Một đời giữ tiếng khèn Mông

Với người Mông, khèn là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, bản sắc của dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn huyện Sa Pa có 10 nghệ nhân chế tạo khèn, trong đó có nghệ nhân Sùng A Sình, năm nay đã 85 tuổi, ở thôn Sử Pán 2, xã Sử Pán. Ông đã dành cả cuộc đời để gìn giữ và sáng tạo kỹ năng chế tác nhạc cụ này một cách công phu, chuẩn xác.

Nghệ nhân Sùng A Sình chế tác khèn.

Từ trung tâm xã Sử Pán, leo dốc khoảng 30 phút, chúng tôi đến được nhà nghệ nhân Sùng A Sình. Trong căn nhà gỗ nhỏ, ông Sình đang say mê chế tạo khèn. Sự cần mẫn, mê say, tập trung cao độ với công việc của ông làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên và thán phục.

Ông Sùng A Sình cho biết: Theo truyền thuyết của người Mông, sau khi chết, mỗi người sẽ được tiếng khèn đưa linh hồn lên thiên đàng cùng tổ tiên. Bởi vậy, năm 15 tuổi, nghệ nhân Sùng A Sình đã theo học cách làm khèn. Ông miệt mài học hỏi, nghiên cứu để gắn bó với nghề làm khèn gần như suốt đời. Ông say sưa kể chuyện về cách thổi khèn và nghề làm khèn của mình. Qua câu chuyện, chúng tôi có thể cảm nhận được say mê cũng như những khó khăn và nỗi niềm về tương lai của nghề làm khèn.

Để làm được cây khèn như ý, phải rất kỳ công và qua nhiều công đoạn mới có thể tạo ra được. Làm khèn đòi hỏi kỹ thuật rất công phu, tỉ mỉ. Bầu khèn làm bằng gỗ pơ mu, sau đó bổ đôi, khoét rỗng bên trong và lắp lưỡi đồng. 6 ống nốt là những cây sạp mọc ở độ cao từ 1.700 - 2.500 m, để khô mới tiện lỗ. Vỏ cây mận rừng dùng làm dây cuốn quanh thân khèn.

Sau 3 năm miệt mài chế tác, khèn của nghệ nhân Sùng A Sình đã được đông đảo đồng bào Mông trên địa bàn huyện Sa Pa biết đến và tìm mua. Đối với ông, điều quan trọng nhất của nghề là phải giữ được cái tâm. Bởi vậy, sản phẩm của nghệ nhân luôn được chế tạo tỉ mỉ, cẩn thận. Ông không bao giờ bày bán sản phẩm của mình tràn lan trên thị trường mà chỉ bán cho những người yêu khèn.

Nghệ nhân Sùng A Sình cho biết: Công đoạn khó nhất khi làm khèn là lưỡi khèn bằng đồng phải thật mỏng, lưỡi đồng khi lắp phải khít với bầu khèn và 6 ống nốt, có vậy khèn mới đều tiếng, độ rung tốt, không tốn hơi. Đặc biệt, khi khoét, các ống nốt phải thật tròn, kín không hở hơi, thậm chí để nước không chảy ra được thì âm thanh mới tròn, vang. Chỉ cần làm sai một chi tiết là mất giá trị của khèn. Tôi đã dạy được một số học trò giỏi. Bây giờ, tôi mong muốn dạy được nhiều học trò yêu nghề để truyền lại những kinh nghiệm, kỹ năng đã dành cả đời mới có được.

Đến nay, nghệ nhân Sùng A Sình đã gắn bó 69 năm với nghề, bởi vậy, mọi người đều coi ông là bậc thầy trong nghề chế tạo khèn. Trung bình 4 ngày, nghệ nhân Sùng A Sình làm xong 1 cây khèn. Khèn của ông được bán với 2 loại giá, khèn ngắn giá gần 1 triệu đồng, khèn dài giá trên 1 triệu đồng. Mặc dù, giá khèn của ông chênh lệch hơn so với khèn được bán trên thị trường nhưng những người yêu khèn vẫn tìm đến ông. Nhờ có nghề làm khèn, gia đình ông có thêm thu nhập, góp phần cải thiện cuộc sống. Nhưng điều đó không quá quan trọng, bởi với ông, làm khèn là để việc lưu truyền và giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc Mông./.

(Theo báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai