Nghi lễ Then của người Tày

Nghi lễ Then xuất hiện cùng sự tồn tại của người Tày, đây là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang đậm tính chất tâm linh và huyền bí, thể hiện các loại hình diễn xướng dân gian từ nghệ thuật ngôn từ, tạo hình, âm nhạc... nên gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần người Tày ở Lào Cai.

Hát Then trong lễ cúng của dân tộc Tày.  ( Ảnh: Ngọc Dương)

Nghi lễ Then của người Tày ở Lào Cai hiện vẫn được duy trì và tồn tại, song một số nghi lễ Then, đặc biệt là Lễ Pang luông (Then cấp sắc) bị mất đi, chỉ còn các nghi lễ như: Then giải hạn, Then gọi vía, Then cầu an... tồn tại ở Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Sa Pa và thành phố Lào Cai. Sở dĩ, nghi lễ Then tồn tại đến ngày nay là bởi sự tin tưởng của người Tày và những giá trị to lớn mà nghi lễ Then mang lại.

Nghi lễ Then được tổ chức xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân con người bị ốm yếu, uống thuốc mà không khỏi; trẻ con ốm đau hoặc quấy khóc. Trong cuộc đời mỗi người ít nhất trải qua nghi lễ Then một lần. Người Tày thường tổ chức vào dịp đầu năm, đầu xuân để cầu lộc, cầu tài và sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Để tổ chức lễ, gia chủ phải nhờ thầy Then xem, tìm chọn ngày tốt để tiến hành. Thầy xem sách Nôm Tày để tránh ngày tuyệt họ. Then của người Tày đều chứa đựng những yếu tố sha man giáo. Đó là nghi lễ diễn xướng nghệ thuật tổng hợp gồm: Hát, nhạc, nhảy múa, trang phục với hai hình thức chính là “thoát hồn” và “nhập hồn”, cùng hướng tới mục đích chữa bệnh, giải hạn, trừ hiểm họa, cầu tự, ban phúc lộc.

Người thực hành nghi lễ Then là thầy Then (bà Then hoặc ông Then), phải trải qua Lễ Cấp sắc mới được công nhận là thầy Then. Khi được công nhận là thầy mới được quyền, được phép đi làm lễ cúng, hát Then gọi hồn cho người ốm, người giải hạn. Dù là ông Then hay bà Then đều có chức quyền như nhau, người nào được mời đi làm then, cúng giúp các gia đình thì người đó lắm lộc, là thầy Then giỏi, có tiếng tăm và được nhiều người mời đi giúp gia chủ.

Trong Then của người Tày phân chia thành cấp bậc thầy khác nhau, thường là thầy Bụt (Then quạt) và thầy Then tính tẩu. Đối với người Tày ở Lào Cai, niềm mơ ước của các Then là được cấp sắc. Mỗi lần cấp sắc là một lần sát hạch để thăng cấp cao hơn, có uy tín hơn trong làng Then và trong cộng đồng. Lần đầu được cấp chứng chỉ hành nghề. Những lần tiếp theo là cấp chức sắc, mỗi lần cấp đều có văn bản của thầy Tào viết bằng chữ Nôm Tày, có đóng triện và áo dài của Then cũng phải thay đổi từ màu đỏ sang màu vàng hoặc màu đen.

Cấp cao nhất của Then gọi là Lễ Cấp sắc, người Tày ở Lào Cai gọi là Lễ Pang luông. Một trong số các thầy Then có điều kiện về vật chất, đứng ra đăng cai, gia chủ mời tất cả thầy Then trong thôn hoặc trong xã về gia đình thực hành nghi lễ. Gia chủ đứng ra tổ chức phải là thầy Then, phải đi mời thầy Tào về thực hiện các nghi lễ trong Lễ Pang luông. Sau nghi lễ này, các thầy Then không phải cấp sắc thêm nữa, họ chỉ việc chuyên tâm vào công việc của mình là cứu nhân, độ thế.

Trong thời gian diễn ra Lễ Pang luông, người thực hiện và người đến vui đều không va chạm, lời qua tiếng lại, trộm cắp, đánh nhau. Vì vậy, ý thức tự giác, sự tôn trọng nhau trong đồng bào người Tày rất lớn, có tính nhân văn cao.

Từ trước đến nay, nghi lễ Then có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Tày, được lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Thông qua nghi lễ Then, những người làm Then luôn tự tin, có sức mạnh và ý chí phấn đấu trong cuộc sống, tích cực tạo phúc cho mọi người. Chính vì vậy, nghi lễ Then luôn là niềm tự hào của dân tộc Tày ở Lào Cai./.

(Theo báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...