hóa, du lịch Lào Cai tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh, khi diễn ra VTV Cup Ferroli 2023.

Đây là lần đầu tiên tôi được thuyết minh về thân thế và cuộc đời, sự nghiệp của Bác tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Lào Cai, với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tôi và các đồng nghiệp đang cố gắng tự học và rèn luyện mỗi ngày. Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu phục vụ công tác thuyết minh, tôi đã được tiếp cận và hiểu rõ hơn về cuộc đời của Bác, cũng như tình cảm Bác dành cho người dân Lào Cai. Đồng thời, tôi mong muốn qua phần thuyết minh về sự kiện lần này có thể lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về quê hương Lào Cai.

Chị Bùi Thu Giang, Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh

Công trình Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng gắn với địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2022. Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai, nơi giáo dục các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Trong 24 năm giữ cương vị Chủ tịch nước, ngoài chuyến thăm lịch sử vào ngày 23/9/1958, Bác còn có 6 lần gửi thư cho đồng bào các dân tộc Lào Cai, viết 1 bài báo khen ngợi phong trào bình dân học vụ ở xã Bản Phố (Bắc Hà) và gửi tặng nhiều huy hiệu biểu dương các cá nhân và tập thể có thành tích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tới cán bộ, chiến sĩ và người dân Lào Cai.

Đến nay, sau 65 năm kể từ ngày Bác Hồ lên thăm Lào Cai những lời căn dặn của Bác vẫn còn nguyên giá trị, những kỷ vật của Người vẫn được lưu giữ cẩn thận để các thế hệ người dân Lào Cai tiếp tục vững tin học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa Lào Cai ngày càng phát triển mạnh mẽ.

https://baolaocai.vn/luu-giu-nhung-ky-vat-cua-nguoi-post373705.html

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai