Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 29/2/2024 phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án).

Cánh rừng nguyên sinh tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Đề án đặt mục tiêu chung phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân miền núi, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng 

Một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án là phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong nước đáp ứng tối thiểu 80% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050 nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020 vào năm 2030 và tăng gấp 2,0 lần vào năm 2050; giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được sản xuất dưới tán rừng chiếm tỷ trọng từ 10 -15% vào năm 2030 và 25% vào năm 2050 trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản.

Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ; đến năm 2030 giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng từ 20% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng.

Đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm

Đề án cũng đặt mục tiêu phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở cụ thể hóa, mở rộng các các loại dịch vụ môi trường rừng; đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; phấn đấu đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm.

Phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, tri thức bản địa; mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương. Phấn đấu nguồn thu từ hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tăng 50% so với năm 2020 vào năm 2030 và 100% vào năm 2050.

Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; duy trì ổn định và phát triển diện tích rừng đặc dụng đến năm 2030 tăng từ 10% đến 15% so với năm 2020; xây dựng được Kế hoạch hành động bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam.

Nâng mức thu nhập bình quân của lao động là người dân tộc thiểu số

Thu hút lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực lâm nghiệp là người dân tộc thiểu số sống ở khu vực có rừng đến năm 2030 chiếm trên 50%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đạt từ 40% trở lên vào năm 2030 và 70% vào năm 2050. Phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân của lao động là người dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động sản xuất lâm nghiệp đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần và đến năm 2050 tăng gấp 2,0 lần so với mức thu nhập tại thời điểm năm 2025. 

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đặt ra các nhiệm vụ: Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp; phát triển dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí./.

Thu Hiền

Tin Liên Quan

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...

Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Trong các cuộc chiến tranh giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cùng với sử dụng sức mạnh quân sự để đánh bại kẻ thù xâm lược, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ yếu tố chính nghĩa và nhân văn của cuộc chiến tranh đang tiến hành để đánh bại kẻ xâm lược phi nghĩa. Tiếp nối truyền thống đó,...

Không chủ quan với lạm phát

Bình quân 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước ta tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,81%, thấp hơn mức CPI bình quân chung. Những con số này cho thấy diễn biến lạm phát vẫn cơ bản ổn định và trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhiều dự báo cũng cho thấy, giá...

Hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới"*

Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu Diễn văn do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ngay sau lễ mít tinh là chương trình diễu binh, diễu...

Chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện sống động bằng công nghệ 3D Mapping

Người dân Thủ đô Hà Nội có cơ hội ôn lại lịch sử, sống lại những khoảnh khắc hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ với việc bức tranh “Chiến dịch Điện Biên Phủ” được trình chiếu bằng công nghệ 3D Mapping, với âm thanh và lời thuyết minh sống động.