Tiếng nói đoàn kết từ Mỹ Latin và Caribe

Thúc đẩy tinh thần đoàn kết, hợp tác để chống đói nghèo và biến đổi khí hậu là trọng tâm chính của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC) vừa diễn ra tại Saint Vincent và Grenadines. Hội nghị là không gian đối thoại quan trọng, giúp củng cố mối quan hệ giữa các nước trong bối cảnh nhiều khó khăn vẫn chờ đợi khu vực Mỹ Latin và Caribe ở phía trước.


Với sự tham dự của đại diện hơn 30 quốc gia thành viên, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 CELAC được nhận định là một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong lịch sử Saint Vincent và Grenadines, quốc gia Caribe đang chịu ảnh hưởng trầm trọng bởi biến đổi khí hậu.

Mỹ Latin và Caribe là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, với sự gia tăng tần suất các cơn bão, lũ lụt, cháy rừng, lở đất, hạn hán ở mức độ ngày càng nghiêm trọng. Ngân hàng Phát triển Mỹ Latin và Caribe (CAF) cho biết, các cơn bão là nguyên nhân gây ra 97% số vụ thảm họa ở vùng Caribe.

Trong bài phát biểu có chủ đề "Niềm tin, niềm hy vọng mới và tình yêu", Thủ tướng nước chủ nhà Ralph Gonsalves khẳng định tầm quan trọng của đoàn kết và hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh cam kết của khu vực với an ninh, hòa bình toàn cầu.

Truyền thông Cuba nhận định, việc tổ chức hội nghị góp phần nâng cao vị thế, tiếng nói của Saint Vincent và Grenadines cũng như cộng đồng các nước Caribe trong giải quyết thách thức toàn cầu. Các nước đã thống nhất ý kiến về bảo đảm an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu và duy trì hòa bình, đồng thời trao đổi quan điểm về các "điểm nóng" xung đột như Trung Đông, Ukraine, Haiti.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia trên thế giới cải cách hệ thống tài chính quốc tế để hỗ trợ các nước đang phát triển và đạt được công bằng về khí hậu. Nhà lãnh đạo này khẳng định, Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), vốn chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu, cần có trách nhiệm đặc biệt trong dẫn dắt những nỗ lực này.

Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL), để đạt các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu, từ nay đến năm 2030, khu vực Mỹ Latin và Caribe cần đầu tư từ 2.100 tỷ USD đến 2.800 tỷ USD mỗi năm, tương đương từ 3,7% đến 4,9% GDP của khu vực. Đáng nói là, theo số liệu thống kê của năm 2020, mức đầu tư của khu vực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chỉ chiếm 0,5% GDP, một con số thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra.

Nghèo đói, vấn đề kinh niên của khu vực, cũng càng trở nên trầm trọng do dịch Covid-19, thiên tai và xung đột. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 6,5% dân số tại khu vực này đang sống trong tình trạng thiếu ăn. Ông Mario Lubetkin, Phó Tổng Giám đốc FAO phụ trách Mỹ Latin và Caribe cho biết, các tổ chức quốc tế cũng như chính phủ sở tại chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình nghèo đói, khiến mục tiêu xóa bỏ đói nghèo vào năm 2030 ngày càng xa vời. Chống đói nghèo và bất bình đẳng là một trong những ưu tiên của quốc gia Nam Mỹ Brazil trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình.

Những thông điệp tích cực về hợp tác, đoàn kết cũng được phát đi từ Hội nghị thượng đỉnh CELAC lần này, khi một số quốc gia thành viên nỗ lực gạt bỏ bất đồng để hàn gắn các mối quan hệ song phương.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã gặp người đồng cấp Guyana Irfaan Ali bên lề hội nghị, trao nhau những món quà và cam kết thúc đẩy hòa bình, nhằm làm ấm lại mối quan hệ hai nước sau những căng thẳng liên quan tranh chấp vùng lãnh thổ Essequibo.

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Lula da Silva và người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro đã có cuộc hội đàm khẳng định quyết tâm tăng cường trao đổi kinh tế và thương mại giữa hai nước. Quan hệ ngoại giao giữa Brazil và Venezuela từng căng thẳng dưới thời ông Jair Bolsonaro, nhà lãnh đạo cực hữu lên cầm quyền tại Brazil. Tuy nhiên, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển mới kể từ khi nhà lãnh đạo cánh tả Lula da Silva trở lại nắm quyền tại Brazil.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s dự báo, tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ Latin và Caribe trong năm 2024 là 1,8%, thấp hơn mức 2,2% của năm 2023. Trong bối cảnh tình hình thế giới ngày càng phức tạp cùng nhiều khó khăn chờ đợi khu vực Mỹ Latin và Caribe, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, thúc đẩy đoàn kết và hợp tác là sứ mệnh của CELAC, cũng là chìa khóa cho sự phát triển của khu vực.

https://nhandan.vn/tieng-noi-doan-ket-tu-my-latin-va-caribe-post798493.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...