Lào Cai: Lễ cúng rừng của người Dao Tuyển

Lễ cúng rừng của người Dao Tuyển bản Mạ, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng được tổ chức vào ngày mùng 8 Tết hằng năm. Đây là lễ hội bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng, kết hợp lễ cúng rừng đầu xuân theo phong tục cổ truyền.

Những mâm sản vật dâng cúng rừng. 

Từ nhiều đời nay người Dao Tuyển bản Mạ có phong tục cúng rừng đầu xuân mới vào một ngày tháng Giêng và cúng vào 3 ngày chính khác trong năm gồm lễ Thanh Minh (ngày mùng 3/3 âm lịch), lễ Thần Nông (ngày mùng 6/6 âm lịch) và lễ Cơm mới (ngày 9/9 âm lịch). Trong đó, lễ Cúng rừng đầu xuân là lễ lớn nhất vì cúng vào đầu năm mới và có nhiều người tham gia dự hội mở rừng, trồng cây gây rừng theo phong tục người Dao Tuyển.

Để chuẩn bị cho lễ cúng rừng, các hộ gia đình đồng bào Dao Tuyển dậy từ rất sớm dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn bàn thờ tổ tiên và chọn những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất tham dự lễ hội.

Bắt đầu làm lễ, thầy cúng (người có uy tín trong thôn) đi trước với bộ quần áo dài màu vàng, trên áo thêu những nét hoa văn truyền thống độc đáo của dân tộc Dao Tuyển để không bị nhầm lẫn với người dân trong làng. Thầy cúng đội trên đầu một chiếc mũ vẽ hình con hổ (biểu tượng này thay đổi theo từng năm), đi sau đó là các sản vật của dân làng như mâm xôi, thủ lợn, gà, rượu, hương, bánh mật... đã được chuẩn bị sẵn từ hôm trước ở nhà trưởng thôn. Tiếp sau là lãnh đạo huyện, khách mời cùng các già làng, trưởng thôn bản, nhân dân trong xã, đặc biệt lực lượng không thể thiếu của buổi lễ cúng rừng là kiểm lâm.

Lễ vật được rước đến dưới cây mí đại cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở khu rừng cấm của làng, thầy cúng đỡ những mâm cỗ trên đầu những nam thanh, nữ tú đặt vào miếu trước cây. Bên trên mâm cỗ treo 5 đôi câu đối được viết bằng chữ của người Dao Tuyển với các nội dung như: Rừng che chở cho con người và mùa màng; mọi người phải bảo vệ rừng; nhà nhà phải bảo vệ rừng; người người phải trồng và bảo vệ rừng. Thay mặt bà con dân làng, thầy cúng cầu mong thần rừng che chở, mong cho một năm mưa thuận gió hoà, cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc.

Lễ cúng rừng người Dao Tuyển bản Mạ.

Sau nghi lễ cúng rừng, tất cả mọi người tập trung ra khu đồi trống ở gần đó để nghe các cán bộ kỹ thuật kiểm lâm hướng dẫn phương pháp kỹ thuật trồng cây gây rừng. Bà con trong xã cùng nhau trồng nhiều cây xanh để cảm tạ thần rừng và giữ màu xanh cho làng bản.

Tiếp đó, trưởng thôn đọc cam kết bảo vệ rừng, đồng thời đại diện cho toàn thể nhân dân trong thôn tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng với lực lượng kiểm lâm. Tất cả mọi người đều phải tuân thủ theo cam kết đã đề ra như: Không chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, vận động bà con trong thôn cùng tham gia thực hiện nghiêm chỉnh “Quy ước bảo vệ và phát triển rừng” do thôn bản đề ra, tích cực tham gia trồng rừng... Trong năm, không một ai được xâm phạm đến khu rừng cấm, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt theo quy ước.

Sau phần lễ cúng rừng, phần hội tổ chức một số môn thể thao dân tộc như kéo co, ném còn, đánh quay, đẩy gậy… luôn thu hút hàng ngàn người dân trong vùng cùng tham gia thi đấu và cổ vũ./.

(Theo lehoi.cinet.vn)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai