“Bức tranh” kinh tế 6 tháng 2013

6 tháng đầu năm 2013 tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 10,473 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ. GDP ước tăng 4,9% sau 2 quý. CPI tháng 6/2013 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 6,69% so với cùng tháng năm 2012. Đó là những tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế trong 6 tháng năm 2013.
Vốn FDI vượt 10 tỷ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2013, cả nước đã có 554 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 5,812 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2012.

Đồng thời, đã có 217 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,66 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 10,473 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2012.

Về vốn thực hiện, trong 6 tháng năm 2013, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,7 tỷ USD, tăng 5,6% với cùng kỳ năm 2012.


Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm
đạt 10,473 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2012. Nguồn  Philstar

Theo lĩnh vực đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2013, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 259 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,308 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 419,67 triệu USD, chiếm gần 4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 79 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 178,27 triệu USD.
 
Tính theo đối tác đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,992 tỷ USD, chiếm 38,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,41 tỷ USD, chiếm 32,6% tổng vốn đầu tư.

Trong khi đó, theo địa bàn đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2013, không kể dầu khí ngoài khơi, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 46 tỉnh thành phố.

Với việc điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 2,815 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư.

Thái Nguyên đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,158 tỷ USD, chiếm 20,6% vốn đăng ký. Bắc Ninh đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,322 tỷ USD.
 
Xuất khẩu của khu vực FDI cả dầu thô trong 6 tháng đầu năm 2013 dự kiến đạt 41,139 tỷ USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 66,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 37,37 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 60,22% tổng kim ngạch xuất khẩu.  

Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực FDI 6 tháng năm 2013 đạt 35,726 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 56,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2013, khu vực FDI xuất siêu 5,413 tỷ USD, trong khi cả nước nhập siêu 1,403 tỷ USD.
 
GDP ước tăng 4,9% sau 2 quý
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng qua ước đạt 4,9%.

Đây là mức tăng khả quan trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đạt xấp xỉ mức tăng cùng kỳ năm trước là 4,93%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,07%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,18%, dịch vụ tăng 5,92%.

“Diễn biến các chỉ tiêu kinh tế trong quý 2/2013 cho thấy nền kinh tế đang dần phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như các ngành, lĩnh vực khác đều đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng,” báo cáo viết.

Sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có chuyển biến khi hàng tồn kho đang giảm dần. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã tăng dần qua từng tháng và trong 6 tháng qua, chỉ số IIP ước tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến đã có xu hướng giảm dần kể từ đầu năm, tại thời điểm 1/6/2013 tăng 9,7%, so với cùng thời điểm năm trước đã giảm mạnh (mức tăng tại thời điểm 1/1/2013 là 21,5%).

Về hoạt động phát triển doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký mới đã được cải thiện và bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong các tháng gần đây, 6 tháng của năm 2013 ước tăng 7,8%. Trong khi đó, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã bắt đầu quay trở lại hoạt động, 6 tháng qua đạt khoảng 9.300 doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2013 sẽ ở mức khoảng 7%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 8% do Quốc hội đề ra.

Báo cáo của Bộ cũng đã đưa ra những dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam, theo đó tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,5%.

CPI tháng 6 nói lên điều gì?
 
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2013 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 6,69% so với cùng tháng năm 2012.

Như vậy, tính từ đầu năm, CPI đã tăng 2,4% và bình quân tăng 6,73% so với 6 tháng đầu năm 2012.

Tháng 6/2013 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng
6,69% so với cùng tháng năm 2012.
Sau hai lần giảm vào tháng 3 và 5 cộng với lần tăng vào tháng 4 chủ yếu nhờ vào quyết định hành chính, không phản ánh chính xác xu hướng biến động giá của thị trường, thì việc chỉ số giá tăng nhẹ trong tháng này cũng là một tín hiệu tích cực cho những người lạc quan, đặt niềm tin vào sự phục hồi kinh tế sau những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua.

Tuy nhiên, ở phía ngược lại, những hoài nghi về sự phục hồi kinh tế qua góc nhìn chỉ số giá vẫn còn đó và chúng tồn tại là có cơ sở. Xét trong 6 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng được 2,4% so với tháng 12 năm trước, thấp nhất kể từ năm 2003, trong đó, đóng góp của các yếu tố phi thị trường chiếm gần một nửa.

Giá dịch vụ y tế được điều chỉnh từ đầu năm bởi quyết định của ủy ban nhân dân một số tỉnh thành phố đã đóng góp gần 1% vào mức tăng CPI chung. Phần còn lại, yếu tố mùa vụ đóng vai trò chủ yếu, góp phần vực dậy con số CPI trước thực tế nhu cầu có khả năng thanh toán của người dân đã giảm mạnh nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. 5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 15 năm trở lại đây.
 
Trở lại diễn biến giá cả trong tháng 6, nhìn tổng thể, không có sự đột biến nào xảy ra như những tháng trước. Các nhân tố gây đột biến trong các tháng trước như dịch vụ y tế, xăng dầu đều phản ánh bình ổn trong tháng.

Dịch vụ y tế không đổi so tháng trước, giá xăng dầu giảm trong tháng trước làm chỉ số giá nhóm giao thông giảm 0,09%. Việc tăng giá xăng dầu ngày 14/6 vừa qua chưa ảnh hưởng đến chỉ số giá tháng này. Diễn biến giá cả của các nhóm hàng khác tương tự diễn biến trong tháng trước.

Nguyên nhân dẫn đến việc CPI tháng này tăng chủ yếu là do chỉ số giá nhóm hàng có quyền số cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng này có mức giảm ít hơn tháng trước. Cụ thể, sau khi giảm 0,35% vào tháng trước, tháng này, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ giảm 0,07%, trong đó lương thực giảm 0,6%, thực phẩm giảm 0,03% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,29% so với tháng trước.

Mặc dù đã có những hỗ trợ từ Chính phủ như chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhưng giá gạo các chủng loại tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn giảm liên tục.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo tuần qua đã giảm thêm 5-700 đồng/kg tùy chủng loại. Cũng theo VFA, nguyên nhân là do các hộ dân đang vào vụ thu hoạch, tồn kho rất lớn trong khi đầu ra chưa ổn định.

Trong khi đó, giá các mặt hàng thực phẩm gần như không đổi, chỉ giảm nhẹ 0,03% so với tháng trước, góp phần chính khiến chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống dừng ở mức giảm 0,07%.

Trong tháng, chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt ghi nhận các mức giảm 4,11% và tăng 0,26% so với tháng trước.
 
Tình hình kinh tế đang chuyển biến theo xu hướng tốt dần lên
 
Đó là đánh giá của ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cũng theo ông Sinh, tăng trưởng kinh tế 6 tháng tương đương với mức tăng cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định; các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh dần phát huy tác dụng.

Vì thế, chỉ số hàng tồn kho đang giảm dần, trong khi chỉ số sản xuất công nghiệp cũng tăng dần qua từng tháng.

Số doanh nghiệp đăng ký mới bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong các tháng gần đây, ước tăng khoảng gần 8% trong 6 tháng đầu năm 2013. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh tăng trở lại. Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn ODA đạt khá...
 
Trong công tác điều hành kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Chính phủ, điểm sáng rõ nhất là chính phủ luôn xác định quyết tâm là kinh tế càng khó khăn thì càng phải quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội. Chính vì vậy, các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được triển khai tích cực không chỉ trong 6 tháng qua mà là trong nhiều năm nay, nhất là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Trong 6 tháng, kinh phí thăm hỏi tặng quà từ ngân sách trung ương là 393,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa là trên 800 tỷ đồng. Đã xuất cấp không thu tiền gần 40 nghìn tấn gạo để cứu đói trong dịp Tết và giáp hạt vừa qua. Triển khai chính sách tín dụng lãi suất thấp cho hộ cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo lên 100%...

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều còn rất nhiều khó khăn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản giảm sút.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Thị trường bất động sản vẫn rất trầm lắng. Tiến độ thu ngân sách nhà nước chậm hơn cùng kỳ các năm trước; giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đạt thấp...

Trong diễn biến như vậy, sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản nhiều, tồn kho vẫn ở mức cao.

Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ khó tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay mà vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng đến phục hồi nền kinh tế.

Khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh cần được tháo gỡ cùng với việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn vốn tín dụng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô để tăng niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào triển vọng đầu tư, kinh doanh.

Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo cần được tháo gỡ để từng bước phục hồi. Ông Sinh cho rằng, phải rất cố gắng thì GDP cả năm mới có thể đạt mục tiêu 5,5%.

“Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị đẩy mạnh việc triển khai Đề án tái cơ cấu kinh tế với những lộ trình rất cụ thể đối với từng bộ, ngành và từng lĩnh vực, trong đó có nhấn mạnh đến các nội dung như trong quý 2/2013, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu của ngành, lĩnh vực và địa phương. Tôi cho rằng Chính phủ đã thể hiện được quyết tâm không để tiến trình này chậm trễ thêm”, ông Sinh khẳng định./.
Theo Cục Thông tin đối ngoại

Tin Liên Quan

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...

Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ tổ chức "Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" từ ngày 24-30/4/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.