Vẻ đẹp trang phục phụ nữ Mông hoa Bắc Hà

So với các dân tộc khác, dân tộc Mông hoa (Mông lềnh) ở Bắc Hà còn giữ được nhiều phong tục, tập quán độc đáo. Một trong những nét đẹp đó là việc dệt vải, thêu, may các bộ trang phục, rực rỡ đậm bản sắc của những phụ nữ dân tộc Mông hoa.
 

Thêu thổ cẩm.
Ở Bắc Hà, đồng bào Mông hoa có dân số đông nhất trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, sống tập trung ở các xã Bản Phố, Lùng Cải, Lùng Phình, Tả Van Chư và Lầu Thí Ngài… Đây là cộng đồng dân tộc có truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc, nổi bật là nghệ thuật tạo hình trên các trang phục thổ cẩm của phụ nữ. Thường, bộ trang phục thổ cẩm của thiếu nữ Mông đẹp rực rỡ sắc màu, hoa văn tinh xảo, tạo ấn tượng sâu sắc…

Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông hoa gồm khăn, áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, thắt lưng, xà cạp… Khăn của phụ nữ Mông hoa có hai loại, đó là loại hình chữ nhật khổ 65x40cm thêu hoa văn trùm lên đầu, một loại khăn vành rộng quấn quanh đầu.
Thiếu nữ Mông hoa (Bắc Hà).
Áo của phụ nữ Mông hoa thường xẻ nách, cổ cao, trên vai và ngực có nẹp thêm vải màu thêu, in hoa văn hình xoắn ốc. Váy chủ yếu là dùng các màu đỏ, xanh đậm… trông nổi bật, rực rỡ. Thắt lưng là miếng vải rộng khoảng 7 - 8 cm và dài 80 - 120 cm, đoạn giữa thắt lưng được thêu các hoa văn, màu đẹp, quấn ngang bụng, tôn thêm vẻ đẹp của người phụ nữ, đồng thời cũng làm cho các thiếu nữ Mông có vóc dáng đẹp hơn. Họa tiết hoa văn trên nền trang phục Mông hoa chủ yếu là các hoa văn hình học và mang tính chất ước lệ. Đó là những đường ngang, viền đậm dài hoặc gẫy góc, tạo ra các khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi… Trên trang phục của người Mông hoa ở Bắc Hà, màu đỏ đóng vai trò chủ đạo. Màu này phối hợp màu vàng, trắng nhằm đối chọi với nền chàm tạo nên sắc rực rỡ.

Phụ nữ Mông hoa giỏi may, thêu được cả cộng đồng đề cao, tôn trọng, đây cũng là tiêu chí để các chàng trai lựa chọn vợ. Trước khi đi làm dâu, người mẹ tặng cho con gái bộ váy, áo coi như của hồi môn. Khi về nhà chồng, cô gái lại thêu, dệt váy áo để tặng mẹ đẻ, mẹ chồng và các em của chồng. Không những thế, người phụ nữ khi đã làm mẹ còn có nghĩa vụ dạy bảo con gái trồng lanh và làm thổ cẩm. Trẻ em gái dân tộc Mông hoa ngay từ khi 7 - 8 tuổi đã được mẹ hướng dẫn cách dệt vải, thêu, may các hoa văn truyền thống, để đến khi lấy chồng sẽ  may được 8 - 15 chiếc váy làm của hồi môn.
(theo Báo Lào Cai)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai