Lễ buộc vòng vía của người Dao đỏ

Người Dao đỏ từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành phải trải qua khá nhiều nghi lễ, trong đó có nghi lễ buộc vòng vía cho trẻ mới sinh. Nghi lễ này chỉ diễn ra khi đứa trẻ sinh ra khó nuôi, hay ốm đau hoặc gia đình hiếm con.
 

Theo quan niệm, lễ buộc vòng vía là hình thức truyền vía từ người khỏe mạnh có phúc, có đức sang cho đứa trẻ để cầu cho khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn… Trước khi nghi lễ diễn ra, chủ nhà nhờ một phụ nữ trung tuổi se sẵn dây sợi chỉ đỏ cùng với chủ nhà sắm đủ các lễ vật cần thiết cho nghi lễ (người phụ nữ được chọn phải khỏe mạnh, tính tình hiền lành, chịu khó làm ăn, gia đình hòa thuận, có đủ con trai, con gái và phải khác họ với đứa trẻ).

Người Dao đỏ quan niệm, sắm nhiều lễ vật là để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, những vị thần trên trời có quyền uy phù hộ ban phước lành cho đứa trẻ. Sau khi chuẩn bị xong, chủ nhà mời thầy cúng giỏi đến để làm lễ.
 

Lễ vật gồm: 1 con gà trống luộc chín, 6 chén rượu đặt lên chiếc bàn nhỏ kê ở vị trí trước cửa nhà chính, rồi bố đứa trẻ sang các nhà hàng xóm (khác họ với mình) xin mỗi nhà 1 bát gạo, 1 sợi chỉ màu đỏ và ít tiền âm rồi đặt lên bàn làm lễ. Khi mọi thứ đã xong, thầy cúng làm lễ báo cáo tổ tiên, thần linh và các vị thần trên trời cầu phúc, cầu an giải hết sài đẹn, bệnh tật… phù hộ cho đứa bé khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Thầy cúng cũng làm phép xin tổ tiên cho cháu bé được đến nhà một gia đình có đầy đủ vợ chồng, con cái sống hạnh phúc (ngoài dòng họ) để giúp buộc vòng vía và nhận cháu làm con nuôi (gia đình này được chọn trước khi làm lễ).

Sau khi đã làm lễ tại nhà bố mẹ đẻ, đứa trẻ được mẹ bế đến nhà bố mẹ nuôi để làm thủ tục buộc vòng vía (kể từ lúc buộc vòng vía đến hết 3 ngày sau, cháu bé không được gặp bất kỳ ai ngoài mẹ đẻ, mẹ nuôi và bà nội của cháu). Sau đó, những người ngoài dòng họ được gia đình cháu bé mời từ trước đến để thực hiện việc buộc dây vía cho cháu tại nhà mẹ nuôi, ai đến sớm hơn thì sẽ buộc dây chỉ đỏ vào cổ tay cho cháu, cứ như vậy việc buộc vòng vía diễn ra trong 3 buổi sáng. Hai sáng đầu chỉ buộc để làm lý, sáng thứ ba thì sợi chỉ mới chính thức được buộc vào tay cháu bé, người buộc sợi chỉ thứ ba vào cổ tay cho cháu, vừa buộc vừa cầu xin cho cháu ngoan, khỏe, hay ăn, chóng lớn, thông minh, tài trí./.
(Theo Báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai