Thành tựu 25 năm qua là động lực để Lào Cai tiếp tục phát triển

Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII về việc chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh: Lào Cai - Yên Bái, ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động. Thời điểm này, Lào Cai có 9 huyện, thị xã (từ tháng 6/1992, có 10 huyện, thị xã) với 180 xã, phường, thị trấn. Tháng 1/2004, Trung ương quyết định chuyển huyện Than Uyên về tỉnh Lai Châu. Từ đó đến nay, tỉnh Lào Cai có 9 huyện, thành phố với 164 xã, phường, thị trấn.
Những ngày đầu mới tái lập, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh rất khó khăn, là tỉnh khó khăn nhất cả nước, 150 xã chưa có đường ôtô đến trung tâm; lương thực bình quân đầu người chỉ đạt 184 kg/năm; 87% số xã, phường, thị trấn không có điện; thu ngân sách trên địa bàn cả năm mới đạt 19 tỷ đồng; còn 17 vạn người trong độ tuổi mù chữ, 60% số trẻ trong độ tuổi không được đến trường, 36 xã chưa có trạm y tế; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 680 nghìn đồng/năm, 54% số hộ thuộc diện đói nghèo; 12 vạn người thiếu nước sinh hoạt, nhiều nơi thiếu nước sản xuất, đất canh tác; tuyến đường bộ (Quốc lộ 70), đường sắt Hà Nội - Lào Cai (đoạn Phố Lu - Lào Cai) hư hỏng nặng, chưa có các cây cầu kết nối (cả cầu Cốc Lếu); an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phức tạp, hoạt động đối ngoại, nhất là với tỉnh biên giới liền kề Vân Nam (Trung Quốc) chưa được khai thông...

Bắt tay vào xây dựng lại Lào Cai, tỉnh phải chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tập kết ở Phố Lu, Tằng Loỏng, Cam Đường, sau đó lại tập kết lên thị xã Lào Cai mới; nhưng được sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã lãnh đạo chính quyền, cán bộ, nhân dân các dân tộc từng bước vượt khó, vươn lên.


Thành phố Lào Cai ngày càng hiện đại.         (Ảnh Ngọc Bằng)

Phát triển kinh tế - xã hội có những bước đột phá thành công. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp là chính sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ - du lịch: Năm 1991, cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 61,71% - 15,92% - 22,37%; Năm 2015, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống còn 15,7%; công nghiệp và xây dựng tăng lên 43,1%; dịch vụ tăng lên 41,2%.

Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá; tổng sản lượng lương thực năm 1991 đạt 90.243 tấn, đến năm 2000 đạt gần 175.000 tấn; năm 2015 đạt gần 282.000 tấn.

Tập trung đầu tư xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, Lào Cai có 2 xã Tả Phời, Hợp Thành (thành phố Lào Cai) là hai xã đầu tiên tự nguyện rút khỏi Chương trình 135 từ tháng 6 năm 2004. Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ. Hết năm 2015 đã có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Kinh tế công nghiệp có bước phát triển đột phá. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1991 mới đạt 54,5 tỷ đồng; năm 2000 đã tăng lên 424,8 tỷ đồng; năm 2015 đạt 7.403 tỷ đồng (giá cố định năm 1994).

Giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu Lào Cai tăng nhanh. Nếu như ngày đầu tái lập tỉnh chưa có hoạt động kinh tế cửa khẩu thì sau khi khôi phục, tổng giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 1995 đạt 8,88 triệu USD; năm 2000 tăng lên 14,3 triệu USD; năm 2015 đạt 2,2 tỷ USD.

Sau ngày tái lập tỉnh, hệ thống giao thông Lào Cai được khôi phục, nâng cấp, xây dựng mới. Năm 1991 số xã, phường, thị trấn có đường ôtô đạt 30%; từ năm 2001 thì 100% số xã, phường, thị trấn có đường ôtô đến trung tâm, nay đã được rải nhựa, 100% thôn, bản có đường ôtô, xe máy. Được Trung ương quan tâm đầu tư, ngày 21/9/2014, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành, đưa vào sử dụng, mở ra trang mới cho sự phát triển mọi mặt của Lào Cai nói riêng, các tỉnh tuyến đường chạy qua, cũng như các tỉnh Tây Bắc.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 1991 chỉ đạt 19 tỷ đồng. Năm 2000 tăng lên 214,5 tỷ đồng. Năm 2015 đạt 5.500 tỷ đồng. Lượng khách du lịch đến Lào Cai năm 1995 đạt 22.870 lượt; năm 2000 gần 220.000 lượt người; năm 2015 trên 2 triệu lượt người. GDP bình quân đầu người: Năm 1991 đạt 680.000 đồng; năm 2000 đạt 2,33 triệu đồng; năm 2015 đạt 39,3 triệu đồng.

Những thành tựu, kết quả đó góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng dần: Năm 2000 đạt 7,11%; giai đoạn 2001 - 2005 tăng trưởng bình quân đạt 11,9%/năm; giai đoạn 2006 - 2010 đạt 13%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 14%/năm (riêng năm 2015 đạt 14,2%).

Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh, hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào Lào Cai. Duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2008, chỉ số PCI của Lào Cai đứng vị trí thứ 8, năm 2009 ở vị trí thứ 3, năm 2010 đứng thứ 2, năm 2011 đứng ở vị trí số 1, năm 2015 đứng thứ 5 so với 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Kinh tế phát triển kéo theo mọi mặt của đời sống xã hội có bước chuyển biến rõ nét. Số xã, phường, thị trấn có điện: Năm 1991 chỉ có 13%; năm 2000 là 60,6%. Hằng năm, tỉnh cân đối, bố trí từ 65% - 70% tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước địa phương để đầu tư cho vùng nông thôn, vùng cao. Vì vậy, đến năm 2010: 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã.

Giáo dục - đào tạo Lào Cai có những bước khởi sắc rõ nét. Năm 2000, Lào Cai hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ; năm 2005 đạt chuẩn giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2007 đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; năm 2013, cả 9/9 huyện, thành phố đã hoàn thành thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (về đích trước 2 năm).

Hoạt động văn hoá, thông tin, tuyên truyền tiếp tục được đổi mới; đã kịp thời tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các sự kiện chính trị - xã hội. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học được triển khai rộng khắp. Thể thao thành tích cao tăng dần số huy chương các loại trong các giải thể thao khu vực, trong nước, quốc tế. Tỷ lệ số hộ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đạt 95%, số hộ được xem Truyền hình Việt Nam đạt 97%; năm 2013, các chương trình phát thanh - truyền hình của Lào Cai đã được phát sóng lên vệ tinh Vinasat.

Hệ thống y tế không ngừng được củng cố, phát triển. Ngày tái lập tỉnh, Lào Cai còn 14 xã trắng về y tế. Đến năm 2000, toàn tỉnh có 180 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 34 phòng khám đa khoa khu vực, 14 bệnh viện các tuyến, 2.110 giường bệnh, có 4,45 bác sỹ/vạn dân (tính cả huyện Than Uyên). Hiện nay, Lào Cai đạt tỷ lệ 10 bác sỹ/vạn dân; 35,8 giường bệnh/vạn dân; đã có 94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt hiệu quả. Tỷ lệ đói nghèo (theo tiêu chí cũ): Năm 1991 là 54,8%; năm 2000 là 21,1%; năm 2015 là 32,1% theo chuẩn mới (theo tiêu chí giai đoạn 2011 - 2015 là 12,11%).

Công tác quốc phòng, an ninh đạt được kết quả quan trọng. Lào Cai là tỉnh đầu tiên tổ chức cắm mốc giới trên đất liền biên giới Việt - Trung năm 2002 và hoàn thành cắm mốc trên đất liền khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc năm 2007.

Hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được kết hợp hài hòa, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Lào Cai với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc được nâng lên tầm cao mới, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Quan hệ với nhiều vùng, lãnh thổ, tổ chức quốc tế được duy trì và mở rộng: Vùng Aquitaine (Cộng hòa Pháp), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Oxfam (Anh)…

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng đạt nhiều kết quả. Bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được hoàn thiện. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được củng cố, nâng cao.

Khi tái lập tỉnh Lào Cai (1/10/1991), Đảng bộ tỉnh có 493 tổ chức cơ sở đảng với 10.942 đảng viên; còn 451 thôn, bản chưa có đảng viên. Qua các kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng tập trung vào xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên, kiện toàn bộ máy tổ chức của Đảng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015; Nghị quyết số 05 ngày 17/8/2012 của Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2012 - 2015”, nhiệm kỳ 2010 - 2015 toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 9.565 đảng viên, nâng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh lên 39.200 đồng chí; thành lập mới 823 chi bộ thôn, 100% thôn, bản có chi bộ độc lập.

Từ năm 2000, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2000 - 2005) và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2005 - 2010) thành 7 chương trình công tác trọng tâm với 29 đề án, nghị quyết chuyên đề. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra 7 chương trình công tác trọng tâm với 27 đề án (rút gọn 2 đề án so với 2 nhiệm kỳ trước). Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra 4 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa với 19 đề án chuyên đề và tổ chức thực hiện có hiệu quả cao.

Thực tiễn Lào Cai từ năm 1991 đến nay cho thấy, tuy còn khó khăn, hạn chế và thách thức, nhưng những thành tựu về kinh tế - xã hội mà tỉnh Lào Cai đạt được sau 25 năm tái lập, đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sự vận dụng đường lối đổi mới của Đảng vào hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ tỉnh Lào Cai là sáng tạo, phù hợp.

Nhìn lại 25 năm qua, từ xuất phát điểm ở mức thấp kém, Lào Cai đã phấn đấu để trở thành một tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc, gần đạt mức trung bình của cả nước. Có được những thành tựu đó trước hết là do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đoàn kết, thống nhất cả về tư tưởng lẫn hành động, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, phát triển đảng viên; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Thực hiện tốt chính sách cán bộ, chú trọng nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực; đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh các phong trào thi đua. Đảng bộ quan tâm mở rộng đối ngoại với các địa phương trong cả nước, các tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ, đặc biệt là với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), góp phần phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, bảo đảm an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội và chủ quyền biên giới quốc gia.

Một nguyên nhân rất quan trọng được đánh giá cao, đó là Lào Cai đã sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ của Trung ương, sự ủng hộ của các tỉnh bạn; biết thu hút, trân trọng các doanh nghiệp; chủ động và tích cực trong quan hệ đối ngoại, hợp tác của các thành phần kinh tế, tạo nguồn lực to lớn cho sự phát triển. Bên cạnh đó, Lào Cai vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Biết chọn những lĩnh vực, những khâu đột phá để tập trung mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi sẽ tạo ra những chuyển biến một cách toàn diện.

Những thành tựu 25 năm qua là động lực để Lào Cai tiếp tục phát triển, phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc./.
 
Nguyễn Văn Vịnh
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Tin Liên Quan

Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 19/4/2024 về Đề án đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Mường Khương: Nỗ lực nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho Nhân dân

Mường Khương là huyện vùng cao biên giới với 23 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 87% tổng dân số. Ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Thách thức lớn nhất với Mường Khương là thay đổi thói quen sử...

Lào Cai: Phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024

Sáng 26/4, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Phát triển dịch vụ ligistics, thúc đẩy hợp tác, kết nối xuất nhập khẩu

Với tiềm năng phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực như công nghiệp, nông lâm nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, đặc biệt kinh tế cửa khẩu là những điều kiện thuận lợi để Lào Cai thúc đẩy phát triển dịch vụ logicstics.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường làm việc với Tập đoàn Erex (Nhật Bản)

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, chiều 24/4, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Erex.

Bảo Thắng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ IV, năm 2024

Sáng 25/4, huyện Bảo Thắng đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 2024.