Công nghiệp vũ trụ Việt Nam: Những thành công đầu tiên và hy vọng

Mặc dù công nghệ vệ tinh của Việt Nam phát triển chậm khoảng 30 - 40 năm so với các nước trên thế giới, nhưng lĩnh vực này đã có những bước đi thành công đầu tiên sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”.
 
Nhân kỷ niệm 35 năm chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam, phóng viên Báo điện tử Chính phủ phỏng vấn PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia (VNSC) xung quanh câu chuyện phát triển và ứng dụng thành tựu của công nghệ vũ trụ tại Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Anh Tuấn cho hay năm 1978, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm tới phát triển công nghiệp vũ trụ, khởi đầu là việc quyết định tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam được thực hiện vào ngày 23/7/1980 và phi công Phạm Tuân trở thành người Việt Nam và cũng là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” vào tháng 6/2006, công nghệ vệ tinh của Việt Nam cũng đã có những bước tiến nổi bật. Cụ thể là Trung tâm Vệ tinh Quốc gia đã được thành lập, các dự án phóng vệ tinh viễn thông Vinasat 1, Vinasat 2, các vệ tinh quan sát Trái đất VNREDSat-1, VNREDSat-1B… được phê duyệt và tiến hành.

Đặc biệt, Dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã được chính thức khởi công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam trong 35 năm qua. Trung tâm là nơi sản xuất các vệ tinh nhỏ phục vụ nhu cầu dự báo thời tiết, giám sát, thăm dò, tìm kiếm cứu nạn, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường…

Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được triển khai trên diện tích gần 9 ha với nguồn đầu tư 54 tỉ Yên từ vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ đang triển khai đúng tiến độ. Khi hoàn thành vào năm 2017, Việt Nam sẽ có Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á.

Phóng viên: Trung tâm Vệ tinh Quốc gia là tổ chức sự nghiệp khoa học đầu tiên của Việt Nam đi sâu vào lĩnh vực công nghệ vệ tinh. Xin ông cho biết Trung tâm đảm trách những nhiệm vụ quan trọng nào?

PGS.TS. Phạm Anh Tuấn: Để phát triển ngành công nghiệp vũ trụ tại Việt Nam, đưa nước ta trở thành một trong những nước dẫn đầu về công nghiệp vũ trụ trong khu vực, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia sẽ phát triển thành 4 trung tâm lớn, bao gồm: Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Trung tâm Phát triển nhân lực và Chuyển giao công nghệ vũ trụ, Đài thiên văn Nha Trang và Trung tâm Ứng dụng công nghệ vũ trụ thành phố Hồ Chí Minh.

Một trong những mục tiêu chính của Chiến lược Công nghệ vũ trụ Việt Nam đến năm 2020 là chúng ta sẽ hoàn toàn tự chủ trong việc chế tạo vệ tinh nhỏ, quan sát Trái đất. Đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra với Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Chỉ khi đầu tư đồng bộ như thế này, chúng ta mới có thể tự thiết kế, chế tạo vệ tinh được. Khi có vệ tinh, chúng ta sẽ chủ động mọi việc như ứng dụng ảnh vệ tinh vào các lĩnh vực đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu thứ hai của Trung tâm là xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, thảm họa môi trường; dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; nghiên cứu và ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện nay, muốn chụp ảnh khu vực nào chúng ta phải đặt hàng các nước phát triển và nhanh nhất là hơn 2 ngày sau mới nhận được. Còn nếu chúng ta có vệ tinh, mọi việc sẽ được hoàn tất trong vòng 6 - 12 tiếng đồng hồ.

Mục tiêu thứ ba của Trung tâm là đào tạo được đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, am hiểu tận gốc về các công nghệ cần thiết. Chúng tôi đã có kế hoạch cử gần 100 cán bộ sang Nhật Bản để đào tạo một cách chính quy về công nghệ vệ tinh, ứng dụng và quản lý. Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi luôn đặt trọng tâm vào sự đồng bộ giữa 3 thành phần chính là kỹ thuật, công nghệ và nguồn nhân lực.

Ngoài ra, Trung tâm còn nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vệ tinh vào các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai, nghiên cứu ứng dụng về quản lý rừng khu vực Sơn La, Hòa Bình, Tây Nguyên, nghiên cứu về tình trạng lở đất tại Hòa Bình.

Phóng viên: Thưa ông, như vậy, việc ứng dụng công nghệ vệ tinh vào công tác giám sát tài nguyên, cảnh báo sớm để hạn chế tác động xấu của biến đổi khí hậu... là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia?

PGS.TS. Phạm Anh Tuấn: Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới. Theo thống kê, hằng năm, thiệt hại do thiên tai và thảm họa do con người ước tính 1,5 tỉ USD, chiếm tới 1,5% GDP của Việt Nam. Nếu ứng dụng hiệu quả công nghệ vệ tinh, thông báo sớm để phòng tránh kịp thời thảm họa thiên tai thì chỉ cần khắc phục được 10% thảm họa đã mang lại lợi ích 150 triệu USD/năm. Đấy là lợi ích kinh tế - xã hội mà chúng ta có thể tính toán được.

Để góp phần giải quyết được điều này, trước mắt cần phải thiết lập và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thu nhận liên tục dữ liệu viễn thám vệ tinh để giám sát các thảm họa tự nhiên, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường... Do đó, phát triển công nghệ vệ tinh thông qua việc phát triển và ứng dụng dữ liệu vệ tinh cần là mục tiêu ưu tiêu của Việt Nam.

Theo lộ trình phát triển vệ tinh do Việt Nam sản xuất, sau khi phóng thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1 kg) vào năm 2013, Việt Nam sẽ tiếp tục phóng vệ tinh NanoDragon (10 kg) dự kiến vào đầu năm 2017. Sau đó là MicroDragon (50 kg) sẽ vào vũ trụ theo kế hoạch năm 2018. Năm 2020, Việt Nam đủ khả năng thiết kế, chế tạo và đưa vào hoạt động vệ tinh thương mại LOTUSat 2 (trọng lượng 500 kg).

Thời gian tới, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia còn định hướng phát triển các lĩnh vực ứng dụng công nghệ vệ tinh như: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh ở hai lĩnh vực chính là quản lý các phương tiện giao thông, quản lý hàng hóa; quản lý tàu thuyền và triển khai các nhiệm vụ, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS gắn với viễn thám… Đặc biệt, Trung tâm sẽ chú trọng hợp tác và trao đổi dữ liệu ảnh với các nước trên thế giới nhằm triển khai các dự án ứng dụng trên phạm vi khu vực và trên thế giới.

Phóng viên: Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có hoạt động vệ tinh được thương mại hóa?

PGS.TS Phạm Anh Tuấn: Theo đà phát triển, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có vệ tinh LOTUSat2 (vệ tinh thương mại) có thể sản xuất ảnh vệ tinh cho dịch vụ bán ảnh ra thế giới. Chiến lược của chúng ta là tự làm chủ được công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất. Đấy là cái mốc để hoàn thành bước đầu chiến lược sản xuất vệ tinh của Việt Nam. Tất cả các vệ tinh trước (pico, nano, micro…) là cả quá trình học tập và nắm được công nghệ, chỉ duy nhất LOTUSat 2 là hoàn toàn lắp ráp tại Việt Nam.

Phóng viên: Công nghệ có thể chuyển giao từ nước ngoài nhưng đội ngũ nhân lực đủ trình độ để làm chủ công nghệ, ứng dụng thành công có phải là một thách thức lớn cho ngành công nghiệp vũ trụ, thưa ông?

PGS.TS. Phạm Anh Tuấn: Hiện nay, Việt Nam còn gặp khó khăn về nguồn nhân lực cho ngành công nghệ vũ trụ. Theo tôi, để ngành công nghệ vũ trụ đạt mục tiêu là ngành công nghệ mũi nhọn, cần phải có cơ chế đãi ngộ đặc thù. Chúng ta chưa có đại học nào đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ, nếu có thì chỉ là những đơn vị đào tạo liên kết với nước ngoài. Để khắc phục tình trạng này, hiện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã chủ động đào tạo nguồn nhân lực với việc cử đi học bậc thạc sĩ tại Nhật Bản cũng như liên kết đào tạo ở trong nước. Tính đến nay, đã có 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ được đào tạo tại Nhật Bản bằng nguồn ngân sách Dự án công nghệ vũ trụ quốc gia.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng liên kết với Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành vũ trụ và ứng dụng, hợp tác với Đại học Công nghệ Hà Nội đào tạo kỹ sư công nghệ vũ trụ./.
Theo Phương Liên/chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước...

Bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tôn giáo

Thời gian qua, Việt Nam tiếp tục có nhiều nỗ lực nhằm bảo đảm quyền con người, trong đó luôn quan tâm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm ra hướng đi chung, xóa bỏ những định kiến, cách nhìn nhận, đánh giá không chính xác...

10 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam - nền kinh tế thành công của thế kỷ 21

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc kiêm Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital nhận định, kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, mặc dù vẫn còn nhiều thách thức. Ông tin rằng đất nước có thể làm tốt hơn nữa trong việc quảng bá hình ảnh và truyền tải thông điệp thành công ra thế giới.

Sáng tạo số vì mục tiêu phát triển bền vững

Đó là chủ đề Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin Thế giới – ngày 17/5 năm 2024.

Việt Nam cam kết mạnh mẽ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

Khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính công, củng cố dân chủ ở cơ sở, cũng như thực hiện các nghĩa vụ trong khuôn khổ các điều ước quốc tế về...