Đối tác chiến lược Việt-Pháp – Nửa năm nhìn lại

Ngày 25/3 tới đánh dấu tròn nửa năm mối quan hệ Việt Nam-Pháp được nâng lên tầm đối tác chiến lược. Sự hợp tác giữa hai nước trên nền tảng mối quan hệ ấy đã và đang được thể hiện bằng nhiều hoạt động đa dạng trên mọi lĩnh vực, đem lại những kết quả đáng kể.

 

Bức ảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande,
cùng chữ ký và bút tích của Ngài Tổng thống viết, gửi tặng Thủ tướng

Còn nhớ, tháng 9 năm ngoái, nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp, đúng dịp hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Phát biểu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) ngày 24/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ví quan hệ hai nước như “con tàu đang căng buồm lướt sóng” và sẽ đi tới “bến bờ của sự thành công”.

Nhìn lại nửa năm kể từ ngày quan hệ hai nước sang trang mới, có thể thấy rõ những “thành công” trên nhiều lĩnh vực hợp tác. Trong suốt “Năm Pháp tại Việt Nam 2013” đã diễn ra hơn 150 sự kiện văn hóa, từ triển lãm, di sản, trình diễn âm nhạc đỉnh cao tới các buổi biểu diễn giúp công chúng Việt Nam khám phá các sáng tạo đến từ nước Pháp.

Mới đây, giữa tháng 2/2014, lễ khai mạc chính thức “Năm Việt Nam tại Pháp” đã diễn ra tại nhà hát Chatelet với sự hiện diện của bà Yamina Benguigui, Bộ trưởng Pháp ngữ và ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Đây là hoạt động mở đầu giai đoạn II của chương trình Năm Việt Nam-Pháp 2013-2014. Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2014, hơn 100 sự kiện sẽ liên tục diễn ra tại Pháp để giới thiệu về nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc với nhân dân Pháp.

Đặc biệt, Pháp cam kết hỗ trợ Việt Nam tổ chức Triển lãm “Rồng bay” như sự kiện nổi bật nhất của Năm Việt Nam tại Pháp (2014); xem xét đề nghị hỗ trợ Việt Nam cải tạo, khôi phục cầu Long Biên; hứa tăng số lượng học bổng và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập tại Pháp, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao.

Về mặt kinh tế, Pháp hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 6 của các doanh nghiệp Việt Nam trong số các thị trường thuộc châu Âu. Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, trong năm 2013, giá trị trao đổi thương mại 2 chiều của Việt Nam với Pháp đạt mốc 3,5 tỷ euro, tăng 6% so với năm 2012. Trong đó giá trị xuất khẩu đạt 2,79 tỷ euro, tăng 4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 704 triệu euro, tăng 14,7%.

Chỉ riêng trong tháng 1/2014, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Pháp đạt 214,45 triệu USD với nhiều mặt hàng đa dạng, chủ yếu là điện thoại các loại và linh kiện (trên 89,13 triệu USD, tăng 12,07% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 41,5% tổng trị giá xuất khẩu); giày dép (24,86 triệu USD, tăng 40,81%); dệt may (19,09 triệu USD, tăng 19,83%);  đồ gia dụng, hàng nông-lâm-thủy sản, đồ điện, điện tử, cao su...

Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu sang Pháp có kim ngạch tăng trưởng trong tháng đầu năm 2014 như: cà phê tăng 18,47%; thủy sản tăng 29,68%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 40,54%; hạt điều tăng 93,81%; rau quả tăng 57,69%; sản phẩm từ cao su tăng 62,32%; xuất khẩu hạt tiêu tăng khá mạnh, tăng 405,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về hỗ trợ phát triển, Pháp tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam ở mức cao, ưu tiên cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, an toàn xã hội, giao thông, giáo dục đào tạo, môi trường, năng lượng mới tái tạo và phát triển bền vững; và tăng vốn cho tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội.

Nhìn vào những kết quả trên, chúng ta càng tin tưởng rằng quan hệ Việt-Pháp thực sự “trở thành một biểu tượng của tinh thần dũng cảm khép lại và vượt qua những “chòng chành”, những trang sử đau buồn của quá khứ để xây dựng lòng tin vào nhau - lòng tin chiến lược - cùng hướng tới hòa giải, hòa bình, hữu nghị và phát triển” như đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu tại IFRI cách đây nửa năm.

(theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...

Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Trong các cuộc chiến tranh giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cùng với sử dụng sức mạnh quân sự để đánh bại kẻ thù xâm lược, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ yếu tố chính nghĩa và nhân văn của cuộc chiến tranh đang tiến hành để đánh bại kẻ xâm lược phi nghĩa. Tiếp nối truyền thống đó,...

Không chủ quan với lạm phát

Bình quân 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước ta tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,81%, thấp hơn mức CPI bình quân chung. Những con số này cho thấy diễn biến lạm phát vẫn cơ bản ổn định và trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhiều dự báo cũng cho thấy, giá...

Hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, tiếp tục lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới"*

Cổng Thông tin điện tử trân trọng giới thiệu Diễn văn do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024).

Những hình ảnh ấn tượng tại Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ngay sau lễ mít tinh là chương trình diễu binh, diễu...