10 sự kiện nổi bật năm 2015

Khép lại năm 2015, chúng ta cùng điểm lại 10 sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nổi bật của đất nước trong năm qua.

1. Đại hội Đảng các cấp thành công tốt đẹp

Thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng các cấp sẽ là tiền đề quan trọng 
để tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.


Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm, Đại hội Đảng bộ các cấp đã thành công tốt đẹp. Các đại hội thông qua được Nghị quyết xác định những giải pháp đột phá cho sự phát triển trong những năm tới. Hầu hết các Đại hội đều bầu ra được cấp ủy khóa mới cơ bản theo đúng phương án chuẩn bị và xác định những phương hướng, mục tiêu cụ thể cho nhiệm kỳ tới. Tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ và trúng cử lần đầu tại các cấp ủy lần này đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các đồng chí trúng cấp ủy ngày càng nâng cao.… Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, xác định phương hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bầu ban chấp hành nhiệm kỳ 2015 - 2020 và là tiền đề quan trọng để tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. 

2. Nhiều dấu ấn ngoại giao

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Sao Vàng lên lá cờ truyền thống
 của ngành Ngoại giao Việt Nam.


Năm 2015 diễn ra nhiều sự kiện khu vực và quốc tế quan trọng, năm gặt hái được nhiều thành tựu của ngành ngoại giao Việt Nam. Các hoạt động sôi động và hiệu quả trên tất cả các kênh ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa đã góp phần củng cố quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, nâng cao vị thế của Việt Nam trên khu vực và trên trường quốc tế. 

Năm 2015, ngành Ngoại giao Việt Nam kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. 70 năm qua, ngoại giao Việt Nam đã đạt kết quả rất đáng tự hào. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả châu lục; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với nhiều quốc gia chủ chốt trên thế giới...

20 năm sau ngày Việt Nam gia nhập ASEAN, Việt Nam cùng 9 nước thành viên khác của ASEAN đã chứng kiến Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập vào ngày 31/12/2015. Cũng trên bình diện đa phương, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh nghị viện Thế giới IPU 132 và ra Tuyên bố Hà Nội. Năm 2015, Việt Nam tiếp tục cử sĩ quan tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, coi đây là nhiệm vụ chính trị và ngoại giao quan trọng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

3. Quốc hội đổi mới mạnh mẽ chức năng làm luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII có nhiều dấu ấn nổi trội với việc Quốc hội thông qua số lượng lớn dự án luật, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, và đặc biệt là hoạt động chất vấn có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, hiệu quả. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 16 luật, 15 nghị quyết, cho ý kiến 10 dự án luật. 

Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Việc thông qua các đạo luật có vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nước nhà như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố dụng dân sự (sửa đổi), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Trưng cầu ý dân…; đồng thời, xem xét chuẩn bị ban hành Luật về Hội, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Tiếp cận thông tin… đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tổ chức và hoạt động của Quốc hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.


Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định ngày 22/5/2016 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

4. Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX

  Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX diễn ra trong hai ngày 6 - 7/12, tại Hà Nội 
với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
 

Dự Đại hội có 1.800 đại biểu chính thức là những điển hình tiên tiến, xuất sắc trên các lĩnh vực, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sỹ, Nghệ nhân (Nhân dân, Ưu tú), Chiến sỹ Thi đua toàn quốc, đại diện các tập thể, cá nhân được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước, đại diện các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước được Đảng và Nhà nước khen thưởng trong 5 năm qua. Đây là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên mọi miền của Tổ quốc, đang hàng ngày miệt mài nghiên cứu, công tác, học tập, lao động sản xuất... góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiêu biểu cho phẩm chất anh hùng, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cư��ng của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

5. Đất nước kỷ niệm nhiều ngày lễ trọng đại 

Năm 2015, ​Việt Nam kỷ niệm nhiều ngày lễ trọng đại. 
 

Năm 2015, nước ta kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2); 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5); 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); Kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành Tuyên giáo; Kỷ niệm 250 năm này sinh Đại thi hào Nguyễn Du… Các hoạt động này thêm một lần nữa khơi dậy niềm tự hào, ý chí độc lập dân tộc, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển. 

6. Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng 5 nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, lãnh đạo Ban thường trực Liên minh Kinh tế Á-Âu tại Lễ ký kết Hiệp định thương mại tự do, ngày 29/5/2015, tại Kazakhstan. 
 

Việt Nam kết thúc đàm phán 4 hiệp định tự do thương mại (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và các đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đưa tổng số các FTA mà Việt Nam tham gia lên 14. Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành từ ngày 31/12/2015 sẽ tạo thêm cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. 


7. Tăng trưởng GDP cao nhất trong 5 năm qua 

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn, tăng trưởng GDP cả nước vẫn đạt trên 6,6%, cao nhất trong 5 năm qua (năm 2011 tăng 6,24%; năm 2012 tăng 5,25%; năm 2013 tăng 5,42%; năm 2014 tăng 5,98%) và cao hơn mức 6,2% do Quốc hội đề ra đã cho thấy nền kinh tế có sự phục hồi rõ nét. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế, tăng 0,63% so với năm 2014, đánh dấu mức tăng thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Các con số cho thấy biện pháp ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả trên diện rộng.

Năm 2015, GDP cả nước tăng cao nhất trong 5 năm gần đây 

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cân đối ngân sách còn khó khăn; nợ công tăng; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt như mong muốn. 
 
8. Lần đầu tiên tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia "hai trong một"


Kỳ thi Phổ thông Trung học Quốc gia "hai trong một" lần đầu tiên đã được tổ chức trong năm 2015.
 
Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lần đầu tiên Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia đã được tổ chức trên cơ sở hợp nhất hai kỳ thi: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Theo đó, thí sinh chỉ phải tham dự duy nhất Kỳ thi THPT Quốc gia để công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho việc xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Điều này giúp giảm áp lực cho thí sinh, thu gọn thời gian tổ chức thi, giảm phiền hà, tốn kém cho các gia đình và toàn xã hội, đồng thời góp phần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp, khắc phục tâm lý thi cử nặng nề.

9. Thể thao, du lịch có nhiều khởi sắc

Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 28) Thể thao Việt Nam đã giữ vững vị trí trong nhóm 3 nước dẫn đầu Đại hội với 186 huy chương các loại, trong đó có 73 Huy chương Vàng. Năm 2015 cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều gương mặt vận động viên trẻ xuất sắc, đặc biệt là “cô gái vàng” Nguyễn Thị Ánh Viên. Với thành tích 8 Huy chương Vàng, Ánh Viên là vận động viên giành nhiều Huy chương Vàng cá nhân nhất ở một kỳ SEA Games. Ngoài ra, Ánh Viên còn giành nhiều thành tích như: giành quyền tham dự Olympic 2016 tại Brazil với 3 chuẩn A; Huy chương Bạc và Huy chương Đồng tại Cúp Bơi lội Thế giới tổ chức tại Pháp, Nga... 


 Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) được coi là hang động kỳ vĩ bậc nhất thế giới. 
 
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) lần thứ hai được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới và là Di sản Thiên nhiên Thế giới duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm này đạt 3 tiêu chí  về đa dạng sinh học. Trong số 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam, đây là di sản đầu tiên được UNESCO công nhận tiêu chí về đa dạng sinh học có giá trị nổi bật toàn cầu. Bên cạnh đó, hang Sơn Đoòng và hang Én (Quảng Bình) được ABC News, kênh truyền hình phủ sóng toàn cầu, thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp Good morning America thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế. Sự kiện này sau đó đã tạo ra làn sóng mới hút khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam chiêm ngưỡng hang động kỳ vĩ bậc nhất thế giới và vào “tầm ngắm” trở thành bối cảnh phim cho nhiều hãng phim lớn thế giới. 

10. Đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông
 
Cắt băng khánh thành Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước
 
Nhiều công trình giao thông lớn như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ; đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai... được đưa vào khai thác trong năm 2015 đã tạo đột phá về phát triển hạ tầng. Các công trình này góp phần nâng cao năng lực vận tải, đẩy mạnh giao thương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế vùng miền và đưa kết cấu hạ tầng Việt Nam bắt kịp xu thế hội nhập./.

Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên

Sử dụng chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VNeID

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện.

Tập trung ngăn chặn tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn số 4544/BTTTT-TTra yêu cầu thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề “nóng” được nhân dân quan tâm, thuộc 4 lĩnh vực: Báo chí-xuất bản; thông tin trên mạng; bưu chính - viễn thông; an toàn thông tin.

Thủ tướng: Chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài với trách nhiệm cao nhất

Chiều ngày 27/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Abu Dhabi, trong chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam...