500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam

Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2012 (FAST500-2012), công bố ngày 9/4 tại Hà Nội, cho thấy tốc độ tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp này đạt 62,2% trong giai đoạn 2008-2011, và 62% số doanh nghiệp lạc quan hơn về triển vọng kinh tế trong tương lai.
Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2012 (FAST500-2012), được Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (VN Report) kết hợp cùng Báo điện tử VietnamNet công bố ngày 9/4.


Ảnh minh họa

FAST500 đánh giá thứ hạng của doanh nghiệp dựa trên tiêu chí chủ yếu là tăng trưởng bình quân kép về doanh thu-lợi nhuận, đồng thời có xem xét các tiêu chí khác như: lợi nhuận, lao động và tài sản để so sánh quy mô và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.

Tăng trưởng cao hơn

Theo VN Report, lọt vào FAST500 là những doanh nghiệp năng động của nền kinh tế, được kỳ vọng góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, và sẽ là những đối thủ cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong tương lai.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng FAST500-2012 trong giai đoạn 2008-2011 đạt 62,2%, cao hơn chỉ số tương tự được ghi nhận giai đoạn 2007-2011 (57%) và giai đoạn 2006-2009 (54%).

Trong đó Top 5 doanh nghiệp đứng đầu FAST500-2012 có tốc độ tăng trưởng hơn 374% trong giai đoạn 2008-2011.

Trong thông cáo báo chí phát đi tại buổi lễ công bố, VN Report đã đưa ra một số nhận định quan trọng: tốc độ tăng trưởng bình quân của các DN FAST500 tăng dần; tốc độ tăng lợi nhuận chậm hơn doanh thu.

 “Như vậy, trong quá trình sau khi Việt Nam gia nhập WTO, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng khá mạnh về quy mô, tuy nhiên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chưa tăng trưởng tương xứng”, VN Report nhận định.

Chỉ khoảng 25,93% số doanh nghiệp thuộc FAST500-2012 có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn tăng trưởng doanh thu. Điều đó cho thấy lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng khá mạnh về quy mô, tuy nhiên hiệu quả kinh doanh chưa tăng trưởng tương xứng.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn là hai đầu tàu của nền kinh tế, đóng góp số lượng doanh nghiệp tăng trưởng lọt vào FAST500 nhiều nhất trên cả nước.

Ngân hàng và bất động sản không còn tăng nóng

Theo thống kê của FAST, giai đoạn 2007-2010, ngành tài chính-ngân hàng đứng đầu FAST500 với tỷ lệ tăng trưởng bình quân (CAGR) đạt trên 70%. Và khối ngành xây dựng, bất động sản và vật liệu xây dựng cũng không kém cạnh là mấy khi đạt chỉ số trên 53%.

Tuy nhiên, sang tới năm 2011, bất động sản bắt đầu gặp nạn, giá nhà đất chững lại và có dấu hiệu giảm dần, các dự án xây dựng bị đình trệ do thiếu vốn đầu tư, dù đã huy động một luồng vốn đáng kể từ phía ngân hàng. Thị trường dần đóng băng, kéo theo đó là những khoản nợ xấu gia tăng cho toàn hệ thống tài chính. Số liệu từ FAST500-2012 cho thấy, mặc dù ngành bất động sản đứng đầu về số lượng doanh nghiệp hiện diện đông đảo trong bảng xếp hạng, nhưng CAGR của những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất toàn ngành lại khiêm tốn ở con số khoảng 38%, còn CAGR ngành tài chính-ngân hàng cũng chỉ ở mức 47%.

Xét về chỉ số hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) năm 2011 theo ngành nghề của các doanh nghiệp FAST500, ngành tài chính-ngân hàng và bất động sản đạt tương ứng là 3,62% và 5,2%. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của các doanh nghiệp thuộc hai nhóm ngành này khá thấp, với mỗi 10 đồng vốn bỏ ra, nhà đầu tư chỉ có thể thu về chưa được nổi 1 đồng lãi, thấp hơn nhiều so với những ngành nghề bấy lâu nay “âm thầm” tăng trưởng nhưng chưa bao giờ được đặt vào vị trí “nóng” như hóa chất, cơ khí, hay thực phẩm-đồ uống…


Hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) năm 2011 của doanh nghiệp FAST500-2012
xét theo ngành nghề kinh doanh

Trước những băn khoăn của đại diện các doanh nghiệp, diễn giả của lễ công bố, GS. Michael Dukakis, Cựu ứng viên Tổng thống Mỹ năm 1988, cựu Thống đốc bang Massachusetts, và hiện là Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston, đã đưa ra những lời khuyên hữu ích dựa trên những kinh nghiệm lãnh đạo thành công của mình. Cụ thể, các nhà lãnh đạo cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng và cẩn trọng để đưa ra những chiến lược hợp lý cho đất nước.

Trong quá trình thực hiện chiến lược đó, các nhà lãnh đạo cần kêu gọi sự hỗ trợ đắc lực từ khối doanh nghiệp và người lao động. Mỗi quyết định được đưa ra cần được xem xét để phục vụ cho sự phục hồi của nền kinh tế.

“Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, không chỉ là hạ tầng “cứng” mà còn là đầu tư vào hệ thống giáo dục. Đây là hai trụ cột quan trọng quyết định sự thành công của nền kinh tế”, GS. Dukakis nhấn mạnh.

62% doanh nghiệp lạc quan hơn

Kết quả nghiên cứu khảo sát cho thấy một kết quả bất ngờ, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2011, số doanh nghiệp lạc quan đã vượt qua số doanh nghiệp bi quan. Hơn 62% số doanh nghiệp được hỏi hi vọng doanh thu của họ sẽ gia tăng trong năm 2013 so với năm 2012, trong khi chỉ có chưa đến 15% số doanh nghiệp e ngại khả năng doanh thu sẽ giảm sút trong năm 2013. Tương tự, trên 50% số doanh nghiệp trả lời khảo sát dự định sẽ tuyển dụng thêm lao động trong năm 2013.

Nguyên nhân chủ yếu của bước ngoặt về tâm lý này là do sự ổn định tương đối của kinh tế vĩ mô trong năm 2012 (về lạm phát, tỷ giá và lãi suất). Cho dù tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiếp tục rất thấp, môi trường chính sách và môi trường kinh doanh dường như có tính khả đoán cao hơn. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, trải qua quá nhiều khó khăn và khủng hoảng trong hai năm vừa qua, đã có phương án dự phòng cho tình hình kinh tế có thể còn khó khăn hơn trong các năm sắp tới.

Điều này càng cho thấy Chính phủ cần kiên quyết tiếp tục điều hành theo hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư. Những sự điều hành nóng vội theo hướng “giải cứu” thị trường này, thị trường kia, hoặc tăng đầu tư công bằng nguồn vốn vay để kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với rủi ro kèm theo là bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát gia tăng, sẽ là liều thuốc đắng đối với niềm tin mới được nhen nhóm của cộng đồng doanh nghiệp.

Chia sẻ về chiến lược tăng trưởng, một số lãnh đạo của doanh nghiệp trong FAST500 cho rằng: trên bước đường tăng trưởng, chuyện các công ty có thương hiệu từng được coi như biểu tượng của sự thành công, với doanh thu lớn nhất, tăng trưởng nhanh nhất, sau đó lại rơi vào tình trạng khó khăn là chuyện không hiếm. Nhưng tựu chung lại, tăng trưởng đến từ 3 yếu tố căn bản là cải tiến sản phẩm, tập trung tiếp thị đến khách hàng và đưa ra giải pháp cho những vấn đề tiêu dùng. Ngoài ra, quản trị tốt cũng là giải pháp tốt, có khả năng tiết kiệm được 70-80% chi phí vận hành doanh nghiệp.

FAST500 cũng đã xếp hạng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trưởng nhanh nhất năm 2012, đứng đầu là, Công ty CP Lâm sản Pisico Quảng Nam, Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Cần Thơ, Công ty CP Sợi Phú Nam, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Thành, Công ty CP May Chiến Thắng.
 
(Theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Chuyên gia Mỹ Latinh: Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới

Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, khẳng định Việt Nam là ngọn hải đăng hy vọng của thế giới, là lũy thép ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc.

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6 triệu lượt trong 4 tháng

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.

[INFOGRAPHIC] Kinh tế - xã hội 4 tháng: Nhiều lĩnh vực tiếp tục xu hướng tích cực

Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội khởi sắc trên nhiều lĩnh vực.

Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày vui thống nhất non sông

Chỉ có thống nhất Việt Nam mới có thể giàu mạnh, chỉ có thống nhất nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc!

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ 15/5;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Hiệp định Geneve: Bài học quý cho hoạt động đối ngoại quốc phòng, an ninh trong tình hình mới

Mặc dù 70 năm đã trôi qua, nhưng Hiệp định Geneve vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị hiện thực và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho hoạt động ngoại giao nói chung và đối ngoại quốc phòng, an ninh nói riêng trong tình hình hiện nay.