Di tích Cổ Loa đón nhận Bằng Di tích quốc gia đặc biệt

Việc công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, đã một lần nữa khẳng định giá trị quần thể di tích kinh thành Cổ Loa từ giá trị vật thể đến giá trị phi vật thể là di sản quý báu của quốc gia, phải được gìn giữ để mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo UBND TP Hà Nội - Ảnh VGP/Từ Lương


Ngày 14/2 (mùng 5 Tết), trong không khí đón chào xuân mới, UBND thành phố Hà Nội, cùng nhân dân xã Cổ Loa, huyện Đông Anh đã tổ chức đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt, Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ di tích Cổ Loa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, các Bộ, ngành Trung ương và bà Katherine Muller Marin – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam tham dự.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương dâng hương Đền thờ An Dương Vương - Ảnh VGP/Từ Lương

Theo lịch sử, thành Cổ Loa xuất hiện  vào năm 208 trước Công nguyên, sau khi thống nhất hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt, lập nên nhà nước Âu Lạc, An Dương Vương đã quyết định chọn vùng đất này để lập kinh đô, xây thành Cổ Loa (thành Ốc, Tư Long thành, Loa thành) với vai trò là quân thành, đô thành và thị thành.

Hiện nay, di tích có phạm vi quy hoạch bảo tồn là 830 ha. Khu vực Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích (trong đó có 7 di tích cấp quốc gia), bao gồm các loại hình: di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, cách mạng, di chỉ khảo cổ học.

Trong lòng đất của Cổ Loa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và khảo cổ học vô cùng đặc biệt và phong phú, điều đó cho thấy sự phát triển liên tục của nền văn minh sông Hồng.

Di tích Cổ Loa là 1 trong 10 di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ngày 27/9/2012.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Việc công nhận Cổ Loa là di tích quốc gia đặc biệt không những khẳng định giá trị hào hùng của di tích lịch sử Cổ Loa mà còn khẳng định những giá trị văn hoá ở nơi đây… Có thể thấy Cổ Loa đã giữ vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử lập nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta. Lễ hội Cổ Loa hàng năm cho thấy sự gắn kết chặt chẽ của cộng đồng dân cư vùng thành Cổ Loa với vị vua đầu tiên người đã trở thành vị thần bảo trợ cho đời sống tinh thần cho muôn đời con cháu”.

 

Các tiết mục nghệ thuật chào mừng việc trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt cho di tích Cổ Loa - Ảnh VGP/Từ Lương

Với việc công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, đã một lần nữa khẳng định giá trị quần thể di tích kinh thành Cổ Loa từ giá trị vật thể đến giá trị phi vật thể là di sản quý báu của quốc gia, phải được gìn giữ để mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố Hà Nội cần phát huy tối đa giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của di tích để giới thiệu, quảng bá, đưa di tích quốc gia đặc biệt trở thành điểm đến hấp dẫn của bản đồ du lịch Thủ đô. Bên cạnh đó, Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa phải trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống đối với giới trẻ và cũng là nơi để bạn bè quốc tế tìm hiểu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Được biết, trong thời gian tới, khu di tích Cổ Loa sẽ được UBND TP Hà Nội đầu tư xây dựng thành “Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn” của Thủ đô rộng khoảng 860 ha.

 

Thành Cổ Loa có diện tích gần 46ha, gồm 3 vòng thành (thành Nội, thành Trung, thành Ngoại) khép kín, đắp bằng đất, với tổng chiều dài trên 16 km. Khu di tích đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia từ năm 1962.

Trong hơn 40 năm qua, các nhà khảo cổ học đã tiến hành 3 đợt khai quật khảo cổ quy mô lớn tại khu vực này (1970, 2005, 2007 – 2008). Kết quả khai quật cho thấy, trong lịch sử thành Cổ Loa đã trải qua ít nhất 3 lần đắp, mà dấu tích liên quan còn được biểu hiện qua các di tích: lũy phòng thủ, di tích bếp, cụm gốm Đông Sơn, lò nung gạch, ngói có niên đại thế kỷ XVIII - XIX... 


(theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Infographics: Chương trình hành động của Chính phủ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Chính phủ ban hành Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào

Sáng 26/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào sang Việt Nam dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn...

Xuất khẩu phục hồi tích cực

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong sáu tháng đầu năm là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực, ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Có được kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương cũng như sự...

Chủ tịch nước Tô Lâm: Các gia đình chính sách phải luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), chiều 22/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc với nhiều dấu ấn nâng tầm đối ngoại Việt Nam

Đối ngoại là một trong những lĩnh vực in đậm nhiều dấu ấn nổi bật của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đồng chí trên cương vị Tổng Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị về xây dựng, hoàn thiện đường lối...

Đường lối 'ngoại giao cây tre' – Bài học quý, có ý nghĩa giá trị thực tiễn sâu sắc

Có thể khẳng định, tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối “ngoại giao cây tre” là một bước đi chiến lược, rất đúng đắn, sáng tạo trong việc lãnh đạo thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đường lối ngoại giao này thực sự đóng một vai trò quan trọng nhằm giúp Việt Nam...