Lào Cai quyết tâm lớn để thực hiện chuyển đổi số
Tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm đến phát triển lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số. Trong nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã lựa chọn 7 nhiệm vụ trọng tâm và 2 lĩnh vực đột phá, đó là đột phá về kết cấu hạ tầng (trong đó có đột phá về hạ tầng thông tin, viễn thông, hạ tầng số) và đột phá về phát triển du lịch.
Lào Cai đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 11/12/2020 về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh Lào Cai đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban; Phó Trưởng Ban là các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy. Gần đây, tỉnh Lào Cai tiếp tục kiện toàn 03 Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số, cải cách hành chính, thực hiện Đề án 06 thành 01 Ban Chỉ đạo duy nhất nhằm tập trung chỉ đạo, thống nhất cách thức tổ chức thực hiện.
Đẩy mạnh xây dựng thể chế
Tỉnh Lào Cai đã ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025. Theo Quyết định số 1857/QĐ-UBND ngày 23/7/2024 phê duyệt danh sách hưởng chính sách đãi ngộ về công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2024, với tổng số 119 công chức, viên chức, gồm 03 nhóm: Nhóm 01 mức phụ cấp là 5,4 triệu đồng/tháng; Nhóm 02 mức phụ cấp là 3,6 triệu đồng/tháng; Nhóm 03 mức phụ cấp là 0,9 triệu đồng/tháng.
Chính sách giảm phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo đó, người dân được giảm 40% phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
Hướng dẫn quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; xác định rõ trách nhiệm, thời gian giải quyết công việc của từng cơ quan, đơn vị trong quy trình và tăng cường quản lý chặt chẽ hơn trong một số khâu trong quy trình thực hiện dự án. Đồng thời, ban hành các quy trình thực hiện thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh trong việc triển khai các dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Ban hành bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đặt hàng đối với Báo Lào Cai; Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai; Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Ban hành Chiến lược dữ liệu; Danh mục dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của tỉnh; Danh mục thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện trực tuyến trên công dịch vụ công của tỉnh.
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp
Lào Cai đã thành lập 1.556 tổ công nghệ số cộng đồng giúp người dân biết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến; biết mua, bán các sản phẩm, dịch vụ qua mạng; biết thanh toán không dùng tiền mặt; biết sử dụng các dịch vụ số thiết yếu phục vụ cuộc sống (y tế, giáo dục, liên lạc, đi lại, du lịch, đọc sách, giải trí…); biết áp dụng các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để tự bảo vệ mình và bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng.
Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn kỹ năng số cho người dân. Ảnh TL
Nền tảng cửa khẩu số đã thực hiện đầu tư hạ tầng thiết bị và hoàn chỉnh các hạng mục phục vụ công tác phân luồng tại cửa khẩu Kim Thành, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan liên quan và tổ chức kiểm thử toàn trình nền tảng cửa khẩu số (rà soát việc vận hành quy trình của các lực lượng chức năng, kiểm tra việc vận hành của hệ thống camera AI và barie tự động).
Nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh triển khai tích hợp 29 ứng dụng, kết nối liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, tư pháp, xây dựng. doanh nghiệp, bảo hiểm xã,... và các nền tảng thanh toán điện tử, Cổng dịch vụ công quốc gia thông qua nền tảng NDXP của Quốc gia. Cổng dịch vụ công của tỉnh kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội; Kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường,...
Là một trong 23 địa phương đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Theo bảng xếp hạng, tỉnh Lào Cai đạt 83,02/100 điểm (đứng thứ 11/63 tỉnh, thành). Theo đó, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 80,4% (TB cả nước 55,1%); Thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 57,4%; Tỷ lệ thủ tục hành chính có giao dịch thanh toán trực tuyến 57,2%; Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến 76,6%. Đang thực hiện thí điểm 22 thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Triển khai phát triển thương mại điện tử và đưa 197/205 đạt tỷ lệ 96% sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử. 100% các doanh nghiệp tham gia sử dụng hóa đơn điện tử. 100% doanh nghiệp, hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã xuất hóa đơn điện tử, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. 100% doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu đã ứng dụng chữ kí số, hóa đơn điện tử và thực hiện khai báo thủ tục xuất, nhập khẩu trên môi trường số.
129/129 hệ thống thông tin được phê duyệt (đạt 100%). 100% máy tính trong cơ quan nhà nước được cài đặt phần mềm phòng, chống mã độc. Duy trì chia sẻ dữ liệu An toàn thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Tổ chức hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng, diễn tập an ninh an toàn, bảo mật cho 1.656 lượt cán bộ, công chức chuyên trách CNTT, phụ trách trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Lễ ra mắt Mô hình thôn chuyển đổi số thông minh tại xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng.
Giải pháp căn cơ
Lào Cai xác định, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính... Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thời gian tới cho tỉnh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp:
Phát triển nền tảng quản trị số tích hợp các công cụ, quy trình và công nghệ số nhằm hỗ trợ quản lý, điều hành, và cung cấp dịch vụ công một cách hiệu quả và minh bạch. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát, và ra quyết định của các cơ quan nhà nước, đồng thời tạo ra môi trường làm việc số hóa và kết nối chặt chẽ giữa các bộ phận (thay thế cho hệ thống quản lý văn bản và điều hành, bổ sung các chức năng quản trị số tập trung).
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của tỉnh. Tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư, tích hợp các dữ liệu về y tế, giáo dục, kinh tế, an ninh xã hội, giao thông, môi trường,...
Phát triển trung tâm dữ liệu đáp ứng yêu cầu lưu trữ, xử lý và bảo vệ dữ liệu. Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để tối ưu hóa quản lý dữ liệu.
Thực hiện cắt sóng 2G và phủ sóng 3G, 4G đến 100% các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Triển khai các ứng dụng quan trọng trên nền tảng di động phục vụ người dân và doanh nghiệp (app công dân, mini app Zalo…).
Triển khai Trợ lý ảo hỗ trợ hoạt động của công chức, viên chức tại một số sở, ngành.
Triển khai hệ thống giám sát an ninh mạng, phòng chống tấn công mạng, bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu. Xây dựng các chính sách bảo mật, hệ thống giám sát an toàn thông tin, ban hành và thực thi các chính sách bảo mật dữ liệu, đảm bảo an toàn cho hệ thống cơ sở dữ liệu./.