Lễ hội Gầu tào của người Mông

Gầu tào - theo tiếng Mông có nghĩa là địa điểm chơi. Ở những nơi gần biên giới, người Mông còn gọi lễ hội này theo tiếng Quan Hỏa là Say Sán, nghĩa là đạp núi. Lễ hội Gầu tào hiện được tổ chức ở quy mô gia đình, mang tính chất là lễ tạ ơn thần linh và được cộng đồng hưởng ứng, đến góp vui.
 
Lễ hội không diễn ra thường xuyên, mà chỉ khi có gia đình nào lâm vào một trong 2 trường hợp sau mới tổ chức. Trường hợp thứ nhất, gia đình không có con, ít con hoặc sinh con một bề sẽ lên đồi Gầu tào quỳ khấn, xin thần linh ban cho con cái theo ước nguyện. Khi đứa trẻ được sinh ra, được đặt tên, mùa xuân năm đó, người ta sẽ làm Lễ Gầu tào để tạ ơn. Trường hợp thứ hai, gia đình có một vài thành viên trong nhà thường ốm đau, bệnh tật, mùa màng thất bát, vật nuôi còi cọc, kinh tế sa sút, cũng sẽ lên đồi Gầu tào quỳ khấn, xin thần linh cho gia đình mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi. Khi mọi tai ương đã hết, mùa xuân năm đó, người ta sẽ làm Lễ Gầu tào để tạ ơn.
 
Lễ hội Gầu tào ở Pha Long (Mường Khương).
 
Lễ hội Gầu tào được người Mông tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, nhưng việc chuẩn bị phải được tiến hành từ cuối tháng Chạp với nghi lễ chặt tre và dựng cây nêu. Trung tâm của Lễ hội Gầu tào là cây nêu. Cây nêu được chọn từ cây tre, gọi theo tiếng Mông là “Sung lùng trử” có nghĩa là cây Long Thượng, gồm một cây cao khoảng 10 - 12 m, đường kính gốc khoảng 20 cm (gọi là “dìn sê”) và một cây thấp hơn khoảng 7 - 8 m, đường kính gốc khoảng 6 - 7 cm (gọi là “dìn sông”). Cây nêu phải thẳng đứng, gióng đều, vỏ xanh bóng, ngọn cây vươn về phía mặt trời mọc.
 
Nghi lễ chặt tre diễn ra tại gốc cây tre được chọn. Chủ lễ thắp một bó hương, đặt một sấp tiền mã ở gốc tre, rồi xòe ô che đầu, đi vòng quanh cây nêu ngược chiều kim đồng hồ (những người khác đi theo chủ lễ thành vòng tròn). Chủ lễ vừa đi, vừa hát bài hát chặt cây nêu. Cứ được một vòng, chủ lễ lại vung dao chém nhẹ vào gốc cây một nhát làm lý. Hết bài hát, người ta chặt cây tre sao cho phải đổ về phía mặt trời mọc và không được để cho cây tre đổ hẳn xuống đất, vì vậy, sẽ phải có vài thanh niên đỡ cây tre lên vai. Người ta tỉa cành tre chỉ còn lại thân tre nhẵn nhụi. Trên ngọn tre, để nguyên cành lá, không tỉa.
 
Cây tre được vác từ nơi chặt ra thẳng bãi hội. Khi vác tre, người ta phải vác đằng gốc đi trước, ngọn đi sau. Dẫn đầu đoàn vác tre là chủ lễ, xòe ô che đầu, hát bài vác cây nêu. Đoàn đi một mạch đến bãi hội, không nghỉ dọc đường, đặc biệt là kiêng không để cây tre chạm đất khi chưa đến bãi hội.
 
Đến bãi hội, người ta đào hố chôn cây tre. Hố đào phải tránh không được trùng với các vị trí đã đào hố chôn cây nêu từ những năm trước. Ông chủ lễ buộc lên ngọn cây nêu 1dải vải lanh màu đen và 1 dải vải lanh màu đỏ, một bầu rượu, 3 bông lúa nếp và 1 túm cây trồng “sưi”, rồi mọi người cùng dựng cây nêu, ngọn nêu phải quay về hướng mặt trời mọc.
 
Lễ cúng bên cây nêu được diễn ra vào buổi sáng hôm đó. Lễ vật gồm 1 con gà, 1 chai rượu, 1 gói cơm. Chủ lễ thắp hương, đốt tiền mã, cúng báo thần linh biết việc gia đình dựng cây nêu, tổ chức Gầu tào tạ ơn như lời hứa, rồi mọi người cùng hưởng lễ dưới chân cây nêu.
 
Ngày chính hội thường bắt đầu từ mùng 2 đến mùng 4 tết, tùy theo tuổi của gia chủ. Sau nghi lễ cúng bên cây nêu, ông chủ lễ tuyên bố mở màn hội, mọi người tham gia trình diễn và thưởng thức các trò chơi, gồm múa khèn, múa võ. Riêng những đôi trai gái thường say sưa với màn hát hội Chù Gầu tào. Cuộc vui kéo dài đến tối. Khách phương xa có thể về nghỉ tại nhà gia chủ để hôm sau tiếp tục cuộc vui. Đêm hôm ấy, chủ khách thường tổ chức hát đối đáp nam, nữ thâu đêm.
 
Cuộc vui cứ thế tiếp diễn liên tục trong 3 ngày. Chiều ngày thứ ba, chủ lễ hạ cây nêu. Cây nêu được vác về nhà gia chủ. Nghi lễ đón cây nêu diễn ra tại cửa nhà. Chủ lễ đứng ngoài cửa, tay cầm chai rượu treo trên cây nêu và một mẹt thóc lấy từ ba bông lúa treo trên cây nêu tượng trưng cho việc mang phúc, lộc về cho gia đình. Hai thanh niên vác đoạn gốc tre dài bằng chiều dài chiếc giường của người Mông, đứng sau chủ lễ. Gia chủ ở trong nhà rót hai bát rượu chờ sẵn. Cửa nhà đóng chặt. Chủ lễ hát bài mang cây nêu về. Chủ nhà hát bài đón nhận cây nêu, rồi mở toang hai cánh cửa. Chủ lễ đổ rượu, vãi gạo vào trong nhà. Chủ nhà mời chủ lễ uống rượu, rồi trao cho chủ lễ một vuông giấy đỏ, trong có chút tiền để tạ ơn. Chủ lễ trao lại cho gia đình dải vải lanh. Hai thanh niên mang đoạn gốc tre vào giao cho gia chủ. Đoạn gốc tre sau đó sẽ được chủ nhà dùng làm giát giường. Dải vải lanh được dùng để may trang phục cho đứa trẻ hoặc cho người ốm, do hứa làm Gầu tào mới khỏi.
 
Lễ hội Gầu tào là lễ hội lớn nhất và cũng là lễ hội có quy mô cộng đồng duy nhất của người Mông, gắn liền với niềm tin của người Mông về sự ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Gầu tào là môi trường nuôi dưỡng văn hóa, văn nghệ dân gian Mông, góp phần gắn kết khối đoàn kết cộng đồng người Mông./.
(Theo báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...

Đền Mẫu Trịnh Tường - Điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Lào Cai: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Người Tày xã bản Hồ giữ nghề truyền thông

Nghề dệt vải, nhuộm chàm truyền thống của người Tày xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) đang được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Đây không chỉ là nghề truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân mà còn là nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lào Cai: Bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán xã hội tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch

Năm 2024, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu: Lập 03 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị ít nhất 01 lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024

Từ ngày 15/4 đến hết ngày 19/4/2024, Lào Cai phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai. Trong đó, ngày 15/4 là ngày phát động đồng bộ thực hiện mặc trang phục truyền thống các dân tộc trên phạm vi toàn tỉnh.