Những “ngọn đuốc” trong đêm mưa lũ

Mưa lũ, sạt lở đất đá đã gây thiệt hại nặng nề về tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và Nhân dân trong tỉnh. Trong thời khắc ấy đã xuất hiện những tấm gương không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, kịp thời ứng cứu, hỗ trợ đồng bào mình. Họ xứng đáng như những “ngọn đuốc” rực sáng trong đêm mưa lũ.

Xuyên đêm cứu người

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, nhưng cơ duyên đã đưa ông Trần Huy Trung bén duyên với mảnh đất Phố Ràng, huyện Bảo Yên. Sau gần chục năm sinh sống và làm việc tại “mảnh đất hai dòng sông”, người đàn ông từng là cầu thủ thi đấu tại Giải vô địch bóng đá Quốc gia Việt Nam (V-League) đã cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện của người dân nơi đây.

3-347.jpg

Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến nhiều xã, thị trấn của huyện Bảo Yên bị thiệt hại nặng nề, ngôi nhà ông Trung ở cũng chìm sâu trong nước. Từng là thầy dạy bóng đá nhưng hôm nay ông Trung lại mình trần, đến những nơi ngập úng để cứu người; hỗ trợ di chuyển tài sản của người dân đến nơi an toàn. Cụ thể, sáng 9/9, ông Trung hỗ trợ người dân Khu 6B và chợ Phố Ràng, thị trấn Phố Ràng di chuyển tài sản; buổi chiều chèo mảng cùng các lực lượng cứu hộ xuống Khu 7 đưa 3 người dân bị nước cô lập đến nơi an toàn; từ 21 giờ ngày 9/10 đến gần 3 giờ ngày 10/9 cùng một số anh em tiếp tục chèo mảng, đưa thêm được 9 người (3 trẻ em và 6 người lớn) đến nơi an toàn.

anh-1-2-4792.jpg
Ông Trung mình trần dầm mình trong nước hỗ trợ các hộ dân ở thị trấn Phố Ràng di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

Ông Trung cho biết: Tôi có sức khỏe, hơn nữa lại không vướng bận nhiều về công việc nên có thời gian đi ứng cứu, hỗ trợ người dân trong lúc hoạn nạn, đó là điều rất bình thường. Những đóng góp của tôi thể hiện tình cảm, trách nhiệm cá nhân với người dân Bảo Yên, không có gì là to tát. Tôi chỉ mong người dân Bảo Yên tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Được biết, vừa qua ông Trung còn lập đội tình nguyện với các thành viên thuộc Cộng đồng bóng đá Bảo Yên đi giúp bà con dọn nhà, khuân vác hàng cứu trợ, hướng dẫn các đoàn từ thiện di chuyển trên địa bàn huyện Bảo Yên… Tính đến ngày 1/10, ông Trung đã hơn 20 ngày liên tục tham gia ứng cứu, hỗ trợ người dân vùng lũ, sạt lở đất tại huyện Bảo Yên. Ông Trung cho biết thêm: Vừa qua, tôi và Cộng đồng bóng đá Bảo Yên đã được đề nghị UBND huyện Bảo Yên tặng Giấy khen, nhưng cá nhân tôi xin rút, bởi những đóng góp của tôi còn rất nhỏ so với nhiều người khác.

Cảnh báo kịp thời nguy cơ sạt lở

Nhiều năm qua, cứ vào mùa mưa lũ, xã Phìn Ngan lại là “điểm nóng” của huyện Bát Xát về ngập úng, sạt lở. Đã từng có những vụ sạt lở đất đá, lũ quét khiến nhiều người dân ở xã Phìn Ngan bị thiệt mạng, hàng chục ngôi nhà bị san phẳng, hàng trăm ha cây trồng hoa màu bị ngập úng, dập nát… Qua các phương tiện thông tin đại chúng, bà Tẩn Sử Mẩy, Trưởng thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan biết được mùa mưa lũ năm nay diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập úng, lũ ống, lũ quét rất cao. Vì thế, trong những buổi sinh hoạt tập trung hay họp thôn, nữ trưởng thôn sinh năm 1993 luôn quán triệt đến toàn thể cán bộ, Nhân dân cẩn trọng với thiên tai. Trong đó tuyệt đối không được xây dựng nhà, lán trại tại khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét… Khi phát hiện các điểm có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân phải di chuyển ngay đến nơi an toàn.

anh-1-5-341.jpg
Trưởng thôn Tẩn Sử Mẩy luôn năng động, nêu cao tinh thần trách nhiệm với Nhân dân.

Trong 2 ngày (8 - 9/9) trên địa bàn xã Phìn Ngan xảy ra mưa lớn kéo dài, đất đồi đã “no” nước, nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở rất cao. Đặc biệt, khu vực phía sau Trường PTDT bán trú THCS xã Phìn Ngan có một tảng đá rất lớn đang chực “lao xuống”, đe dọa tính mạng của giáo viên, học sinh và người dân khu vực lân cận. Bà Mẩy cho biết: Trời mưa to, đường sạt lở nhiều điểm, sóng điện thoại bị mất, trong tình thế cấp bách, tôi buộc phải chạy bộ đến điểm trường thông báo với giáo viên, học sinh và người dân di chuyển đến nơi an toàn. Sau đó, tôi tiếp tục chạy bộ quãng đường hơn 1 km để báo cáo trực tiếp ông Vàng Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan tìm hướng giải quyết.

4-3854.jpg

Được biết, đến thời điểm này, tảng đá đã được xử lý an toàn, không còn nguy cơ mất an toàn với điểm trường và người dân khu vực lân cận. Ông Vàng Láo Lở khẳng định: Bà Mẩy đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, dũng cảm vượt qua khó khăn, nguy hiểm để kịp thời cảnh báo người dân và báo cáo chính quyền địa phương về tình hình mưa lũ, sạt lở. Vừa qua, bà Mẩy cũng kết nối các nhà hảo tâm ủng hộ người dân Phìn Ngan được gần 100 triệu đồng, đồng thời vận động bà con san gạt đất, đá sạt lở để thông đường giao thông trong thôn. Hành động dũng cảm của bà Mẩy đã giúp chính quyền địa phương kịp thời có giải pháp xử lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của Nhân dân. Bà Mẩy xứng đáng là tấm gương để mọi người học tập, noi theo.

“Thiệt hại của gia đình - vợ và các con tôi lo được”

Hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi) khiến ngôi nhà của ông Ngải Seo Sáng, Chủ tịch UBND thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai bị ngập sâu trong nước, đất đá taluy dương phía sau sạt lở vào tường, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Vì thế, ngay trong đêm các thành viên trong gia đình ông Sáng phải di chuyển đến nơi an toàn. Ông Sáng tâm sự: Mặc dù nhà tôi cũng trong diện nguy hiểm, phải di chuyển khẩn cấp người và tài sản đến nơi an toàn, nhưng việc này vợ và các con tôi lo được. Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, với vai trò là người đứng đầu chính quyền thị trấn Si Ma Cai, tôi phải có trách nhiệm, dành thời gian chỉ đạo sơ tán người, tài sản của hơn 400 hộ dân ở các thôn, tổ dân phố đang trong diện nguy hiểm.

5-6285.jpg

Thôn Nàng Cảng, thị trấn Si Ma Cai có hàng chục nhà dân bị sạt lở, sụt lún. Đặc biệt, có nhiều ngôi nhà mới được xây dựng với chi phí hàng trăm triệu đồng, nhưng chỉ sau một đêm đã trở thành đống đổ nát. Xót xa cho người dân, ông Ngải Seo Sáng đã chia sẻ động viên các gia đình khẩn trương di chuyển người, tài sản đến nơi ở mới, đồng thời kiến nghị với chính quyền huyện Si Ma Cai và các cơ quan, đơn vị liên quan sớm bố trí quỹ đất để các hộ dựng nhà tạm, ổn định cuộc sống. Ông Giàng Seo Vảng, thôn Nàng Cảng tâm sự: Ngôi nhà mới xây của gia đình tôi đã bị đổ sập hoàn toàn. Những ngày qua, chính quyền thị trấn Si Ma Cai, trực tiếp là ông Sáng đã đến hỗ trợ di chuyển người và tài sản, đồng thời động viên, thăm hỏi, kết nối các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ gia đình tôi lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết.

anh-1-3-8660.jpg
Ông Sáng gác việc riêng, tập trung hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng thiên tai.
img-1785-1078.jpg
img-1777-7494.jpg
Ông Sáng luôn quan tâm động viên, chia sẻ, tìm giải pháp hỗ trợ người dân bị thiệt hại nhà ở.

Được biết, không chỉ chủ động, tích cực trong việc chỉ đạo di chuyển người và tài sản của Nhân dân đến nơi an toàn, ông Sáng còn kết nối với các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lụt, sạt lở đất. Trong khuôn viên trụ sở UBND thị trấn Si Ma Cai chật hẹp, có hàng chục xe tải chở hàng hóa cứu trợ người dân vùng thiên tai. Những gói hàng được ông Vảng sắp xếp gọn gàng, phân phát đúng người, đúng đối tượng đã phần nào giúp người dân ấm lòng, giảm bớt gánh nặng, vượt qua khó khăn thử thách, sớm ổn định cuộc sống.

https://baolaocai.vn/nhung-ngon-duoc-trong-dem-mua-lu-post391660.html

Theo Nguyễn Tất Đạt/baolaocai.vn

Tin Liên Quan

Bài 1: Xứng tầm đô thị trung tâm du lịch Bắc Hà

Theo Nghị quyết 1197/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2023 - 2025, từ ngày 1/11/2024, xã Tà Chải được nhập vào thị trấn Bắc Hà. Để quá trình sắp xếp, sáp nhập tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân, huyện...

Phải khơi gợi ý thức tự thân thoát nghèo trong Nhân dân

Làm việc với Đảng ủy, UBND xã Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương) chiều 29/10 về công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà xuống cấp, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang chỉ đạo: "Để thoát khỏi danh sách 10 hộ nghèo nhất tỉnh, xã phải khơi gợi ý thức tự thân thoát nghèo trong Nhân dân; phải có mục tiêu rõ ràng, đã...

Tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc. Toàn tỉnh có trên 781 nghìn người, gồm nhiều dân tộc cùng chung sống, các dân tộc thiểu số chiếm trên 66,2% dân số toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 138 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 1.174 thôn, tổ...

Bí thư Tỉnh uỷ Đặng Xuân Phong gặp gỡ lãnh đạo Đảng Lao động Mê-hi-cô

Tối 28/10/2024 (giờ Mê-hi-cô), tiếp nối các hoạt động đối ngoại tại Mê-hi-cô, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai làm Trưởng đoàn đã gặp gỡ và làm việc với Tổng Bí thư Alberto Anaya Gutiérrez và...

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Đặng Xuân Phong và đoàn công tác thăm và làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mê-hi-cô

Ngày 28/10/2024 (giờ Mê-hi-cô), Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Đặng Xuân Phong - Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai làm Trưởng đoàn đã đến Mê-hi-cô triển khai các hoạt động đối ngoại của tỉnh.

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, công tác phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn của xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa đã đạt rất nhiều kết quả tích cực. Đây cũng là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt chuẩn nông thôn mới của giai đoạn 2021 - 2025.