Chương trình Phát triển bền vững của Liên hợp quốc chính thức bắt đầu từ ngày 1/1/2016
Chương trình phát triển bền vững tới năm 2030 sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2016
Trong tuyên bố trước thềm năm mới 2016, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: “17 Mục tiêu Phát triển Bền vững là tầm nhìn của nhân loại mà chúng ta cùng chia sẻ và một hợp đồng xã hội giữa các nhà lãnh đạo thế giới và nhân dân”. Đó là một danh sách các biện pháp cần thực hiện vì lợi ích của hành tinh và các cư dân sống trên đó” – ông Ban nhấn mạnh.
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững được 193 nước thành viên của Liên hợp quốc cùng nhất trí thông qua tại một hội nghị lịch sử, được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu của người dân ở cả những nước phát triển cũng như đang phát triển và nhấn mạnh rằng không có ai bị bỏ ra ngoài lề. Quy mô sâu rộng và đầy tham vọng, chương trình sẽ xem xét 3 khía cạnh của phát triển bền vững là xã hội, kinh tế và môi trường, cũng như các khía cạnh quan trọng liên quan đến hòa bình, công lý và hiệu quả của các tổ chức, thể chế.
Theo đó, mục tiêu đầu tiên được đặt ra đến năm 2030 sẽ xóa nghèo hoàn toàn cho tất cả mọi người ở mọi nơi trên thế giới; và đến năm 2030, sẽ xóa đói và đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, trong đó có trẻ sơ sinh, được tiếp cận với nguồn thức ăn đầy đủ, dinh dưỡng và an toàn trong cả năm (2).
Liên hợp quốc cũng đặt mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS, lao phổi, sốt rét và các bệnh nhiệt đới từng bị lãng quên, chống lại các bệnh về gan, các bệnh liên quan đến nước và các bệnh truyền nhiễm khác (3); cũng như đến năm 2030, tất cả các trẻ em hoàn thành giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở miễn phí, công bằng và chất lượng (4) và xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi, đồng thời loại bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực công cộng và tư nhân (5).
Ngoài ra, 2030 cũng là năm Liên hợp quốc hướng tới bảo đảm việc tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người (6); đồng thời bảo đảm việc tiếp cận năng lượng với chi phí hợp lý (7).
Để làm được điều này, các nhà lãnh đạo thế giới cùng thống nhất chú trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm và công việc tốt cho tất cả mọi người (8); xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa và bền vững, khuyến khích đổi mới (9); đặc biệt là giảm thiểu bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia (10).
Thêm vào đó, trong vòng 15 năm tới, các thành phố trên thế giới sẽ trở nên an toàn, vững chắc và bền vững (11); đồng thời triển khai chương trình hướng tới các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững (12). Ưu tiên đặc biệt trong những năm trước mắt là ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động của nó (13); song song với việc bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển (14); cũng như quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học (15).
Các nhà lãnh đạo thế giới cùng thống nhất hướng tới việc xây dựng và thúc đẩy xã hội hòa bình (16); tạo động lực mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững (17).
Xét trên nhiều khía cạnh, 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững và 169 chỉ tiêu của nó có một phạm vi rộng hơn so với 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và 21 chỉ tiêu. Trong khi các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ chỉ tập trung chủ yếu vào các vấn đề xã hội thì Mục tiêu Phát triển Bền vững bao gồm tất cả các phạm vi của phát triển bền vững, trong đó có tăng trưởng kinh tế, hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường.
Từ quan điểm địa lý, các Mục tiêu Phát triển Bền vững nhằm mục tiêu chủ yếu là nước đang phát triển, đặc biệt là những người nghèo nhất, trong khi các Mục tiêu Phát triển Bền vững sẽ áp dụng chung cho các nước giàu cũng như nước nghèo. Một ví dụ điển hình trong số các mục tiêu đó, Mục tiêu Phát triển Bền vững số 1 đề cập đến việc xóa đói giảm nghèo dưới tất cả các hình thức, chứ không chỉ nghèo đói cùng cực.
Đặc biệt, chương trình nghị sự mới về phát triển bền vững là kết quả của một quá trình đàm phán với sự tham gia trong nhiều năm của 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và sự tham gia của xã hội dân sự.
Năm 2016 đã đến và chương trình phát triển bền vững cho giai đoạn 15 năm tiếp theo bắt đầu được triển khai. Chúng ta đều nhận thấy rõ ràng rằng con người là trung tâm của sự phát triển bền vững. Vì vậy, nỗ lực vì một thế giới công bằng, bình đẳng và toàn diện là việc làm không của riêng ai và chúng ta cam kết cùng hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, từ đó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người./.