Mộc mạc chợ phiên Mường Khương

Không ồn ào, sôi động như những chợ phiên nổi tiếng Cốc Ly, Cán Cấu hay Mường Hum nhưng nét bình dị, mộc mạc riêng có của chợ phiên Mường Khương để lại nhiều ấn tượng đối với du khách khi đến đây.
 
Nằm ở trung tâm huyện, chợ Mường Khương chỉ họp vào ngày chủ nhật. Tuyến đường từ thành phố Lào Cai lên trung tâm Mường Khương quanh co, khúc khuỷu, nhưng đã được rải nhựa, đi lại khá thuận lợi. Ngay từ sáng sớm, khi làn sương còn phảng phất, từng đoàn người từ khắp các ngả đường “đổ” về chợ, tiếng nói cười, ánh mắt rạng ngời cùng với sắc màu của những bộ váy áo thổ cẩm tạo không khí như ngày hội.

Bán nông sản.

“Đến chợ phiên Mường Khương vào ngày mùa đông lạnh giá, nhưng những ánh mắt thân thiện, cử chỉ gần gũi, thưởng thức bát thắng cố cay nồng vị ớt, nhâm nhi chén rượu ngô của đồng bào vùng cao nơi đây, đã tạo cho tôi không khí ấm áp, như đang ở nhà mình” - đó là tâm sự của chị Hằng, khách du lịch đến từ Hà Nội.

Chợ phiên Mường Khương cũng có đủ các mặt hàng: Nông sản, thực phẩm, ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, nông cụ, đồ điện… Có lẽ, khu vực bán hàng nông sản ồn ào, sôi động nhất chợ, với chùm ớt đỏ tươi, quả chanh, vài mớ rau rừng hay những quả dưa chuột căng mọng... thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Giá trị kinh tế của những mặt hàng nông sản này không cao, nhưng chứa đựng trong đó bao nhọc nhằn và hy vọng của đồng bào nơi đây.

Không thể thiếu ở mỗi phiên chợ Mường Khương là khu bày bán nông cụ với lưỡi cày, lưỡi cuốc, dao, búa… mỗi khi người mua thử độ bền, dẻo của các loại vật dụng, một bản hợp âm với những tiếng leng keng thú vị lại vang lên. Dạo qua khu bán thổ cẩm, không khí trao đổi nhộn nhịp, những bộ trang phục thổ cẩm của đồng bào với hoa văn, sắc màu rực rỡ như những bông hoa thi nhau khoe sắc.

Ẩm thực chợ phiên Mường Khương thật đa dạng, từ nồi thắng cố khói bay nghi ngút, bát phở chua cay cay, hay những tấm bánh đa, bánh rán giòn thơm. Chiếc bánh rán nóng vừa được vớt từ chảo mỡ sôi sục, với vị ngọt của đường, bùi bùi của đỗ, dừa, dẻo thơm của bột gạo khiến tôi thêm thích thú.

Chia tay chợ phiên khi trời đã đứng bóng, tiếng nói cười vồn vã, cái bắt tay thân tình, hay những lời hẹn chợ phiên sau vẫn vang vẳng đâu đây…

(Theo báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai