Nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 đã và đang đánh thức tiềm năng phát triển nông nghiệp ở các địa phương

Ngày 26/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết ra đời cũng là thời điểm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhiều dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ nguồn hỗ trợ Chương trình MTQG 1719 đã và đang được thực hiện với nhiều kỳ vọng góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc.

Người dân thôn Nậm Đó, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương có thu nhập cao từ trồng chè.

Trước đây, với người dân thôn Nậm Đó, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương thì cây chè chỉ là cây trồng phụ với một vài hộ trồng, diện tích rất khiêm tốn. Thực hiện Nghị quyết 10 của ban thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện Mường Khương lựa chọn cây chè là một trong các cây trồng chủ lực với khẩu hiệu “Ở đâu có cây chè, ở đó có hạnh phúc”. Phong trào chồng chè đã lan tỏa rộng khắp ở các xã, thôn bản vùng cao.

Ông Đặng Công Huân - Chủ tịch xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương cho biết: “Ban đầu chỉ có một vài hộ trồng nhỏ lẻ, đến nay thôn Nậm Đó đã có 71/72 hộ tham gia trồng chè. Để có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền xã đã lồng ghép các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong đó có Chương trình MTQG 1719 trong việc hỗ trợ bà con trồng chè với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/ha”.

Thực tế cho thấy, cây chè cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây ngô, cây lúa truyền thống. Đến thời điểm này, xã Lùng Khấu Nhin đã có 403,5 ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 200 ha, năng suất đạt 80 tạ/ha, sản lượng 1.614 tấn/năm. Tổng số hộ tham gia trồng chè là 484/684 hộ, chiếm 70,76% tổng số hộ của xã. Riêng trong năm 2023 vừa qua, toàn xã trồng mới được gần 60ha chè hàng hóa.

Bà con nông dân xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai trồng cây bạch truật.

Với đặc thù khí hậu và thổ nhưỡng, huyện Si Ma Cai lựa chọn phát triển cây dược liệu để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Từ một địa phương với cây ngô, lúa là cây trồng chủ lực thì đến nay những cây dược liệu như đương quy, cát cánh, đẳng sâm, bạch truật,… đã trở thành cây trồng quen thuộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Trong đó, bạch truật là cây trồng có giá trị kinh tế cao được huyện Si Ma Cai mạnh dạn đưa vào gieo trồng với nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 gần 50 triệu đồng/ha.

Ngoài các cây dược liệu đã được trồng lâu năm và cho thu nhập tốt như: Đương quy, tam thất, bạch truật,… Cúc chi là loại dược liệu mới lần đầu được thử nghiệm tại xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai. Doanh nghiệp hỗ trợ nông dân cây giống, kỹ thuật trồng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau 3 tháng kể từ khi gieo hạt cây sẽ ra hoa và cho thu hoạch. Cúc chi nếu chăm sóc tốt, một sào cúc chi có thể thu từ 450kg đến 500 kg hoa tươi với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, trừ chí phí, thuận lợi khoảng 7 triệu đồng/sào. Được mệnh danh là “thủ phủ” của các loại dược liệu, việc thử nghiệm thêm các giống dược liệu mới trong đó có cúc chi không chỉ mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất mà còn khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh nâng cao giá trị canh tác tạo thu nhập tốt cho người dân địa phương.

Ông Thền Mạnh Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Si Ma Cai cho biết: “Đến thời điểm này, toàn huyện Si Ma Cai có hàng trăm héc-ta cây dược liệu. Qua đánh giá cho thấy, tuy đòi hỏi kỹ thuật canh tác có khắt khe hơn so với các loại cây trồng khác nhưng bù lại giá trị của loại cây trồng này lại rất cao. Si Ma Cai là một trong những huyện nghèo biên giới của tỉnh Lào Cai”.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Do đó, một trong những mục tiêu hàng đầu phát triển kinh tế - xã hội được Đảng bộ huyện Si Ma Cai triển khai đó là đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững. Để tập trung xóa nghèo nhanh và bền vững thì huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; đưa những cây con có giá trị vào nuôi trồng. Hàng trăm hộ dân đã được hỗ trợ sản xuất như giống và vật tư nông nghiệp trong quá trình triển khai trồng dược liệu theo nguồn Chương trình MTQG 1719. Mục tiêu đến năm 2025, huyện Si Ma Cai sẽ mở rộng diện tích phát triển cây dược liệu lên 500 ha, tập trung vào các loại cây như tam thất, đương quy, đẳng sâm và một số cây dược liệu ngắn ngày như cây xả, cây gừng,…

Nguồn lực hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719 đã và đang đánh thức tiềm năng phát triển nông nghiệp ở các địa phương của Lào Cai.

Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực đạt trên 6.500 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt trên 10.400 tỷ đồng; chuyển đổi khoảng 12.000 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao…

Qua 2 năm triển khai, bình quân tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh đạt trên 5%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa năm 2023 đạt 4.560 tỷ đồng tăng 360 tỷ đổng so với năm 2022… Có được những kết quả này, cùng với chính sách riêng của tỉnh thì nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng cao. Cụ thể, hết năm 2023, từ nguồn lực CT MTQG 1719, toàn tỉnh Lào Cai đã thực hiện 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị với gần 5.000 hộ tham gia; 29 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng với hơn 1.500 hộ tham gia.

Để phát huy tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 12/3/2024 triển khai Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Cụ thể sẽ triển khai Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân: Thực hiện hỗ trợ bảo vệ 115.803 ha rừng; trồng rừng 1.988 ha. Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, sinh kế cộng đồng: Tiếp tục thực hiện các dự án chuyển tiếp năm 2023 (23 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và 20 dự án sinh kế cộng đồng); đồng thời triển khai các dự án mới trong năm 2024.

Cùng với những giải pháp phù hợp, việc lồng ghép các nguồn lực từ địa phương, nguồn lực các Chương trình mục tiêu quốc gia giành cho các dự án phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đang góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị trên cùng diện tích cach tác, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

Bài 1: Xứng tầm đô thị trung tâm du lịch Bắc Hà

Theo Nghị quyết 1197/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2023 - 2025, từ ngày 1/11/2024, xã Tà Chải được nhập vào thị trấn Bắc Hà. Để quá trình sắp xếp, sáp nhập tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân, huyện...

Phải khơi gợi ý thức tự thân thoát nghèo trong Nhân dân

Làm việc với Đảng ủy, UBND xã Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương) chiều 29/10 về công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà xuống cấp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang chỉ đạo: "Để thoát khỏi danh sách 10 hộ nghèo nhất tỉnh, xã phải khơi gợi ý thức tự thân thoát nghèo trong Nhân dân; phải có mục tiêu rõ ràng, đã...

Tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc. Toàn tỉnh có trên 781 nghìn người, gồm nhiều dân tộc cùng chung sống, các dân tộc thiểu số chiếm trên 66,2% dân số toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 138 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 1.174 thôn, tổ...

Bí thư Tỉnh uỷ Đặng Xuân Phong gặp gỡ lãnh đạo Đảng Lao động Mê-hi-cô

Tối 28/10/2024 (giờ Mê-hi-cô), tiếp nối các hoạt động đối ngoại tại Mê-hi-cô, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai làm Trưởng đoàn đã gặp gỡ và làm việc với Tổng Bí thư Alberto Anaya Gutiérrez và...

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Đặng Xuân Phong và đoàn công tác thăm và làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mê-hi-cô

Ngày 28/10/2024 (giờ Mê-hi-cô), Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Đặng Xuân Phong - Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai làm Trưởng đoàn đã đến Mê-hi-cô triển khai các hoạt động đối ngoại của tỉnh.

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, công tác phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn của xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa đã đạt rất nhiều kết quả tích cực. Đây cũng là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt chuẩn nông thôn mới của giai đoạn 2021 - 2025.