Vết chân "người khổng lồ" dưới chân núi Bá Muông

Cách đây hàng nghìn năm, ở xã Võ Lao (Văn Bàn) bỗng xuất hiện một vết chân nằm án ngữ trên một mỏm đá to, mà theo người dân nơi đây đó chính là vết chân “người khổng lồ”. Trải qua bao biến động của lịch sử và thiên nhiên, đến giờ vết chân “người khổng lồ” vẫn còn nguyên vẹn và chứa đựng trong đó nhiều điều bí ẩn không ai có thể giải mã được.
 
Bí ẩn vết chân “người khổng lồ”

Trước những lời đồn đại của người dân xã Võ Lao về vết chân “người khổng lồ”, chúng tôi quyết định thượng sơn để “mục sở thị”. Ngược suối Nậm Mả lên thượng nguồn, ông Lương Xuân Phẩu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Võ Lao dẫn chúng tôi đi quanh hai bên bờ suối. Đúng như người dân nơi dây kể, dòng suối Nậm Mả nước trong vắt, chảy hiền hòa, xa xa là đỉnh núi Bá Muông - nơi thượng nguồn của dòng suối.

Men theo tuyến đường mòn của người dân đi nương, chúng tôi gặp anh Vàng A Cơ, Trưởng thôn Tăng Chú, xã Nậm Mả. Biết chúng tôi đang lên “mục sở thị” vết chân “người khổng lồ”, anh Cơ hồ hởi khoe: Vết chân to lắm, to như cái bể nước, 2 người nằm vào đó vẫn được. Nhà chỉ cách vết chân “người khổng lồ” khoảng 200 m, ngày nào anh và mấy đứa con của mình cũng xuống dưới dòng suối nơi có vết chân khổng lồ để gánh nước về sinh hoạt, nên anh Cơ là người hiểu tường tận về vết chân kỳ lạ này.
 

 
Hình vết chân.

Theo quan sát của tôi, vết chân “người khổng lồ” in dấu hình bàn chân bên phải, nhìn kỹ giống như một chiếc giày to lớn. Vết chân “người khổng lồ” có kích thước dài hơn 2 m, nơi rộng nhất ở giữa bàn chân là 0,8 m, gót chân rộng 0,5 m. Vết chân nằm trên một tảng đá lớn, hướng mũi chân về phía Tây, bao quanh vết chân một bên là núi, một bên là suối. Chỉ cần đứng trên đỉnh núi có thể nhìn thấy rõ ràng quần thể đá nơi có vết chân “người khổng lồ” đi qua.

Anh Vàng A Cơ chỉ tay vào vết chân và cho rằng vết chân này đích thực là vết chân của người thực sự to lớn. Không chỉ anh Cơ tin đây là vết chân “người khổng lồ”, mà hàng trăm người dân ở hai xã Võ Lao, Nậm Mả đời này qua đời khác đều tin như vậy. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người hoài nghi về chuyện vết chân “người khổng lồ” được in dấu ở địa phận giữa hai xã Nậm Mả và Võ Lao. Mặc dù đã nhiều lần xem đi, xem lại vết chân đến mỏi cả mắt, nhưng ông Lương Xuân Phẩu vẫn không tin có chuyện người khổng lồ đã từng xuất hiện tại nơi đây. Ông Phẩu cho rằng: Vết chân này có thể do một người hay một nhóm người đi rừng dùng đục làm nên, cũng có thể là do tự nhiên mà có, “vì hòn đá nơi in dấu vết chân nằm cạnh dòng suối, qua bao nhiêu thời gian do nước bào mòn, nên có hình như vậy” - ông Phẩu cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vết chân “người khổng lồ” không chỉ in dấu ở Võ Lao mà còn có nhiều vết chân có cùng kích cỡ nằm rải rác ở các xã Phú Nhuận (Bảo Thắng), Văn Sơn và Hòa Mạc (Văn Bàn). Những vết chân này được các cụ cao niên địa phương phát hiện trong khi đi rừng, hiện nay rất ít cụ còn sống, một số cụ còn sống thì tuổi đã cao, sức yếu nên chỉ có thể “vặt” lại trí nhớ để kể cho các thế hệ con, cháu nghe.

Trong số các vết chân còn lại, vết chân “người khổng lồ” ở xã Hòa Mạc được nhiều người biết đến nhất. Theo một số người dân nơi đây cho hay, vết chân có hình dáng giống như một chiếc giày trái, dài khoảng 2 m và rộng gần 1 m, cùng hướng về phía Tây, rất khớp với vết chân ở Võ Lao. Tuy nhiên, do vết chân ở Hòa Mạc trong quá trình mở đường đã bị xóa hết dấu tích, nên khó có thể chứng minh nó là thật.

Và những giai thoại

Ở Võ Lao, bất kỳ người già hay trẻ con, ai cũng biết có một vết chân “người khổng lồ” dưới chân núi Bá Muông. Tuy nhiên, để trực tiếp tận mắt chứng kiến thì không phải ai cũng có cơ may. Theo các cụ cao niên ở đây, vết chân “người khổng lồ” không chỉ kỳ bí, mà xung quanh vết chân đó có nhiều câu chuyện kỳ lạ hư hư, thực thực không thể giải thích được. Một trong những câu chuyện kỳ lạ là vết chân đó luôn có sự túc trực, canh giữ của cặp đôi mãnh hổ - mãng xà, không ai được tự tiện tới gần, nếu muốn vào xem thì dân làng phải làm lễ.

Tương truyền, xưa kia ở vùng đất Văn Bàn xuất hiện một vị thần (người dân địa phương gọi là thần Tạo Lộc) cao lớn. Cứ đến dịp người dân vào vụ gieo cấy lúa, thần Tạo Lộc lại xuất hiện để giúp đỡ họ vận chuyển cây mạ từ vùng đất Than Uyên (Lai Châu) sang Văn Bàn. Ở cánh đồng Võ Lao hồi đó, do hạn hán kéo dài, nên không đủ nước tưới tiêu, nhân dân khắp vùng bàn nhau làm lễ xin vị thần Tạo Lộc phá núi để dẫn nước từ Hòa Mạc sang. Vị thần này đã đồng ý và yêu cầu nhân dân Võ Lao mổ 10 con lợn đực, xôi 10 bát cơm nếp để thần Tạo Lộc ăn. Tuy nhiên, do không có đủ 10 con lợn đực, người dân “bí mật” mổ thêm một con lợn nái để làm đủ lễ, thần Tạo Lộc ăn xong, tự nhiên thấy bủn rủn chân tay do ăn phải thịt lợn nái. Biết được chuyện người dân lừa mình, thần Tạo Lộc rất tức giận, không những không phá núi để làm khe dẫn nước, ngược lại, vị thần này còn đắp chặn hết các khe để nước không bao giờ chảy từ Hòa Mạc sang Võ Lao và từ đó biến mất không ai còn nhìn thấy vị thần này nữa. Cũng từ đó, ở Võ Lao và Hòa Mạc xuất hiện hai vết chân và người dân tin rằng, đó là vết chân của thần Tạo Lộc lúc tức giận đã dẫm nát tạo nên.

Ông Hà Đình Viên, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Võ Lao tâm sự: Hồi còn bé, tôi được các cụ trong làng kể lại, ở nơi vết chân đó luôn có con mãnh hổ và mãng xà canh giữ không cho bất kỳ ai tới gần vết chân của thần Tạo Lộc. Chính vì thế, người dân không ai dám đến đây để xem và họ chỉ nghe các bậc cao niên kể lại mà thôi.

Không chỉ vậy, tại nơi xuất hiện vết chân, nước của dòng suối Nậm Mả tự nhiên trong vắt và không bao giờ cạn, ở dưới dòng suối có rất nhiều loài cá sinh sống và hằng ngày bơi lượn quanh hòn đá - nơi có vết chân in dấu. Hiện nay, dòng suối Nậm Mả là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho người dân 3 xã: Nậm Mả, Võ Lao và Văn Sơn. Do đó, người dân ở đây cho rằng, vết chân “người khổng lồ” là dấu chân của thần Tạo Lộc, đã cho họ nước uống, cho những mùa màng bội thu và đặc biệt đã âm thầm bảo vệ cuộc sống của họ./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn

Ngón huyền trên cung đàn tính ở thôn Phẻo

Từ lâu, thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng vẫn duy trì và phát triển đội văn nghệ quần chúng gồm hơn 20 thành viên, chủ yếu là phụ nữ và tất cả đều là đồng bào Tày. Những lúc nông nhàn, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ hay buổi tối, chị em lại tề tựu về nhà văn hóa thôn tập và trao truyền cho nhau...