Du khách quốc tế ấn tượng với trải nghiệm khám phá thị trấn Sa Pa, Việt Nam

Thị trấn Sa Pa là một trong những điểm đến hàng đầu để du khách có cơ hội tham quan cũng như khám phá các vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam.

Trang The Travel dẫn tin Việt Nam là đất nước sở hữu vô số kỳ quan - từ những vịnh huyền ảo (như Vịnh Hạ Long), đến những bãi biển nhiệt đới hoang sơ (như Phú Quốc), hay khu chợ đêm nhộn nhịp, những ngôi làng miền núi và cánh đồng lúa trường tồn với thời gian.

Sa Pa. Ảnh: The Travel

Sa Pa. Ảnh: The Travel

Sa Pa là điểm đến nổi tiếng với những cánh đồng lúa ruộng bậc thang và văn hóa truyền thống của người dân các dân tộc thiểu số Việt Nam. Du khách đến đây cũng có thể chiêm ngưỡng rừng tre và một số cảnh quan đẹp như tranh vẽ. Điểm nổi bật khi đến đây là cơ hội gần gũi hơn với người dân miền núi thân thiện xung quanh những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày ít đổi thay.

Đến Sapa, nhất định phải trải nghiệm Trekking

Sapa là thị trấn cửa ngõ chính với dân số khoảng 60.000 người. Nổi bật, Vườn quốc gia Hoàng Liên là điểm đến du lịch sinh thái của Lào Cai mang nét đẹp hoang dã, phù hợp với những tín đồ yêu màu xanh của thiên nhiên. Khu vực này rất ấn tượng bởi các trầm tích với sự xâm nhập của đá granit. Hàng triệu năm kiến tạo đã mang đến địa chất gồm đá trầm tích biến chất, đá granite xâm nhập chạy dọc theo thung lũng Mường Khoa phía Tây Nam, nhiều đá cẩm thạch và đá vôi phía Đông Bắc. Hệ động thực vật trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên vô cùng phong phú, thậm chí có những loài chỉ xuất hiện tại đây chứ không đâu khác trên cả nước.

Các thung lũng có mật độ dân cư đông đúc trong khi đó quanh sườn núi, người dân tập trung trồng trọt và làm ruộng trên các bậc thang rộng rãi. Dãy núi Hoàng Liên Sơn được mệnh danh là Alps xứ Đông Dương (Tonkinese Alps) bởi có những ngọn núi cao hiểm trở như Fansipan, đỉnh cao nhất Việt Nam. Từ các rặng núi uốn lượn, ruộng bậc thang đổ xuôi xuống những thung lũng ven sông du khách sẽ tìm thấy các bản làng Mông, Dao đỏ, Giáy nằm ẩn hiện

Thông qua các chuyến đi Trekking tại Sa Pa, du khách sẽ có cơ hội đi bộ trên các đoạn đường giữa những cánh đồng lúa và trải nghiệm qua những thung lũng rộng lớn xanh mướt.

Cầu bắc qua suối ở Sa Pa, Việt Nam. Ảnh: The Travel

Cầu bắc qua suối ở Sa Pa, Việt Nam. Ảnh: The Travel

Nhiều sườn núi rất dốc và khó tiếp cận. Khu vực này được cho là một trong những nơi ấn tượng và bổ ích nhất để ghé thăm tại Việt Nam. Hầu hết bề mặt ở đây có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển và mặc dù là vùng nhiệt đới nhưng thời tiết có thể rất lạnh.

"Không có gì ngạc nhiên khi mây bay xuống bao quanh thị trấn, làng mạc kèm theo mưa phùn. Thị trấn Sa Pa nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển (thậm chí có thể có tuyết vào mùa đông). Những ngày ở đây, tôi có thể cảm nhận một bầu trời trong xanh ngang qua các thung lũng xanh mướt. Và khi vào những ngày sương mù dày đặc, thung lũng có cảm giác bí ẩn và xa lạ hơn", tác giả Aaron Spray viết.

Sa Pa nằm ở cực Bắc của Việt Nam và có đỉnh Fansipan cao tới 3.143m so với mực nước biển. Đỉnh Fansipan luôn được mệnh danh là "nóc nhà" của 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia).

Khám phá cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam ở Sa Pa

Khách du lịch mua đồ lưu niệm ở Sa Pa. Ảnh: The Travel

Khách du lịch mua đồ lưu niệm ở Sa Pa. Ảnh: The Travel

Sa Pa cũng là điểm hẹn cho những du khách muốn khám phá văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Các dân tộc thiểu số truyền thống thường sinh sống ở vùng núi và rải rác ở các thung lũng xung quanh Sa Pa bao gồm người Hmong, Dao (Yao), Giáy, Xa Phó và Tày. Trong số này, các nhóm thiểu số chính trong khu vực là người Hmong (52%) và người Dao (25%). Người dân ở đây thường trồng lúa và ngô để duy trì cuộc sống hàng ngày.

"Du khách sẽ thấy dân làng làm việc ở ruộng bậc thang và ruộng lúa. Trâu là con vật vốn dĩ đã gắn liền với nghề nông của người dân trong hàng nghìn năm nay. Khách du lịch đi theo nhóm dọc theo những con đường mòn xuyên qua các làng mạc và cánh đồng của nông dân. Phụ nữ thường mặc trang phục truyền thống và tiếp đón khách du lịch", tác giả viết.

Ngoài làm nông, người dân địa phương ở đây cũng làm thêm nhiều mặt hàng thủ công truyền thống như vòng tay, hoa tai và quần áo. Đây là những sản phẩm thủ công địa phương mà du khách rất thích thú mua làm kỷ niệm mỗi khi ghé thăm.

"Người dân sống tại những ngôi làng ở Sa Pa thường giản dị và du lịch phần nào đã cải thiện cuộc sống của người dân địa phương trong thời gian qua", tác giả viết.

Trải nghiệm Trekking ở Sa Pa

Du khách thường chọn các gói du lịch bắt đầu từ thủ đô Hà Nội và đến thị trấn Sa Pa trong ngày. Gói tour bao gồm đón khách từ khách sạn bằng xe khách giường nằm đến thị trấn. Từ đây, du khách sẽ được hướng dẫn viên du lịch địa phương đón và tham gia trải nghiệm du lịch trekking đi qua những con đường mòn trên núi đến ngôi làng - nơi cộng động dân tộc thiểu số sinh sống. Du khách sẽ nghỉ qua đêm tại một nhà khách trong làng. Chuyến đi bộ trong ngày thường kéo dài khoảng 4 giờ.

Thông thường, khách du lịch để đồ đạc trong một khách sạn ở Sapa và chỉ mang theo những thứ cần thiết trong thời gian trekking khoảng 2-3 ngày tại các bản làng. Hai ngày trekking sẽ là khoảng thời gian thích hợp để cảm nhận về cảnh quan và con người ở đây.

"Khách du lịch có thể chọn tham gia một chuyến tham quan có hướng dẫn viên hoặc tự mình đi khám phá, nhưng nếu đây là lần đầu tiên thì một chuyến tham quan có hướng dẫn viên sẽ là lựa chọn tốt nhất. Với tôi, Việt Nam vẫn là một điểm đến thân thiện tuyệt vời dành cho những người lần đầu ghé thăm ở Đông Nam Á", cây bút Aaron Spray nhận định.

Du khách quốc tế ấn tượng với trải nghiệm khám phá thị trấn Sa Pa, Việt Nam | Báo Lào Cai điện tử (baolaocai.vn)

Theo baolaocai.vn

Tin Liên Quan

Khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 256 nghìn lượt trong 5 ngày nghỉ lễ

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 256.485 lượt (trong đó khách du lịch nội địa là 240.166 lượt, khách quốc tế đạt 16.319 lượt), tăng 13% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023.

Khai mạc Lễ hội mùa hè “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu"

Tối 27/4, tại sân quần thị xã Sa Pa đã khai mạc Lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2024 với chủ đề "Sa Pa - Xứ sở của tình yêu". Đây là một trong năm lễ hội thường niên đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang bản sắc và thương hiệu riêng có của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Bảo Yên khai mạc Ngày hội Văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ 2 năm 2024”

Ngày 27/4, huyện Bảo Yên long trọng tổ chức khai mạc chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ hai năm 2024” gồm nhiều sự kiện hấp dẫn.

Lào Cai hưởng ứng Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”

Để đón đầu kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè 2024, thúc đẩy phát triển du lịch và triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, tỉnh Lào Cai tham gia phát động Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” trên địa bàn tỉnh.

Lào Cai - điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ

Chỉ còn hai ngày nữa kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 sẽ chính thức bắt đầu. Theo kế hoạch, dịp này các địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động kích cầu, thu hút du khách. Hiện các điểm du lịch, cơ sở lưu trú cũng đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, nhằm mang đến cho du khách một kỳ nghỉ thú vị.

Khảo sát, điền dã các di tích danh lam, thắng cảnh tại huyện Bát Xát

Trong 2 ngày, 23 và 24/4, UBND huyện Bát Xát phối hợp với Bảo tàng tỉnh thực hiện khảo sát, điền dã thác Ong Chúa và đỉnh núi Nhìu Cồ San (thuộc thôn Nhìu Cù San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát) để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh.