Lễ thượng cờ Tổ quốc trên 2 tàu ngầm Kilo Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Sáng ngày 3/4, tại Khánh Hòa, Quân chủng Hải quân tổ chức Lễ thượng cờ cấp quốc gia tàu ngầm HQ-182 mang tên Hà Nội và HQ-183 mang tên TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu sự ra đời, chính thức đi vào hoạt động bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của Lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên.
 
Cờ Tổ quốc tung bay trên tàu ngầm HQ-182 Hà Nội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Quốc kỳ để giương lên hai tàu ngầm hiện đại HQ-182 mang tên Hà Nội và tàu HQ-183 mang tên TP. Hồ Chí Minh.
 
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân trao cờ Hải quân cho 2 tàu ngầm đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
Ngày 31/12/2013, tàu ngầm Kilo đầu tiên mang tên “HQ182 Hà Nội” đã được phía Nga bàn giao cho Việt Nam về tới cảng Cam Ranh. Ngày 19/3, tàu vận tải siêu trọng Rolldock Star (Hà Lan) chở theo tàu ngầm thứ 2 của Việt Nam mang tên “HQ 183 TP Hồ Chí Minh” cũng đã về đến vịnh Cam Ranh. Đây là 2 tàu ngầm lớp Kilo 636 đầu tiên  trong tổng số 6 chiếc được Việt Nam đặt mua của Nga theo hợp đồng ký kết vào năm 2009. Tàu ngầm Kilo 636 mà Nga đóng cho Việt Nam là tàu ngầm thuộc thế hệ thứ 3, có lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, hoạt động bình thường dưới độ sâu 300m, tối đa 350m, khả năng hành trình liên tục trên biển 45 ngày, thủy thủ đoàn 52 người. Bên cạnh đó, tàu ngầm Kilo 636 nổi tiếng với khả năng hoạt động êm, khó bị phát hiện, được trang bị vũ khí thuộc loại hiện đại nhất hiện nay nên có biệt danh là “hố đen” trong lòng đại dương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là một sự kiện đánh dấu bước phát triển mới đặc biệt quan trọng của Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng, của QĐND Việt Nam nói chung.
 
Thủ tướng nói: " Dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là quy luật có ý nghĩa sống còn trong suốt tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc ta, đất nước ta. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp, nghĩa vụ thiêng liêng của các thế hệ người Việt Nam chúng ta. Đảng và Nhà nước ta luôn thấu suốt, kiên định và thực hiện nhất quán, biện chứng, hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược này, phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong bối cảnh thế giới và khu vực cả trước mắt cũng như lâu dài, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải chung sức, chung lòng bằng sức mạnh tổng hợp của cả nước ra sức xây dựng và bảo vệ bằng được độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Là một quốc gia chịu nhiều đau thương mất mát của các cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, chúng ta khát khao mong muốn hòa bình để xây dựng đất nước, để cải thiện đời sống và chăm lo hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng hòa bình không thể chỉ khát khao mong muốn mà có, chúng ta phải mạnh lên về mọi mặt, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc, keo sơn, chỉ có như vậy chúng ta mới giữ được hòa bình, mới bảo vệ được vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Với tinh thần đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng cùng với phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội, tập trung sức phát triển quân đội nhân dân, công an nhân dân vững mạnh toàn diện, cách mạng, chính qui, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó phải đi thẳng, đi nhanh vào xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại lực lượng hải quân, không quân, tên lửa và những lực lượng quan trọng khác để quân đội nhân dân và công an nhân dân của chúng ta có sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo đảm hòa bình, trong phòng thủ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
 
Nhân đây, một lần nữa chúng ta khẳng định đường lối quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ, chúng ta hiện đại hóa quân đội là để phòng thủ, để bảo vệ Tổ quốc, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
 
 
 
Thủ tướng khẳng định: “chúng ta rất phấn khởi, tự hào về truyền thống tốt đẹp, anh hùng và bước phát triển mới vượt bậc của quân đội nhân dân, hải quân nhân dân-một Quân chủng với các đơn vị tàu mặt nước có sức chiến đấu cao gồm tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa, tàu phóng ngư lôi, tàu pháo, tàu tuần tiễu, tàu săn ngầm, tàu quét mìn, tàu đổ bộ, tàu vận tải, tàu quân y..., cùng với Cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư và các lực lượng khác như xe tăng thiết giáp của Hải quân, không quân của Hải quân, tên lửa bờ đối hải hiện đại của Hải quân, lực lượng thông tin radar của Hải quân, lính thủy đánh bộ, lực lượng đặc công nước và lực lượng phòng thủ đảo của Hải quân. Đặc biệt hôm nay chúng ta thực sự vui mừng chứng kiến sự ra đời, chính thức đi vào hoạt động bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của Lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên có uy lực chiến đấu cao của Hải quân nhân dân Việt Nam với 2 tàu ngầm hiện đại HQ 182 Hà Nội và HQ 183 TP. Hồ Chí Minh và trong thời gian sắp tới sẽ có thêm 4 tàu ngầm hiện đại nữa gia nhập vào đội hình của Lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam, đó là các tàu ngầm mang tên: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bà Rịa-Vũng Tàu”.
 
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ chân thành cảm ơn các nước anh em, bạn bè quốc tế, đặc biệt là Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Nga Medvedev, Chính phủ LB Nga, Bộ Quốc phòng và các bạn Nga đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ giúp đỡ quý báu trong tiến trình hiện đại hóa QĐND Việt Nam, Hải quân nhân dân Việt Nam.

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến kiểm tra công tác huấn luyện, trực ban sẵn sàng chiến đấu tại một số đơn vị tại quân cảng Cam Ranh./.
(theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Infographics: Chương trình hành động của Chính phủ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Chính phủ ban hành Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào

Sáng 26/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào sang Việt Nam dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn...

Xuất khẩu phục hồi tích cực

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong sáu tháng đầu năm là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực, ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Có được kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương cũng như sự...

Chủ tịch nước Tô Lâm: Các gia đình chính sách phải luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), chiều 22/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc với nhiều dấu ấn nâng tầm đối ngoại Việt Nam

Đối ngoại là một trong những lĩnh vực in đậm nhiều dấu ấn nổi bật của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đồng chí trên cương vị Tổng Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị về xây dựng, hoàn thiện đường lối...

Đường lối 'ngoại giao cây tre' – Bài học quý, có ý nghĩa giá trị thực tiễn sâu sắc

Có thể khẳng định, tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối “ngoại giao cây tre” là một bước đi chiến lược, rất đúng đắn, sáng tạo trong việc lãnh đạo thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đường lối ngoại giao này thực sự đóng một vai trò quan trọng nhằm giúp Việt Nam...