Chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Sau 4 năm thực hiện Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, với sự quyết tâm, đồng lòng của cán bộ và nhân dân, phong trào thi đua đã đạt được những kết quả tích cực, diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc.

Đường mới đã mở

Ngay từ những năm đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), phong trào làm đường giao thông nông thôn đã phát triển rộng khắp trên tất cả các xã trong tỉnh. Nhân dân hiến đất, thi đua góp công sức, mua sắm máy móc, đóng góp vật liệu để làm đường giao thông.
 

Người dân Si Ma Cai góp sức làm đường giao thông nông thôn.

Năm 2012, chúng tôi có dịp về xã Xuân Quang (Bảo Thắng) đúng vào ngày chính quyền địa phương nơi đây tổ chức phát động Phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và khởi công tuyến đường bê tông thôn Làng Gạo. Đây là thôn đầu tiên trên địa bàn huyện Bảo Thắng đổ bê tông tuyến đường nội thôn. Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã có mặt tại địa điểm khởi công để chờ đón sự kiện đáng nhớ này. Có lẽ với người dân thôn Làng Gạo cũng như nhiều người dân các xã trên địa bàn tỉnh khi ấy, nông thôn mới đồng nghĩa với con đường mới. Sau ngày khởi công ở Làng Gạo, cả xã Xuân Quang như một công trường lớn và đến nay, các tuyến đường bê tông đã len lỏi khắp thôn, bản, ngõ xóm.

Nhưng nếu muốn nói phong trào làm đường giao thông ở đâu ấn tượng nhất, có lẽ nhiều người sẽ chọn huyện vùng cao Si Ma Cai. Là huyện khó khăn nhất tỉnh, giao thông nông thôn là một trong những trở ngại lớn nhất để Si Ma Cai tiến kịp các vùng khác. Trước đây vào mùa thu hoạch ngô, nông dân các xã: Mản Thẩn, Sín Chéng, Thào Chư Phìn phải dùng ngựa thồ từng bao ngô ra tận trung tâm huyện bán, nếu có tư thương vào thu mua, nông dân cũng thường xuyên bị ép giá. Nhưng nay thì xe ôtô vào tận chân đồi thu mua, nhiều nông dân còn mua xe tải nhỏ làm dịch vụ vận tải cho bà con trong thôn.

Tại xã Mản Thẩn, tuyến đường đi thôn Hoàng Thu Phố chuẩn bị khởi công là tuyến liên thôn cuối cùng của xã được đổ bê tông. Ngay từ khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Mản Thẩn đã là một trong những xã luôn đi đầu trong phong trào này. Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã đổ bê tông được 14,34 km đường liên thôn. Hiện, đường đến 7/7 thôn, bản trên địa bàn xã đều đã được đổ bê tông.

Phó Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn Lừu Quang Vinh chia sẻ: Từ tuyến đường đầu tiên đi thôn Sảng Mản Thẩn, đến tuyến đường đi Hoàng Thu Phố đang thực hiện, xã chỉ có một kinh nghiệm để thành công đó là huy động sức dân cùng tham gia.

Anh Lưu Đình Hạnh, Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Si Ma Cai cho biết: Trong 4 năm qua, triển khai chương trình làm đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Si Ma Cai đã hoàn thành 125 km đường bê tông, rải cấp phối 104 km.

Không quá khi nói rằng giao thông nông thôn chính là chìa khóa mở ra những đổi thay rõ nét nhất đang hiện hữu ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhờ có đường giao thông thuận lợi, nhân dân các địa phương có điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế, từ đó, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Giai đoạn 2011 - 2014, toàn tỉnh thực hiện được 1.934,97 km đường giao thông nông thôn, đạt 85,85% kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, đổ bê tông xi-măng 1.113,88 km (đạt 86,88% kế hoạch), cấp phối 325,78 km (đạt 68,8% kế hoạch), mở mới 495,31 km (đạt 99,73% kế hoạch). So với chuẩn nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 11/144 xã hoàn thành tiêu chí giao thông.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Cùng với làm đường giao thông nông thôn, phong trào thi đua phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân cũng được tích cực triển khai ở các địa phương.



Cây chè bước đầu mang lại hiệu quả ở vùng cao Tả Phời (thành phố Lào Cai).

Hết năm 2014, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) hoàn thành thêm 4 tiêu chí giao thông, thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa, hộ nghèo, nâng tổng số tiêu chí đã đạt 17/19 tiêu chí và trong năm nay, Tả Phời sẽ là xã tiếp theo của tỉnh về đích nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phời Vi Hồng Liêu cho biết: Thu nhập và hộ nghèo là hai tiêu chí khó thực hiện nhất và nó trở thành nút thắt ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện các tiêu chí khác. Để tháo gỡ nút thắt này, Tả Phời xác định phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vận động nhân dân thi đua phát triển sản xuất. Nhiều giải pháp cụ thể, như đẩy mạnh thực hiện tăng vụ, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân đã mang lại những đổi thay tích cực. Diện tích tăng vụ từ 80 ha (năm 2010) lên 100 ha (năm 2014), giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích từ 35 triệu đồng lên 46 triệu đồng năm 2014.

Tả Phời đã xây dựng và duy trì 2 mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, đó là cây chè (77 ha) và cây lê (80 ha) tại các thôn vùng cao, bước đầu đã cho thu hoạch. Cùng với đó, mô hình nuôi cá nước lạnh, chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản chuyên canh đang được quan tâm phát triển có hiệu quả tại các thôn. Các tổ hợp tác như tổ thủy lợi, tổ vay vốn hoạt động tốt, trở thành đầu mối liên kết giữa các hộ sản xuất nông nghiệp...

Những kết quả đó góp phần nâng thu nhập bình quân của xã Tả Phời năm 2014 lên 16,8 triệu đồng/người, hiện xã đang tiếp tục phấn đấu nâng lên 18 triệu đồng/người (năm 2015).

Cũng như Tả Phời, tại các xã: Vạn Hòa, Cam Đường, Đồng Tuyển, Hợp Thành, thành phố Lào Cai đã tập trung chỉ đạo phát triển các cây trồng mới, chú trọng sản xuất tăng vụ trên đất ruộng ở 2 xã vùng cao, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi với quy mô tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, duy trì các vùng trồng rau an toàn chuyên canh ở các xã vùng thấp.

Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND về hỗ trợ phát triển sản xuất. Từ đó, diện tích sản xuất tăng vụ trên đất ruộng có sự chuyển biến mạnh, tăng vụ xuân hằng năm đạt từ 130 ha - 150 ha, tăng vụ đông thực hiện được 330 ha; hình thành vùng trồng cây ăn quả ôn đới, duy trì 116 ha rau an toàn; xây dựng 15 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung; mở rộng và phát triển 5 mô hình kinh tế trang trại tổng hợp tại các xã.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở xã Vạn Hòa đạt 22 triệu đồng/năm, xã Cam Đường đạt 25 triệu đồng/năm, xã Đồng Tuyển đạt 25,62 triệu đồng/năm, xã Hợp Thành đạt 18,69 triệu đồng/năm.

Tổng hợp từ Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh cho thấy, bình quân thu nhập đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2014 ước đạt 13,2 triệu đồng/năm, tăng so với năm 2010 là 5,55 triệu đồng/người. Đến nay, toàn tỉnh có 27/144 xã hoàn thành tiêu chí thu nhập, tăng 19 xã so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn năm 2014 còn 25%, giảm 28,4% so với năm 2010. Toàn tỉnh có 25/144 xã hoàn thành tiêu chí hộ nghèo.

Xây dựng đường giao thông nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác chỉ là hai trong số nhiều nội dung trọng tâm của Phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” do UBND tỉnh phát động.

Các nội dung khác như: Bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn… cũng đã và đang được đẩy mạnh ở các địa phương, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong khu vực nông thôn, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.

“Chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trên khắp các địa phương. Người dân đoàn kết, đồng tình tham gia ủng hộ xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức nhằm phát huy nội lực, tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội hóa, thu hút sự ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài nước, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới./.
Theo Mạnh Dũng/LCĐT

Tin Liên Quan

Học sinh Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đoạt giải Vàng tại Cuộc thi triển lãm phát minh quốc tế

Hai dự án của Trường THPT số 1 thành phố Lào Cai đoạt giải Vàng tại cuộc thi là: “Bàn tay robot hỗ trợ người khuyết tật chi trên” và “Thiết bị thông minh hỗ trợ người mù”.

Bộ CHQS tỉnh: Nhiều hoạt động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực.

Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 369/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này, Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Lào Cai hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2024

Các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2024 sẽ được diễn ra trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ ngày 15/5 đến 22/5/2024.

[Infographic] 10 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024

Ngày 17/4/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 220-KH/UBND về phát triển kinh tế - xã hội đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai năm 2024, với mục tiêu thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã nghèo; giúp người nghèo cải thiện sinh kế, khơi dậy...

Kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành đạt hơn 46 triệu USD trong 5 ngày nghỉ lễ

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) đạt hơn 46 triệu USD.