Thêm yêu nguồn cội

Tại Trường Tiểu học số 1 Sín Chéng, xã Sín Chéng (Si Ma Cai), văn hóa truyền thống đang được gìn giữ, đưa vào hoạt động giáo dục nhằm bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lưu giữ những tinh hoa từ nguồn cội.

Gần 9 năm trước, khi nhận vai trò Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Sín Chéng, cô giáo Bùi Thị Hường có ấn tượng đặc biệt với những bộ váy áo xúng xính, những điệu múa, bài hát truyền thống của đồng bào Mông. Trên những triền non xa xôi này, dân tộc Kinh như cô giáo Hường trở thành “thiểu số” khi chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cộng đồng. Thế nhưng, khi nhìn những bộ váy cách tân, những điệu nhảy, bài hát thời thượng đang dần “lên ngôi”, “chiếm sóng” trong cộng đồng, cô không khỏi nuối tiếc.

Gắn bó với sự nghiệp giáo dục nhiều năm, hơn ai hết, cô giáo Hường hiểu rõ thế hệ “măng non” đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ trở thành chủ nhân tương lai của vùng đất biên cương Si Ma Cai, sẽ là thế hệ kế thừa, tiếp nối, gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc địa phương. Bởi vậy, cô xác định sứ mệnh của Trường Tiểu học số 1 Sín Chéng là thực hiện mô hình trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng, thân thiện vì trẻ em.

IMG_8792.jpeg

Tại Trường Tiểu học số 1 Sín Chéng, học sinh đến trường không chỉ học chữ quốc ngữ mà còn được học cả tiếng Mông - tiếng mẹ đẻ của 95% học sinh trong trường. Trên các biển, bảng, khẩu hiệu trong trường, song song với dòng chữ bằng tiếng Việt là dòng “phụ đề” bằng tiếng Mông. Học sinh đến trường, thay vì mặc đồng phục sẽ mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần. Nghỉ giữa giờ, thay cho những bài thể dục nhịp điệu thường thấy ở các trường khác, học sinh Trường Tiểu học số 1 Sín Chéng múa những điệu múa truyền thống của đồng bào Mông. Trong các hội thi văn nghệ, chương trình giao lưu văn hóa, học sinh của cô giáo Hường tự tin biểu diễn, thuyết trình về nét đẹp trong cộng đồng dân tộc mình.

Cô giáo Bùi Thị Hường tự hào: Trước đây, học sinh dân tộc thiểu số thường rất rụt rè, tự ti, giữa các dân tộc luôn giữ khoảng cách. Từ khi đưa văn hóa truyền thống lồng ghép vào hoạt động giảng dạy, học sinh thấy gần gũi, thân quen như trong chính cộng đồng của mình nên các em tự tin hơn, dám thể hiện mình, khoảng cách giữa các dân tộc cũng dần được xóa bỏ. Nhờ đó, các em yêu việc học, thích được đến trường, tỷ lệ chuyên cần duy trì tốt, chất lượng giáo dục cũng được nâng cao.

Thế nhưng, hành trình trở thành trường học đa văn hóa là một chặng đường dài với cô giáo Hường và tập thể Trường Tiểu học số 1 Sín Chéng. Đơn cử như chuyện chiếc váy, những tưởng là chuyện nhỏ mà chẳng hề nhỏ bởi chiếc váy thổ cẩm truyền thống đầy sắc màu của người Mông Si Ma Cai nói chung và người Mông Sín Chéng nói riêng có nhiều điểm khác biệt với cộng đồng người Mông ở các địa phương lân cận. Qua thời gian giao thoa về văn hóa, trang phục truyền thống dần được thay thế bằng những chiếc váy in họa tiết thổ cẩm, váy cách tân của người Mông Trung Quốc hoặc những chiếc váy xòe ngắn của người Mông Mường Khương.

3CDDF48E-F61E-4236-A73E-2975BD74C0CF.jpeg

Trong những buổi họp với phụ huynh hoặc họp tại khu dân cư, cô giáo Hường mang hình ảnh chiếc váy truyền thống của người Mông ở Sín Chéng và những bộ trang phục của nhóm ngành Mông khu vực khác để làm phép so sánh, tìm điểm khác biệt trong hoa văn và cách may, thêu, tạo hình trang phục. Sau đó, cô và chính quyền địa phương thuyết phục phụ huynh giữ nét truyền thống của cộng đồng mình bằng việc dùng bộ trang phục dân tộc thay thế đồng phục cho học sinh.

Ban đầu, có người đồng tình, có người phản đối vì cho rằng suy cho cùng cũng chỉ là bộ đồ mặc trên người. Cô Hường đã cố gắng thuyết phục: Tôi là người Kinh, nhưng tôi đang nỗ lực gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa của người Mông. Vậy thì chẳng có lý do gì mà các cô, các bác là người Mông lại không tham gia gìn giữ điều đó.

311.jpg

Và thế là có một “bước ngoặt” lớn, bắt đầu từ việc 100% học sinh trong trường có riêng một bộ trang phục “chuẩn truyền thống”. Học sinh biết múa khèn, múa gậy sinh tiền, cùng phụ huynh tham gia học nấu xôi bảy màu, làm bánh giày, bánh trôi… Văn hóa truyền thống được “tài liệu hóa” thông qua việc mời các nghệ nhân dân gian tại địa phương tham gia giảng dạy trong trường, được ghi chép tỉ mỉ trở thành tư liệu phục vụ các hoạt động giảng dạy trong tương lai.

Không những vậy, trong hầu hết các cuộc thi trong huyện, tỉnh, quốc gia, nhờ vận dụng sáng tạo văn hóa truyền thống, Trường Tiểu học số 1 Sín Chéng luôn được đánh giá cao. Điển hình như Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc những năm gần đây, Trường Tiểu học số 1 Sín Chéng xuất sắc giành 4 giải thưởng, trong đó có 2 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích. Đây cũng là thành tích đáng tự hào với huyện vùng cao Si Ma Cai nói riêng và giáo dục Lào Cai nói chung.

Cô giáo Hoàng Thị Thủy, giáo viên trực tiếp hướng dẫn 4 nhóm tác giả đoạt giải chia sẻ kinh nghiệm: Trong các cuộc thi, chúng tôi đều xác định lựa chọn những sản phẩm đặc thù, gắn liền với văn hóa truyền thống của cộng đồng người dân vùng cao vào phần thi. Ý tưởng của các sản phẩm tham gia cuộc thi đều gần gũi, xuất phát từ cuộc sống sinh hoạt hoặc hoạt động văn hóa. Học sinh vì thế cũng tự tin, thỏa sức sáng tạo. Nhờ đó, các sản phẩm luôn được đánh giá cao vì có sự sáng tạo, có tính thân thiện với cộng đồng.

Cô giáo Hường mời chúng tôi tham quan phòng truyền thống của nhà trường, lật mở những cuốn tài liệu vẽ chi tiết từng hoa văn, cách luồn kim thêu thổ cẩm với những tấm vải nhỏ xinh đính kèm làm mẫu. Ở tập tài liệu khác, cách nhuộm màu làm xôi, cách chọn lá, ngâm gạo hoặc cách chế biến từng món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ cũng được ghi chép cẩn thận. Các vật dụng truyền thống như khèn, ô, gậy sinh tiền, mô hình đồ dùng trong các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, sinh hoạt cũng được lưu giữ trong căn phòng này, giống như một bảo tàng văn hóa thu nhỏ.

313.jpg

Trong tiết học kỹ thuật, các em được học cách thêu họa tiết thổ cẩm; giờ thể dục được học các môn thể thao truyền thống; tiết âm nhạc được học hát bài hát, điệu múa của dân tộc; hoạt động ngoại khóa được tham gia các buổi học nấu ăn những món ăn truyền thống, tham gia các lễ hội dân tộc “phiên bản mini” trong trường học.

Thêm yêu nguồn cội | Báo Lào Cai điện tử (baolaocai.vn)

Theo Thuý Phượng - Lê Nam/baolaocai.vn

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai