Giữ tiếng đàn xưa

Tiếng đàn thánh thót, vang lên giữa thung lũng. Cụ Hà Thị Thân vừa địu đứa cháu nội trên lưng vừa thả hồn theo từng giai điệu nhịp nhàng, mấy ngón tay gảy đàn đưa qua đưa lại uyển chuyển. Cụ Thân là 1 trong 3 người ở bản Mạ 2, thị trấn Khánh Yên (Văn Bàn) biết chơi đàn tính - cây đàn gắn liền với đời sống tâm linh, văn hoá của đồng bào Tày.

Với trí nhớ minh mẫn, cụ Thân kể cho tôi nghe về cây đàn tính. Ngày ấy, bản Mạ 2 có nhiều người biết chơi đàn tính, già có, trẻ có, nam thanh, nữ tú không nhiều thì ít, ai ai cũng bị hấp dẫn bởi tiếng đàn và tìm cách học chơi đàn. Bố cụ Thân cũng là người chơi đàn có tiếng ở vùng này, thường theo phục vụ các đám then. Trong những lần như vậy, cụ Thân được bố cho đi cùng, từ đó âm thanh trầm bổng cùng những câu hát then mượt mà “ngấm dần” trong Hà Thị Thân. Niềm say mê với tiếng đàn của dân tộc lớn dần từ đó. Đến tuổi cập kê, Hà Thị Thân được nhiều chàng trai để mắt tới nhưng tiếng đàn tính cùng những lời tỏ tình ấm áp mà chàng trai cùng bản trao gửi khiến Thân xao lòng. Lấy chồng, Hà Thị Thân được chỉ dạy thêm về cách chơi đàn, các bí quyết để tiếng đàn vang vọng, đắm say.

Cụ Thân chia sẻ: Ngày đó, dù biết khá nhiều về đàn tính, nhưng chưa bao giờ đánh đàn trong các ngày hội, chỉ đánh đàn trong gia đình cho con, cháu nghe hoặc để thư giãn tinh thần. Gần 20 năm nay, không hiểu nguyên do gì, tiếng đàn cứ thôi thúc, sục sôi trong lòng. Mỗi khi bản làng có hội, cụ mang đàn ra chơi, hoà cùng điệu múa hay lời hát nôm da diết, lúc rảnh rỗi, cụ mang đàn ra gảy như là cách để cửa nhà bớt hiu quạnh, vắng vẻ.

Cụ bảo: Làm đàn tính dễ mà khó, khó mà dễ. Người làm đàn khéo tay chưa đủ, mà còn phải có tâm. Đàn có cấu tạo khá đơn giản và được làm từ những vật dụng sẵn có, nhưng đòi hỏi ở người thợ sự kỳ công. Bầu đàn được làm từ quả bầu khô đã khoét ruột; một thanh gỗ chắc, nhẹ được chọn để chế tác cần đàn, còn dây đàn là những sợi tơ tằm. Để tiếng đàn vang vọng thì công đoạn làm bầu đàn rất quan trọng, nhưng để có tiếng đàn “ngọt” thì dây đàn làm từ sợi tơ tằm là lựa chọn số một. Mỗi công đoạn đều có vai trò nhất định. Làm đàn không khó nhưng để có đàn hay, đàn tốt thì không phải ai cũng làm được.



Ông La Văn Mong bên cây đàn tính thân thuộc.

Ông La Văn Mong là người thứ hai biết chơi đàn tính ở bản Mạ 2. Ở gian phòng rộng, người đàn ông chừng 50 tuổi đưa mình theo từng nhịp đàn, kế bên, các vị khách say sưa thưởng thức những âm thanh dịu, ngọt. Hỏi ra mới biết, hôm nay, những thành viên trong Câu lạc bộ khắp nôm của thị trấn tập trung ở nhà ông để luyện tập. Trước khi vào việc chính, chủ nhà đãi khách bằng một bản nhạc đặc biệt như vậy. Ông Mong được dân bản gọi là “con nhà nòi” về chơi đàn tính, bởi các cụ thân sinh đều là những người hát then nổi tiếng.

Ngày nhỏ, ông thường theo cha mẹ đến các đám hát then. Người cha thấy con trai say mê tiếng đàn, nên đã sắm cho con một cây đàn tính. Chính vì sự ưu ái đó, nên ngay từ lúc 10 tuổi, ông Mong đã biết đánh đàn tính, dù đó chỉ là những tiếng đàn đơn lẻ, không theo vần điệu. Với sự chỉ dẫn của cha, theo thời gian, tiếng đàn của ông Mong “trưởng thành” dần và những hiểu biết về cây đàn cũng dày thêm qua năm tháng.

Ông bảo: Ngoài việc sử dụng trong các ngày hội, giải trí đơn thuần thì đàn tính còn là vật dụng thiêng dùng trong các dịp cúng lễ. Mỗi lần sử dụng cây đàn này phải có lễ vật dâng cúng, xin tổ tiên cho phép và chỉ được dùng để phục vụ các ông then, bà then làm lễ. Dứt lời, ông đưa tay cầm cây đàn của mình và gảy cho chúng tôi nghe một đoạn trong bản nhạc “Khảm thuông” (được dùng trong lễ giải hạn cho người già từ 50 tuổi trở lên). Tiếng đàn réo rắt, dìu dặt với những giai điệu lạ. Giải thích điều này, ông Mong cho biết thêm: Nếu đàn tính dùng trong ngày hội, dịp vui chơi thì người chơi đàn có thể tự sáng tác theo cảm nhận bản thân hoặc dựa theo nhịp bài hát quen thuộc. Riêng dùng khi lễ, phải tuân thủ nghiêm ngặt các nhịp do cha ông truyền lại. Không có một sách vở nào ghi lại những nhịp này, người học chỉ có một cách là tự ghi nhớ.

Ngày nay, ở bản Mạ 2, ngoài ông Mong, cụ Thân thì chỉ còn ông Sầm Tiến Dụng là biết cách chơi đàn tính. Mong ước của họ được truyền dạy cách chơi đàn tính cho con trẻ, để sau này tiếng đàn tính của dân tộc sẽ còn vang vọng mãi./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai