Hơn 54.000 tỷ đồng phát triển vùng dân tộc, miền núi

Mặc dù trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, song trong giai đoạn 2006 – 2012, Chính phủ đã bố trí nguồn cho các chương trình, chính sách vùng dân tộc và miền núi với tổng kinh phí trên 54.770 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao những kết quả
trong việc thực hiện các chương trình, chính sách vùng dân tộc và miền núi

Sáng nay 11/4, Ủy Ban dân tộc tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng dân tộc và miền núi. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đồng chủ trì Hội nghị.

Vùng dân tộc và miền núi hiện chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên, địa bàn sinh sống của 54 dân tộc, trong đó 53 dân tộc thiểu số với gần 12,3 triệu người, chiếm 14,27% dân số cả nước.

Nhiều chính sách phát triển vùng dân tộc, miền núi

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ngày càng toàn diện và đồng bộ cho vùng dân tộc và miền núi, với nguồn lực đầu tư nhiều hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Trong giai đoạn 2006 – 2012, chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi được thể chế hóa với gần 160 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 14 nghị định của Chính phủ, 40 quyết định của Thủ tướng, 27 văn bản phê duyệt các đề án…).

Ngoài ra, các địa phương chủ động xây dựng và ban hành nhiều chính sách riêng thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi.

Trong đó nổi bật nhất là Chương trình 135 giai đoạn I. Trong giai đoạn 2006 – 2012, Chương trình này đã giải quyết được những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất, tạo đà cho khu vực dân tộc và miền núi, nhất là đầu tư hạ tầng cho các thôn bản đặc biệt khó khăn.

Tiếp đó, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo; chính sách hỗ trợ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất; chính sách hỗ trợ định canh định cư…

Về kinh phí, mặc dù trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn, song trong giai đoạn 2006 – 2012, Chính phủ đã bố trí nguồn cho các chương trình, chính sách vùng dân tộc và miền núi với tổng kinh phí trên 54.770 tỷ đồng.

Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách cho vùng miền núi và dân tộc, đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi: Sản xuất đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, cơ sở hạ tầng được nâng lên….

Công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số đạt nhiều kết quả tích cực, 99,5% số xã có trường tiểu học, 93,2% số xã có trường trung học cơ sở, 12,9% số xã có trường trung học phổ thông.

Mạng lưới y tế phát triển nhanh, hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã được quan tâm đầu tư, 99,39% xã có trạm y tế, 77,8% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đến năm 2011, có 94,2% số thôn đã có cán bộ y tế.

Văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy. Hạ tầng kỹ thuật phát thanh truyền hình, thông tin liên lạc được quan tâm, hiện phủ sóng phát thanh trên 90% và phủ sóng truyền hình gần 80%, 98,7% số xã có bưu điện văn hóa.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có chuyển biến tích cực, hệ thống chính trị được củng cố và ngày càng phát triển, nhất là hệ thống chính trị cơ sở.

Nhờ đó, tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tập trung giải quyết những bức xúc về đời sống

Bên cạnh những kết quả đạt được, vùng miền núi và đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó nổi lên là tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (năm 2012, Tây Bắc - 28,55%, Đông Bắc - 17,39%, Tây Nguyên -15,58%, Bắc Trung bộ - 15,01%, so với tỷ lệ hộ nghèo cả nước 9,64%).

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư, song vẫn còn yếu và thiếu, thường xuyên bị thiên tai, bão lũ tàn phá. Các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, thông tin truyền thông... chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp.

Những hạn chế này, ngoài nguyên nhân khách quan về xuất phát điểm, còn không ít nguyên nhân chủ quan như: nhận thức về công tác dân tộc của một số cán bộ các cấp chưa sâu sắc; năng lực tham mưu đề xuất chính sách dân tộc của các Bộ, ngành và địa phương còn hạn chế; xây dựng chính sách chưa xác định tầm nhìn chiến lược...

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, từ thực tiễn triển khai chính sách dân tộc thời gian qua, một số bài học được rút ra là tổ chức Đảng và chính quyền các cấp phải cụ thể hóa Nghị quyết thành những chính sách, chương trình hành động, kế hoạch đồng bộ và thống nhất.

Thường xuyên quan tâm tâm tư tình cảm của đồng bào, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, phát huy dân chủ cơ sở, giải quyết những bức xúc của người dân.

Tập trung nguồn lực cho đầu tư vùng dân tộc và miền núi, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết vấn đề bức xúc như giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào.

Nâng cao vai trò tham mưu của các cơ quan làm công tác dân tộc; coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ người dân tộc thiểu số;…Các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc lồng ghép chính sách trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số.

Để giải quyết cơ bản vấn đề đói nghèo, các địa phương cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư, thực hiện phát triển sản xuất bền vững.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho biết một số định hướng lớn trong thực hiện chính sác dân tộc thời gian tới theo các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc và miền núi, nhất là các công trình trọng điểm để phục vụ cho đời sống và sản xuất.
Giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giải quyết tình trạng di dân tự do.

Đảm bảo nguồn lực đầu tư cho các chính sách đã được ban hành, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Điều chỉnh lại cơ chế quản lý thực hiện chính sách dân tộc theo hướng xây dựng chương trình, chính sách tổng hợp, đa mục tiêu, dài hạn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới đồng bào vùng dân tộc. Trong những năm qua, chính sách cho vùng dân tộc và miền núi đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá khách quan những mặt đạt được, những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai chính sách vùng dân tộc và niền núi, từ đó đề xuất bổ sung, sửa đổi chính sách chưa phù hợp, đặc biệt đề xuất chính sách nhằm giảm nhanh hộ nghèo theo hướng nhanh và bền vững.
 
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...

Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ tổ chức "Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" từ ngày 24-30/4/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.